Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một vài trường đại học áp dụng cách xưng hô như vậy. Có sinh viên lớp tại chức đã gần 50 tuổi xưng “con” với giảng viên chỉ 23, 24 tuổi. Một số giảng viên thỉnh giảng là người nước ngoài rất ngạc nhiên…
Một trường đại học lớn ở Hà Nội, trước rất đông sinh viên, một giảng viên cao tuổi khả kính gọi một giảng viên trẻ là “mày” xưng “tao”. Và ông cũng có thói quen gọi sinh viên là “mày”, “chúng mày”, xưng “tao” rất hồn nhiên. Bởi ông có gần chục năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài nên đã quen với lối xưng hô của ngôn ngữ chỉ có hai đại từ nhân xưng như vậy. Thậm chí trên diễn đàn hội nghị khoa học, khi làm công tác phiên dịch cho một giáo sư tên tuổi người nước ngoài, thay bằng cách dịch “tôi” và “các ngài”, “các bạn”, “các ông”… cho trang trọng, đúng với hoàn cảnh giao tiếp thì ông cũng dịch luôn là “tao” và “chúng mày”. Đành rằng ông dịch không sai nhưng trong ngữ cảnh ấy, ông dùng các đại từ nhân xưng khác cho lịch sự thì hay biết bao nhiêu!
Ở một cơ quan nghiên cứu khoa học nọ, dù có giỏi đến mấy, trí tuệ đến mấy nhưng sinh viên mới ra trường cũng phải gọi một đồng nghiệp lớn tuổi là “bác” xưng “cháu”. Nhiều khi vì nể “bậc cha chú” nên “bác” sai đã rõ ràng mà “cháu” cũng không dám tranh biện. Kết quả sai thì cứ sai, đã có cơ quan chịu, chẳng hại gì đến “cháu”, nói ra lại sợ mang tiếng là “thất lễ” hay “chơi trội”, có khi còn bị quy cho là “mất dạy”…
Rõ ràng là văn hóa xưng hô nơi công sở ở nước ta chưa có một quy định chuẩn mực. Điều này sắp tới sẽ được Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo để tiến tới chuẩn hóa. Một sự kiện rất nên được ủng hộ, hoan nghênh.
Cách xưng hô của người Việt được quy định rất phức tạp, khắt khe theo nguyên tắc những người tham gia giao tiếp đều là người trong một gia đình. Người đáng tuổi cha mẹ mình gọi “bác”, “cô”, “chú”; người đáng tuổi anh mình gọi “anh, chị”… Mọi người dù không nhớ cũng phải tuân theo điều này: “Trưởng nhất tuế vi huynh, trưởng thập tuế vi phụ” (hơn một tuổi làm anh, hơn mười tuổi làm cha). Đây là một biểu hiện trọng người có tuổi, đề cao người nhiều tuổi. “Sống lâu lên lão làng” là như vậy! Thành thử ra người Việt cũng đem luôn lối ứng xử gia đình vào trong lối ứng xử nơi công sở, họ đã biến công sở thành cái nhà của mình. Mà đã là của mình thì “sở hữu” tự nhiên. Thủ trưởng cơ quan mặc nhiên được coi là “bố”, “con cái” có việc gì thì nhờ “bố”, “bố” cho thì được… Đấy chính là biểu hiện của thói gia trưởng tiểu nông đáng phê phán… Một phong cách sống rất không hợp với tác phong công nghiệp đòi hỏi mỗi cá nhân phải cá tính hóa cao độ.
Ở cơ quan nghiên cứu hay trường đại học, với đặc thù nghiên cứu tìm ra cái mới lại càng cần đến tính độc lập, tự chủ của cá nhân thì cái cách xưng hô cổ truyền “chú-cháu”, “bác-cháu” lại làm cho những người trẻ kém đi sự tự tin cần có. Ở cơ quan luật pháp rất cần tạo ra sự khách quan, nghiêm túc thì cách xưng hô kiểu gia đình “anh, em, chị, cô, chú, bác…” lại làm giảm bớt đi tính nghiêm minh của pháp luật “Quân pháp bất vị thân” (pháp luật không phân biệt thân thích).
Nhưng ở bậc mẫu giáo và tiểu học, vì độ tuổi trẻ thơ học trò đang rất cần đến sự dìu dắt, chăm lo thì cô gọi trò là “con” lại rất cần, làm cho cô ý thức hơn về vai trò người mẹ, trò cảm thấy ấm áp hơn vì được yêu thương như ở nhà…
Xem ra thế thì chúng ta rất cần và cần sớm có một quy định chuẩn về văn hóa xưng hô nơi công sở!
THANH NGUYÊN
(Theo qdnd.vn)