TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 25/8/2004 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN CỦA HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN” LÀ DẤU MỐC, THAY ĐỔI NHẬN THỨC VỀ CÔNG TÁC XUẤT BẢN
Nhà xuất bản Hà Nội từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều mô hình hoạt động, ban đầu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, sau đó chuyển thành doanh nghiệp và trở thành Công ty TNHH Một thành viên như đang hoạt động. Ở mỗi thời kỳ và từng giai đoạn cán bộ công nhân viên - Biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội luôn tự nhận thức mình là chiến sĩ hoạt động trên mặt trận chính trị tư tưởng, văn hóa của Đảng dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thuận lợi luôn thể hiện bản lĩnh và ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao đã biên tập và xuất bản, phát hành hàng vạn đầu sách gồm nhiều thể loại phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng bảo vệ chủ nghĩa xã hội của Thủ đô và đất nước. Các ấn phẩm do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành một thời là cẩm nang cho mọi người dân sống, lao động, học tập tại Thủ đô và khách trong nước, khách quốc tế đến Hà Nội (loại sách lịch sử, di tích lịch sử, cách mạng…).
Ngành xuất bản phát triển yếu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là cơ chế quản lý, các qui định của nhà nước không theo kịp sự phát triển, nhu cầu của xã hội dẫn đến trong thời gian dài công tác xuất bản bị buông lỏng quản lý, sách kém chất lượng, sách in lậu, sách vi phạm bản quyền… được cá nhân vi phạm triền miên, không kiểm soát nổi.

Phiên họp đầu tiên Hội đồng Tư vấn khoa học Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Ảnh: VC

Một số ấn phẩm thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ảnh: VC
Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 25/8/2004 về “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đã kịp thời ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xuất bản từ Trung ương đến địa phương, Bộ ngành. Công tác xuất bản, cơ quan chỉ đạo xuất bản, cơ quan quản lý xuất bản có điều kiện để chấn chỉnh bộ máy, đánh giá lại toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ - biên tập viên - công nhân viên làm công tác này và đã có những chuyển biến rõ rệt trong toàn bộ hoạt động xuất bản. Từ Chỉ thị 42-CT/TW đã làm thay đổi nhận thức của các cấp các ngành về công tác xuất bản, các cơ quan chủ quản Nhà xuất bản đã quan tâm hơn đến đầu tư cho các nhà xuất bản, Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chấn chỉnh về công tác quản lý xuất bản, hạn chế bớt tình trạng sách xuất bản tùy tiện và xử lý được một số hiện tượng vi phạm về xuất bản sách… đặc biệt mở ra một trang mới trong hoạt động xuất bản, được cụ thể hóa bằng Luật Xuất bản sửa đổi 2008 và Luật Xuất bản 2012 mà vẫn giữ được định hướng lãnh đạo của Đảng với công tác xuất bản, huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động in - xuất bản mà Luật Xuất bản trước đó chưa có. (đó là công tác liên kết xuất bản…)
Sau khi Chỉ thị 42-CT/TW ban hành, thành phố Hà Nội đã quan tâm đến đầu tư cho Nhà xuất bản Hà Nội. Cụ thể cấp kinh phí để nâng cấp sửa chữa trụ sở Nhà xuất bản số 4 Tống Duy Tân. Năm 2006 để chuẩn bị kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long Thành phố đã giao cho Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Năm 2008 cho thuê đất tại phường Thượng Thanh để xây dựng cơ sở biên tập 2 và xây dựng Xưởng in.
Sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND và Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tạo điều kiện để Nhà xuất bản thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, tôn chỉ mục đích của một nhà xuất bản tổng hợp của Thủ đô, xuất bản được nhiều ấn phẩm có giá trị là tư liệu quí giá lưu giữ cho muôn đời con cháu mai sau, là kho tư liệu lịch sử có giá trị bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Tuy vậy, do Nhà xuất bản hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên vẫn còn gặp một số trở ngại đó là nhận thức của đa số cán bộ chủ chốt, sở, ngành Thành phố về hoạt động xuất bản, có người thậm chí cho rằng nhà xuất bản như một nhà in đơn thuần, bởi vậy để có một nhà xuất bản tổng hợp, đáp ứng đúng yêu cầu đòi hỏi của Luật Xuất bản, của Chỉ thị 42-CT/TW là điều khó khăn lâu dài.
Có thể nói Chỉ thị 42-CT/TW của Đảng là một chỉ thị “hay” cả về nội dung và nội hàm chỉ thị. Trong 10 năm sau khi có Chỉ thị ngành xuất bản đã có những bước tiến quan trọng, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của một ngành mà theo quan điểm nội dung của Chỉ thị rất quan trọng trong lĩnh vực chính trị tư tưởng, văn hóa mà thực tế nó còn là phương tiện trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Tuy nhiên, đâu đó còn chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 42-CT/TW - việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ cho nên hiệu quả chưa được như nội dung Chỉ thị đưa ra, có thể nói Chỉ thị chưa thực sự đi vào cuộc sống, hiệu quả còn khiêm nhường.

Bộ sách Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội do Nhà xuất bản Hà Nội biên soạn, xuất bản. Ảnh: VC
Bằng ý thức với công tác chính trị - tư tưởng của Đảng qua công tác xuất bản, nếu các cấp ủy Đảng nhận thức rõ được tầm quan trọng, triển khai sâu rộng, quyết liệt có chế tài yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ lập lại trật tự trong công tác xuất bản, in, phát hành sách hiện nay. Chỉ thị 42-CT/TW sẽ là ánh sáng soi rọi cho hoạt động xuất bản nếu các cấp ủy Đảng vào cuộc một cách tích cực và quyết liệt.
Biện pháp hữu hiệu là tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp chủ yếu trong nội dung Chỉ thị 42-CT/TW.
Thành ủy Hà Nội cũng cần có Chỉ thị về công tác xuất bản Thủ đô trong tình hình hiện nay. Để các cấp ủy Đảng, ban ngành Thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW và Luật Xuất bản 2012.
Nguyễn Kim Sơn