Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 14/08/2014 03:15
Nhiều ý kiến tán thành tăng thời hạn phục vụ tại ngũ lên 24 tháng

Cho ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) tại phiên họp thứ 30 diễn ra sáng nay (14-8), nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với hầu hết nội dung trong tờ trình của Chính phủ do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày. Trong đó, phương án đề nghị tăng thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ lên 24 tháng được nhiều ý kiến tán thành.

 

Đề xuất phương án  24 tháng

Giải thích lý do dự thảo luật đề xuất tăng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ lên 24 tháng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng. Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao như: Cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác dân vận...đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Mặt khác, do Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng), nên hằng năm phải tổ chức tuyển quân, giải quyết xuất ngũ hai đợt đã chi phối, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của Quân đội, các địa phương, đơn vị, gây tốn kém về vật chất và thời gian.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, việc thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, không phân biệt thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân, là cần thiết.

Còn ba loại ý kiến khác nhau

Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết, về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ (Điều 24) hiện có ba loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với dự thảo Luật tăng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định một thời hạn chung là 18 tháng. Loại ý kiến thứ ba: Đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng …

Phiên họp thứ 30  của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ủy ban thấy rằng, đây là nội dung rất quan trọng của Luật NVQS, cần có đánh giá tác động khách quan, khoa học và toàn diện hơn các mặt thuận lợi, tích cực và khó khăn, hạn chế của mỗi phương án để có sự lựa chọn phù hợp hơn.

Nên mở rộng, làm rõ hơn khái niệm nghĩa vụ quân sự

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý việc làm rõ hơn khái niệm nghĩa vụ quân sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là khái niệm rất rộng, bao hàm cả việc rèn luyện con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua “gian lao khổ hạnh để trưởng thành”. Cho nên, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về việc các đối tượng được miễn giảm nghĩa vụ quân sự theo dự thảo luật còn nhiều. “Thanh niên phải trải qua rèn luyện mới vững vàng. Điều này nhiều nước đã làm, trong đó có Hàn Quốc. Các nước XHCN trước đây cũng làm thế, tôi rất mong chuyện này được thực hiện tốt hơn” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chung quan điểm đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị mở rộng hơn định nghĩa về nghĩa vụ quân sự và kiến nghị không nên mở rộng đối tượng miễn hoãn nghĩa vụ quân sự mà nên thu hẹp lại. Mô hình, cách làm của Hàn Quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với cả những đối tượng đặc biệt như nghệ sĩ, ngôi sao ca nhạc, giáo sư…được nhiều Uỷ viên UBTVQH đưa ra trong phiên họp.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta không nên suy nghĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ là bảo vệ Tổ quốc mà phải đặt vấn đê đây cũng là một trường học đối với thanh niên. Những thanh niên trải qua trường học này thường là về sau đạo đức, tư cách có chuyển biến”. Ông Thi kiến nghị nên có hình thức nào đó để kết hợp giáo dục quốc phòng với thực hiện nghĩa vụ quân sự của sinh viên.

Nhắc lại tinh thần của bản Hiến pháp mới nêu rõ: “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể miễn nghĩa vụ quân sự mà nên xử lý theo hướng công dân làm nghĩa vụ xong mới đi học đại học. “Kể cả ngành công an cũng phải làm nghĩa vụ quân sự” – ông K’So Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến và dẫn mô hình của nước Đức,  ngành công an cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự xong mới chuyển sang công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai kiến nghị đề xuất quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ hoặc 18, hoặc 24 năm cho thống nhất. Bởi lẽ, “cùng đi nghĩa vụ quân sự mà anh đã làm nhiệm vụ nặng hơn còn kéo dài  thời gian thì sẽ nảy sinh tâm tư. Những người như thế phải có ưu tiên, quyền lợi hơn”. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhất trí với phương án nâng thời hạn phục vụ tại ngũ lên 24 tháng.

Làm rõ hơn vấn đề này, Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích: “Điều này nhằm bảo đảm công bằng. Cùng đi nhập ngũ, cùng một địa phương nhưng có thanh niên đi 24 tháng, có thanh niên đi 18 tháng mà tâm lý chung anh em đều muốn 18 tháng. Mặt khác, nếu  quy định thời hạn 24 tháng thì việc chọn những đồng chí có trình độ cao đi đào tạo sẽ thuận lợi hơn. Nếu thời hạn chỉ có 18 tháng thì những anh em được đi đào tạo trung đội trưởng, tiểu đội trưởng lại phải thêm 6 tháng tại ngũ nên nhiều anh em không muốn. Số 24 tháng huấn luyện tốt trong thời bình đưa vào lực lượng dự bị động viên khi có tình huống vào tham gia tác chiến được ngay”.


NGUYÊN MINH
 
(Theo qdnd.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)