“Kinh đô Thăng Long- Những khám phá khảo cổ học” - Thêm một nguồn tư liệu quý của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Hơn một nghìn năm kể từ khi Lý Công Uẩn định đô, Kinh thành Thăng Long đã chứng kiến bao đổi thay và thăng trầm cùng với đất nước và thời đại. Có thể thấy, tư liệu và hiện vật về Thăng Long – Hà Nội đang được các nhà khoa học, khảo cổ học dành nhiều công sức và trí tuệ để cố gắng khai quật và tìm ra những bí ẩn dưới lòng đất của một kinh đô phồn hoa mà các thế hệ tiền nhân đã xây dựng và để lại cho đời sau. Cách đây hơn 12 năm, cuộc khai quật lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học Đông Nam Á được khai mở tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Một kho tàng di sản văn hoá vô giá của dân tộc ta được phát lộ dưới những nhát cuốc của các nhà khảo cổ học. Từ đó cho đến nay, để công bố những phát hiện to lớn, có giá trị về Kinh đô Thăng Long đã có rất nhiều bài viết và một số cuốn sách được ấn hành. Trong đó, một số tạp chí và sách ảnh đã ra mắt công chúng, những ấn phẩm đó đã góp phần nâng cao nhận thức của độc giả về giá trị vô giá của Thăng Long – Hà Nội.

PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên đề tài “Kinh đô Thăng Long - Hà Nội những khám phá khảo cổ”. Ảnh: Đ.Tùng
Trong cơ cấu đề tài của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án, Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử dưới sự chỉ đạo và định hướng của Hội đồng Tư vấn khoa học đã lựa chọn và đặt niềm tin vào PGS.TS. Tống Trung Tín là chủ biên đề tài “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”. Chủ biên và cộng sự là những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về khảo cổ học Thăng Long – Hà Nội với nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long có giá trị được công bố và được đông đảo bạn đọc, giới nghiên cứu đánh giá cao và ghi nhận. Trong buổi nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài chiều ngày 1/8/2014, Hội đồng nghiệm thu gồm các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về khảo cổ học và lịch sử đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của đề tài về mặt khoa học và thực tiễn, cho rằng về cơ bản định hướng cấu trúc sách thể hiện là tương đối hợp lý. Tuy nhiên chủ biên cần xác định rõ mục đích cụ thể của đề tài để xây dựng nội dung với bố cục logic, chặt chẽ đảm bảo tính khoa học nhưng ngôn ngữ và cách diễn đạt phải phổ thông, đại chúng để phục vụ đông đảo đối tượng bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội. Hội đồng nghiệm thu đã góp ý cụ thể, chi tiết từng nội dung của đề cương.
Về tên đề tài, nhận xét của một số thành viên Hội đồng cho rằng cần sửa tên đề tài cho sát với mục đích và nội dung thể hiện của cuốn sách và đưa ra một vài phương án để chủ biên cân nhắc, lựa chọn. Qua trao đổi, xem xét và phân tích rõ từng nội dung, Hội đồng nghiệm thu vẫn thống nhất với tên đề tài là “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”, tuy nhiên để có sự logic, hợp lý và bao quát nội dung thì trong phần tổng quan tác giả cần giới thuyết rõ để người đọc có được những hình dung cụ thể và xác thực nhất.
Quang cảnh tại buổi nghiệm thu. Ảnh: Đ.Tùng.
Về bố cục, với kết cấu đề cương hiện tại là hợp lý, mỗi chương mục có các mục khác nhau, được sắp xếp và thuyết minh khá hợp lý. Nhìn chung, các chương đã cố gắng trình bày khái quát đầy đủ về những khám phá khảo cổ học, đặc biệt tập trung làm nổi bật các địa điểm quan trọng nhất về trục Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và địa điểm 18 Hoàng Diệu. Nhưng để cuốn sách cân đối, logic về tỷ lệ chương phần hợp lý, Hội đồng cho rằng, tác giả cần sắp xếp trên cơ sở cái “cốt” như ban đầu nhưng chia làm 3 phần nội dung: phần tổng quan căn cứ mục đích của đề tài, sẽ trình bày những nét khái quát, giới thiệu tổng quan về Thăng Long theo mặt tự nhiên và tiến trình lịch sử để có cái nhìn khái quát, giúp độc giả hình dung cụ thể về Thăng Long, khẳng định vai trò của Kinh đô Thăng Long, trong đó có đề cập đến thời kỳ tiền Thăng Long và sau Thăng Long; phần nội dung chính với 3 chương (Chương I. Trục trung tâm cấm thành Thăng Long; Chương II. Địa điểm 18 Hoàng Diệu – Phát hiện khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XXI ở phía tây điện Kính Thiên; Chương III. Những chứng tích khảo cổ khác trong chỉnh thể cấu trúc Hoàng thành Thăng Long); phần kết sẽ giới thiệu những giá trị tiêu biểu của di sản Kinh đô Thăng Long, trong đó Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long có giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 2010. Với những gợi ý cụ thể, thiết thực, chủ biên tiếp thu và cân nhắc lựa chọn những nội dung phù hợp đảm bảo mục đích của đề tài.
Đề cương chi tiết đề tài “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” được Hội đồng nghiệm thu thông qua và đề nghị chủ biên chỉnh sửa và sớm hoàn thiện đề cương chi tiết để biên soạn theo đúng yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn khi giới thiệu sự hình thành và phát triển của Kinh đô Thăng Long – Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI qua những bằng chứng khảo cổ học sinh động thể hiện bằng hình ảnh. Hy vọng rằng, với một tập thể tác giả tâm huyết, giàu kinh nghiệm dưới sự chủ trì của PGS.TS. Tống Trung Tín, cuốn sách ảnh này được biên soạn và xuất bản sẽ là một tác phẩm giá trị về nhiều mặt, góp phần làm phong phú cho kho tư liệu quý, cso giá trị về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm.
Trần Huy
Nhà xuất bản Hà Nội