Truyền thống là cội nguồn sức mạnh
Tờ mờ sáng 16-8, trời và biển Phú Quốc trong xanh đến lạ. Từ khoảng cách rất xa, chúng tôi đã nhìn thấy Cột Tổ quốc ghi công, trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phú Quốc, án ngự trên một ngọn đồi cao giữa lòng thị trấn Dương Đông. Đúng 7 giờ 30 phút, Đoàn công tác Trung ương đến trước nghĩa trang, đông đảo cán bộ, LLVT, nhân dân đã tập trung trước đó để cùng tham gia lễ viếng các anh hùng liệt sĩ.
Sau phút mặc niệm và lễ dâng hương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo địa phương và người dân đến từng ngôi mộ thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ. Trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Bí thư quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát huy ý nghĩa lịch sử của nghĩa trang liệt sĩ. Khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo những con số cụ thể; chỉ tay về phía Đông của sườn đồi nghĩa trang nói về những ngôi mộ tập thể; rồi trình bày về khu vực mộ các liệt sĩ chưa biết tên, Tổng Bí thư bất chợt đứng lặng thật lâu, đưa ánh mắt nhìn về phía ấy. Dòng người phía sau như nín lặng, hòa chung cảm xúc biết ơn và tiếc thương vô hạn 3305 liệt sỹ, những người con ưu tú đến từ 41 tỉnh, thành trong cả nước đang yên nghỉ nơi đây !
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Cảng Bãi Vòng, huyện Phú Quốc. |
Sau phút lắng đọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi lãnh đạo địa phương về việc thăm nom, hương khói cho các phần mộ, về phương hướng bảo tồn nghĩa trang thời gian tới. Tiếp đó Tổng Bí thư căn dặn cấp ủy, chính quyền phải làm thật tốt công tác thăm viếng với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Trên đường từ nghĩa trang liệt sĩ về Khu di tích Nhà tù Phú Quốc, nhiều người trong đoàn công tác đã trải lòng với nhau về những cảm xúc trào dâng không thể kìm nén ở nghĩa trang liệt sĩ. Thế nhưng, đến với Nhà tù Phú Quốc, mỗi người lại đón nhận thêm những cảm xúc mới, đặc biệt hơn.
Tại đây, Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu cụ thể đến từng mô hình, kỷ vật, hiện vật nơi được mệnh danh là “địa ngục giữa trần gian”. Theo lời nữ thuyết minh viên, Nhà tù Phú Quốc được Ngụy xây dựng, là nơi giam giữ gần 40.000 chiến sĩ cách mạng. Để thủ tiêu tinh thần đầu tranh của ta, chúng đã áp dụng hơn 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ đến hiện đại. Hậu quả trong hơn 5 năm (từ 7-1967 đến 3-1973) hơn 4000 chiến sĩ trung kiên của ta đã bị kẻ thù sát hại. Thời gian còn lại của sáng 16-8, Tổng Bí thư dành để tham quan khu di tích đặc biệt này. Không khó để nhận ra những cung bậc cảm xúc hiện rõ trên gương mặt người lãnh đạo cao nhất của Đảng và các thành viên tham gia đoàn công tác khi nghe về các hình thức tra tấn dã man của kẻ thù, gắn liền với tên tuổi của những anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ kiên trung của Đảng và quân đội ta. Sau buổi tham quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi lại những dòng cảm tưởng vào sổ lưu niệm tại khu di tích: “Tôi rất xúc động thăm Khu di tích nhà tù Phú Quốc - một bằng chứng lịch sử về tội ác cực kỳ dã man, tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc; một bằng chứng hùng hồn về ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tôi mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung tiếp tục giữ gìn, tôn tạo khu di tích lịch sử quý giá này để không ngừng giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta và đời đời ghi nhớ công ơn, sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Cảm xúc đó của Tổng Bí thư được nhắc lại tại buổi làm việc với cán bộ và nhân dân Phú Quốc chiều cùng ngày. Khi khẳng định các tiềm năng, thế mạnh của đảo, Tổng Bí thư chỉ rõ: Phú Quốc có bề dày lịch sử lâu đời, từ thế kỷ 16-17. Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phú Quốc là mảnh đất có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Tổng Bí thư khẳng định: "Truyền thống lịch sử cũng chính là một thế mạnh của địa phương, là cội nguồn sức mạnh, các đồng chí phải khơi dạy, phát huy sức mạnh truyền thống, làm nền tảng cho sự phát triển".
Với tâm nguyện đó, khi phân tích thế mạnh phát triển kinh tế biển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Phát triển kinh tế biển muốn đạt hiệu quả phải tính đến các yếu tố truyền thống. Tức là phải coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống; tăng cường liên kết, phối hợp với các đối tác truyền thống, giữ vững mối quan hệ với các nước bạn trong khu vực... Trong phát triển du lịch phải coi trọng kết hợp giữa du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, du lịch tâm linh với du lịch tham quan di tích lịch sử truyền thống.
Chỉ đạo đó của Tổng Bí thư được cán bộ, nhân dân địa phương thấu triệt nghiêm túc. Bởi lẽ họ rất cảm phục trước tình cảm của các đồng chí cán bộ Trung ương dành cho địa phương. Ông Nguyễn Văn Tài (70 tuổi, ở Khu phố 10, thị Trấn Dương Đông), nói với chúng tôi: Phú Quốc có thế mạnh rất lớn về các ngành nghề truyền thống, như: Đánh bắt cá cơm, nuôi trồng hải sản, sản xuất nước mắm, trồng Hồ Tiêu, chế biến Rượu Sim... Ở Phú Quốc, có nghề đã tồn tại vài trăm năm, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của địa phương và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa cộng đồng trên đảo. Gần đây, những ngành nghề truyền thống này, được chính quyền quan tâm phát triển cho hiệu quả kinh tế cao.
Vẫn với quan điểm coi trọng giá trị truyền thống, nói chuyện với cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi tại công trường xây dựng Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm 600 phòng, tiêu chuẩn 5 sao của Công ty cổ phần Vinpearl Phú Quốc (thuộc tập đoàn Vingroup), Tổng Bí thư chia sẻ niềm vui khi chứng kiến địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những công trình quy mô lớn. Tuy vậy, Tổng Bí thư cũng căn dặn rất kỹ, mỗi doanh nghiệp, công ty, mỗi cán bộ và người dân phải có trách nhiệm giữ vững nét đẹp truyền thống, nét đẹp tự nhiên vốn có của Phú Quốc.
Trước lúc chia tay, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc Lâm Minh Thành, trải lòng: Từ việc làm cho đến những lời chỉ đạo của Tổng Bí thư trong chuyến về thăm quê hương lần này đã trao gửi cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân một bài học giá trị về việc giữ gìn, phát huy sức mạnh truyền thống. Đồng chí Thành khẳng định, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, quần chúng, nhất là thế hệ trẻ; coi trọng quy hoạch khai thác các lợi thế liên quan đến yếu tố truyền thống; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, công tác, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
NGUYỄN TẤN TUÂN
(Theo qdnd.vn)