Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 08/08/2014 08:35
“Hồn treo cột buồm” và chuyện sinh nghề, tử nghiệp

Nếu đi biển được xem là nghề nguy hiểm thì lặn biển còn nguy hiểm gấp nhiều lần. Ai đó đã đúng khi lấy hình ảnh "hồn treo cột buồm" để ví von về nghề lặn biển. Để có hải sản quý dưới lòng biển sâu, ngư phủ không chỉ vượt qua sóng to, gió lớn mà còn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy nơi đại dương sâu thẳm. Có mặt ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày giữa tháng 7 vừa qua, tiếp xúc nhiều ngư dân, tôi hiểu thêm phần nào những nhọc nhằn của nghề này nơi đại dương bao la.

 

Gian nan nghề lặn biển

Lý Sơn nổi tiếng với giống tỏi quý một nhánh mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Thế nhưng điều mà người ta thường nhắc đến, thậm chí cả những ngư dân ở các nơi khác khi chạm đến hai chữ Lý Sơn chính là sự thán phục tài đi biển, nhất là nghề lặn biển của ngư dân huyện đảo.

Ngư dân Bùi Văn Huệ nỗ lực vượt lên số phận.
Ngư dân Bùi Văn Huệ nỗ lực vượt lên số phận.


Lần đầu đặt chân tới huyện đảo này được gặp đôi bạn Dương Minh Thạnh và Nguyễn Lợi, ở thôn Tây, xã An Hải, những ngư dân đầu tiên thành lập tổ đội ra Hoàng Sa những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, qua đó thêm hiểu về cái nghề vẫn được gọi là "hồn treo cột buồm" ấy.

- Nghề lặn, mò hải sản ở huyện đảo này đã được tiếp nối từ đời này sang đời khác như một nghề truyền thống - Bên chén trà, ông Dương Minh Thạnh, 60 tuổi, tâm sự - Nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn gắn bó cả cuộc đời với biển. Với chúng tôi, biển không chỉ là nơi mưu sinh mà như một phần máu thịt trong cuộc sống của mình.

- Gần đây, nhiều người vươn khơi bám biển nhưng đó chỉ là một phần. Bám biển là một nhẽ, chúng tôi phải bám cả đảo nữa. Nghề lặn biển, chỉ thích hợp ở độ sâu 70-80m, nên ngư dân Lý Sơn phải bám gần các đảo chứ ngoài khơi xa, ở độ sâu 1.500-2.000m không thể làm được gì - Ông Thạnh nói tiếp - Đến nay vẫn ra khơi xa, nhưng lặn thì không, do sức khỏe không bảo đảm. Tuy nhiên đã có con trai, con rể nối nghiệp cha.

Theo chỉ dẫn của ông Thạnh, chúng tôi tìm gặp con rể ông là Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1975), vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về, cũng là một trong những thợ lặn cừ khôi.

Ngay khi chạm mặt, Lâm đã gây ấn tượng mạnh. Làn da sạm nắng, tóc ngắn hoe vàng, cao chừng 1,75m, giọng nói sang sảng, Lâm đúng chất một ngư phủ thực thụ. Ấy vậy mà khi tôi hỏi Lâm khi có sức khỏe như vậy, chắc sẽ "chì" hơn nhiều người, anh vội xua tay nói: "Không ai nói giỏi được gì, sức khỏe là cái cần nhưng chưa đủ. Cái chính của nghề này là kỹ thuật, phải tuyệt đối tuân thủ chứ to như con tịnh, sơ ý một chút, không đúng bài bản thì "thần chết" sẽ gõ cửa, chẳng chừa một ai". Rồi Lâm kể về những gian nan trong nghề lặn biển này.

Ở Lý Sơn có rất nhiều thợ lặn và nghề này là một trong những nghề chính của ngư dân. Mỗi chuyến tàu mang theo chừng 10 thợ lặn, rong ruổi khắp các vùng biển Việt Nam. Những sản vật quý của biển như hải sâm, ngọc trai, cây hoa đá… thường nằm ở vùng biển Hoàng Sa, chủ yếu ở các đảo Cát Vàng, Cát Dài, Linh Côn. Trong số đó, hải sâm, loại động vật không xương sống, chuyên ăn xác sinh vật chết và sống ở sát đáy biển mang lại giá trị kinh tế cao nên được nhiều thợ lặn kiếm tìm. Để bắt được loài vật này, ngư phủ phải đeo từ 7 đến 10kg chì cho nặng, rồi ngậm ống nhựa thông hơi để thở và lặn xuống độ sâu 60-70m, chạm đáy biển. Ngoài chiếc kính bảo vệ mắt, ống thở bằng nhựa thô sơ, cùng bao đựng hải sâm, thợ lặn Lý Sơn không có một trang bị nào khác. Xuống lòng biển sâu, thợ lặn có khoảng thời gian từ 45 phút để đi săn các sản vật quý.

- Một hơi lặn nếu gặp ổ có thể đánh bắt được tới 100kg hải sâm, tức là sẽ có ngay gần 200 triệu đồng. Khi trước, nhiều tàu đã có tiền tỷ mang về từ việc lặn bắt hải sâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có được may mắn như thế - Lâm nói - Thế nên bây giờ, cùng với nghề lặn, khi ra khơi, các tàu còn tổ chức đánh bắt cá ngừ, câu mực để tăng thêm nguồn lợi.

Rồi Lâm cho biết thêm, có một quy tắc mà mọi thợ lặn phải tuân thủ để bảo toàn tính mạng là sau khoảng 1 giờ lặn dưới độ sâu 60-70m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m thì thợ lặn phải dừng lại đó khoảng 10 - 15 phút để cơ thể thích ứng với áp suất của nước, đến khi cách mặt nước 15m phải nghỉ một lần nữa mới được lên tàu. Sau khi lên tàu phải nghỉ ngơi 30 phút mới được sinh hoạt bình thường. Thế nhưng một số thợ lặn chủ quan, không làm theo nguyên tắc này nên đã mang tật suốt đời, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Những số phận nghiệt ngã

Ở Lý Sơn, những tai nạn thương tâm xảy ra từ nghề lặn biển tiếp tục là câu chuyện khiến nhiều người day dứt. Những thanh niên trai tráng, trụ cột chính trong gia đình không may gặp tai nạn để lại cuộc sống khó khăn cho người thân ở lại. Những ngày sống ở huyện đảo này, tôi được tiếp xúc với chị Trương Thị Tiền (ở thôn Tây, xã An Hải), vợ của ngư dân Nguyễn Văn Quang (46 tuổi). Vụ tai nạn lặn biển xảy ra đầu năm nay đã khiến chồng chị ra đi mãi mãi để lại mẹ già yếu, vợ đang mắc bệnh hiểm nghèo, con gái còn nhỏ lâm vào cuộc sống hết sức khó khăn. Chính quyền địa phương, nhiều ban ngành, đoàn thể đã thăm hỏi, động viên hỗ trợ nhưng để gia đình vượt qua khó khăn vẫn là câu chuyện dài.

Ngư dân Bùi Văn Huệ ở xã An Bình (đảo Bé) thì may mắn hơn không mất mạng nhưng di chứng vẫn để lại suốt đời. Cách đây hơn 10 năm, khi đó chàng trai Huệ mới hơn 20 tuổi, khỏe mạnh, bơi lặn giỏi, theo các chủ tàu ngang dọc khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế rồi trong một lần lặn biển, tai nạn đã ập xuống, áp suất nước khiến Huệ khó thở, giật dây cho bạn kéo lên đến nơi thì ngất, được đưa ngay vào bờ. Sau tai nạn, đôi chân Huệ bị liệt. Tuy không còn cơ hội được ra khơi bám biển, vượt lên số phận, chàng trai của đảo Lý Sơn này đã tập ngồi và làm việc trở lại. Huệ nuôi chó rồi huấn luyện chúng kéo xe lăn cho mình đi khắp đảo. Ngoài vá, sửa lưới cho các ngư dân đảo Bé, Huệ còn nuôi cua đá để có thêm thu nhập.

Trong câu chuyện với ngư dân trên huyện đảo, ông Nguyễn Lợi, ở thôn Tây, xã An Hải kể thêm. Hiểm nguy với người thợ lặn còn là những cơn bão. Nhưng giờ mối lo này không quá lớn nữa bởi có thiết bị radio, icom thông báo từ đất liền tới các tàu đánh bắt ngoài khơi. Thêm nữa, kinh nghiệm đi biển lâu năm cũng cho thợ lặn những phán đoán chuẩn xác. Ông Lợi nói, một người thợ lặn có thâm niên, khi xuống dưới nước, nghe tiếng nước "chao, nứt" và nhìn những cây rong biển không ngả theo một chiều là chắc hẳn vài ngày sau ắt có bão...

Ông Nguyễn Lợi cũng cho biết, thời gian qua, để giảm thiểu tai nạn cho nghề lặn biển, các cơ quan chức năng đã triển khai chương trình tập huấn kỹ thuật lặn an toàn và hướng dẫn xử lý tình huống tại chỗ khi bị tai nạn do lặn biển cho ngư dân. "Được trang bị kiến thức, người dân yên tâm hơn nhiều. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, thế nên, ở Lý Sơn, chúng tôi càng quyết tâm ra khơi" - Ông Nguyễn Lợi hào hứng: Không ra khơi sao được khi hằng năm, sản lượng hải sản quý đánh bắt bằng nghề lặn đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân, làm giàu cho huyện đảo tươi đẹp này.
 
 
Thanh Hải
 
(Theo hanoimoi.com.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)