Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 18/08/2014 04:56
Khi lòng tin giữa các đồng minh bị thử thách

Quan hệ đồng minh Mỹ-Đức một lần nữa có nguy cơ rơi vào căng thẳng khi mới đây xuất hiện các thông tin cho rằng, tình báo Đức đã tiến hành do thám các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Còn nhớ cách đây không lâu, chính Béc-lin đã cáo buộc Oa-sinh-tơn nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel).

 

Theo tờ Tấm gương (Đức), trong quá trình tiến hành do thám thu thập tin tức từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các mạng lưới ở Trung Đông, Cục Tình báo nước ngoài của Đức (BND) đã nghe được cuộc gọi giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn (Hilary Clinton) với Tổng thư ký Liên hợp quốc, khi đó là ông Cô-phi An-nan (Kofi Annan). Tuy nhiên, báo chí Đức không nói rõ bà H. Clin-tơn bị nghe lén điện thoại vào lúc nào và ở đâu.
 
Mối quan hệ giữa Tổng thống B. Ô-ba-ma và Thủ tướng A. Méc-ken có phần lạnh nhạt sau khi Mỹ bị cáo buộc nghe lén điện thoại của bà A. Méc-ken. Ảnh: BBC
 
Lãnh đạo BND sau đó đã ra lệnh hủy bản ghi các cuộc điện đàm. Nhưng oái oăm thay, người phụ trách việc này lại là Mác-cớt R (Markus R), một “điệp viên hai mang” từng làm việc cho cả BND lẫn Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Bản ghi cuộc điện đàm sau đó đã không bị hủy mà đã được Mác-cớt R chuyển cho CIA. Mác-cớt R đã bị bắt vào tháng 7 vừa qua và hiện vẫn đang bị tạm giam.
 
Ngoài ra, theo BBC, tình báo Đức còn “vô tình” nghe được cuộc điện đàm qua vệ tinh của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) vào năm 2013, khi nhà ngoại giao của Mỹ đang thảo luận về tình hình Trung Đông.
 
Các thông tin tình báo nói trên nằm trong số 218 tài liệu mật của BND đã được Mác-cớt R chuyển cho CIA trong hai năm qua. Được biết, Mác-cớt R đã “tuồn” cho CIA bản sao tài liệu tuyệt mật mang tên "Danh mục ủy thác của Chính phủ liên bang" đối với BND, trong đó nêu rõ, các nước mà BND được phép theo dõi và những vấn đề ưu tiên. Trong danh sách này, Thổ Nhĩ Kỳ được liệt vào "mục tiêu theo dõi chính thức". Các thông tin vừa được hé lộ cũng cho thấy, BND đã do thám Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2009.
 
Đến nay, chính phủ Đức vẫn bác bỏ thông tin cho rằng, BND đã do thám có hệ thống đối với Mỹ và khẳng định, BND chỉ tình cờ thu được cuộc điện đàm của cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn. Các quan chức của Đức nói rằng, Béc-lin chưa bao giờ cố tình nghe lén những cuộc điện thoại của các quốc gia đồng minh trong khối NATO.
 
Bên cạnh đó, một người phát ngôn của BND cho biết, theo nguyên tắc, bất cứ dữ liệu nào mà cơ quan này tình cờ thu được sẽ lập tức được xóa bỏ. “Thật ngớ ngẩn khi bản ghi âm cuộc điện thoại của bà H. Clin-tơn không bị xóa đi ngay lập tức”, một thành viên của chính phủ Đức nói.
 
Tuy nhiên, chính báo chí Đức lại cho rằng, bà H. Clin-tơn không phải là quan chức cấp cao nước ngoài duy nhất bị BND nghe lén. Theo kênh truyền hình NDR, các cuộc điện thoại của chính trị gia từ Mỹ hay từ các quốc gia khác liên tục bị ghi lại và trình lên các lãnh đạo BND.
 
Các nghị sĩ Đảng Xanh và Đảng Cánh tả đối lập trong Quốc hội Đức đã lên tiếng yêu cầu làm rõ vụ việc cả trong Ủy ban Tình báo cũng như Ủy ban Nội vụ Quốc hội. Trong khi đó, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Giôn Ke-ri, được cho là đã làm việc với phía Đức về các cáo buộc nói trên.
 
Cuối năm ngoái, quan hệ đồng mình giữa Mỹ và Đức đã bất ngờ rơi vào tình trạng căng thẳng sau khi cựu điệp viên Mỹ Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden) tiết lộ thông tin cho rằng, tình báo Mỹ từng nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và thu thập thông tin về các công dân Đức. Bất đồng tiếp tục gia tăng khi mới đây, phía Đức đã trục xuất người đứng đầu văn phòng CIA ở Đức do nghi ngờ nhân vật này là "điệp viên hai mang".
 
Cũng kể từ khi xuất hiện tiết lộ "động trời" của Ét-uốt Xnâu-đơn, Béc-lin thường xuyên lên án các hoạt động do thám trái phép của Oa-sinh-tơn, và Thủ tướng Đức A. Méc-ken cũng đã không ít lần nhấn mạnh việc do thám các nước đồng minh là điều "không thể chấp nhận".
 
Tuy nhiên, với cáo buộc vừa xuất hiện nhằm vào BND, Đức rõ ràng đang rơi vào thế khó xử giống hệt như Mỹ trước đây. Trong trường hợp Béc-lin có được lời giải thích thỏa đáng để rồi đôi bên chấp nhận “hòa cả làng”, thì những bê bối đã qua chắc chắn vẫn khiến lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh này bị sứt mẻ ít nhiều.
 
 

TRUNG DŨNG
 
(Theo qdnd.vn)

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)