Sự sống từ nỗi đau da cam
Bộ ảnh đã lột tả được nỗi đau đớn tột cùng trên thể xác của mỗi em khi phải ghánh chịu hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, khi xem những bức ảnh đó, sự đau đớn thể xác không khiến người xem chú ý bằng sự lạc quan, hồn nhiên, vui tươi của những đứa trẻ khiếm khuyết, dị dạng, đang phải dành lấy sự sống hằng ngày, hằng giờ. Khó ai có thể nghĩ rằng, trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, những trẻ em da cam vẫn sống tốt và chính các em đã truyền cho người xem một sức mạnh phi thường, một sự sống diệu kỳ mà một người bình thường khó có thể làm được. Và đó là sức mạnh cho cuộc sống các em sinh sôi, nảy nở, đơm hoa đẹp, trái thơm. Bằng chứng là có các em đã đến trường, nhiều em đậu đại học và có em là vận động viên bơi lội cấp thành phố với những thành tích cao...
Tại buổi lễ, nhà nhiếp ảnh Thu An chia sẻ, chứng kiến cảnh các em nô đùa hồn nhiên rồi em lớn đưa em nhỏ đi học, tắm rửa, đút cơm, đùm đọc yêu thương lẫn nhau để vượt qua nghịch cảnh... làm cho cảm xúc của ông ngập tràn, bấm máy không theo kịp ý nghĩ của mình.
Những nhân vật chính trong các bức ảnh cũng đã tham gia buổi triển lãm với sự chào đón nồng nhiệt của mọi người. Anh Nguyễn Hồng Lợi, 27 tuổi, ở Làng Hòa Bình, đã không dấu được niềm tự hào khi là người có mặt trong nhiều bức hình của nhiếp ảnh gia Thu An. Anh là vận động viên bơi lội của đoàn thể thao khuyết tật TP.HCM. Dù hai chân bị mất tới đầu gối, tay phải cũng bị mất lên đến khửu tay nhưng anh có thành thích rất cao trong các cuộc thi ở trong nước và quốc tế. Khi thấy nhiều người đang ngắm bức ảnh anh tập bơi cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ, Lợi bảo là chú An chụp hồi nào không ai hay. Anh không nghĩ rằng, một sinh hoạt bình thường như thế mà dưới con mắt của chú An cũng trở nên đầy sức sống.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh xúc động nói: “Bảo tàng sẽ phát huy giá trị của bộ ảnh để giúp mọi người hiểu rõ hơn tinh thần lạc quan của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.
Còn nhiếp ảnh gia Thu An thì ngậm ngùi: “Với ông, các em như những chủ nhân của thế giới tương lai, đã bỏ lại phía sau nỗi đau do chiến tranh gây ra để đạt tới ước mơ hòa bình, như một “thông điệp từ trái tim” mang mọi người đến gần nhau hơn, để được thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ”./.
Nụ cười lạc quan của anh Cao Thế Anh (Trung tâm Thiên Phước).
Những nhân vật chính trong các bức ảnh tham gia buổi triển lãm.
Nhà nhiếp ảnh Thu An trao tặng các bức ảnh cho đại diện Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM;
Anh Nguyễn Hồng Lợi dưới các tác phẩm triển lãm.
Bài, ảnh: Tuệ Thiên
(Theo tuoitrethudo.vn)