Góc phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí hẳn đã chẳng còn lọt một xó xỉnh nào mà những bước chân ưa lang thang của tôi chưa in hẳn dấu vết. Ấy vậy mà buổi chiều hè nọ, theo chân hai cha con chàng nhạc sĩ mê sách đi chơi “công viên sách”, nghe cái tên phố được người cha quy chiếu sang góc nhìn của một đứa trẻ lên 3 mà đặt tên, tôi bỗng cũng thấy mình thành một đứa trẻ lần đầu tiên được khám phá công viên sách.
Không phải là một công viên với bạt ngàn xanh mát của hoa lá, chim muông, non nước mà là một “công viên” của ngập tràn …sách. Cả một góc phố, một khoảng trời chỉ toàn sách và người yêu sách. Nơi đây, sách tràn nhà, tràn ngõ, tràn phố, tràn cả những ngóc ngách, xó xỉnh. Sách còn “bắc thang” bằng những giá tầng tầng lớp lớp ngất ngưởng đặt giữa những khoảng sân nhỏ, những lỗi đi hòng…“leo” lên trời. Đến đây, sau khi đã “no đủ” niềm khát khao tri thức, sau khi đã lựa chọn cho mình được những cuốn sách thú vị thì việc dành chút thời gian mà ngắm nhìn những gương mặt xung quanh đang mải mê “lãng du” trong thế giới mà trang sách đang “vẽ” ra trong trí tưởng tượng của họ cũng là một thú vui đặc biệt riêng dành cho những ai gắn bó với “công viên sách”. Chẳng biết có phải vì thế mà nhiều năm nay, Đinh Lễ đã trở thành một điểm đến thân thuộc không chỉ của riêng người dân Thủ đô mà còn của những du khách cả trong và ngoài nước chót yêu thành phố hiền hòa, xinh đẹp này, chót yêu cái khí chất ngàn năm văn hiến đất Thăng Long.
Ai về phố sách mà xem
Nếu đến phố Đinh Lễ, đặc biệt là dịp cuối tuần và ngày lễ, bạn hoàn toàn có thể lạc quan về văn hóa đọc của người Việt nói chung và người dân Thủ đô nói riêng. Từ sáng đến tối khuya, con phố nhỏ này luôn tấp nập người ra vào mua bán với đủ thành phần, đủ lứa tuổi, trong đó phần đông là các bạn học sinh, sinh viên. Tất cả họ đều chúng một niềm đam mê sách. ở đây, một người mê sách có thể tìm thấy hầu như tất cả những gì mình cần, từ những cuốn sách chuyên ngành đến sách văn học trong và ngoài nước, từ những bộ sách kinh điển đến những cuốn mới xuất bản. Điều quan trọng nhất, tất cả các loại sách ở đây đều được “giảm giá hết cỡ”. Sách mới, tiện lợi và rẻ là lý do để mọi người tìm đến và biến nơi đây trở thành “thánh địa” của sách ở Hà Nội.
Gọi phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí là “thánh địa” của sách chẳng “ngoa ngôn” chút nào nếu biết rằng bà Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc NXB Trẻ từng chia sẻ: “Ai tìm được cho chúng tôi một điểm "hạ cánh" tại Đinh Lễ, giá thuê mặt bằng bao nhiêu chúng tôi cũng chịu chơi”. Trong khi NXB Trẻ loay hoay “treo giải thưởng” nhiều năm mà chưa tìm được chỗ “hạ cánh” tại phố sách thì NXB Kim Đồng và NXB Chính trị Quốc gia đã lần lượt “chen chân” được vào phố sách này.
Hầu chuyện “Thành hoàng” phố sách
Trước đây, phố Đinh Lễ rất vắng lặng và có phần…hiu hắt. Cũng dễ hiểu bởi con phố này hẹp và ngắn, là nơi “đóng đô” của nhiều cơ quan Nhà nước chứ không có các cửa hàng kinh doanh hay dân cư đông đúc. Nhưng rồi, sách đã đến và mang theo một luồng sinh khí đặc biệt cho con phố này.
“Phố sách” từ lâu đã nghiễm nghiên được gắn cùng với tên phố Đinh Lễ nhưng từ bao giờ và do đâu mà con phố tĩnh lặng, đìu hiu lại lột xác thành phố sách nhộn nhịp mua bán? Đó là cả một câu chuyện thú vị về người đầu tiên mang sách về phố và giúp nó thành “phố Hàng Sách” như ngày nay.
Ông Mão ngồi bên gian hàng sách của gia đình
Trong giới làm sách và những người mê sách ở Hà Nội thì không mấy ai không biết tiếng ông bà Mão và “thế giới trong ngõ hẽm” của ông bà. Người mê sách đã gọi 5 gian nhà sách của ông bà một cách thân thương đầy trân trọng như thế. Nhưng ít ai biết rằng, chính từ những gian sách nhỏ này, sách đã tràn xuống mặt phố và biến con phố Đinh Lễ trầm mặc, hiu hắt thành phố sách đông vui, một thứ “đặc sản” của Hà Nội.
Ngồi giữa một “núi” sách, bà Phạm Thị Mão vừa “chỉ đạo” đám con cháu có tới gần chục người tìm lấy những quyển sách mà khách yêu cầu, vừa vui vẻ kể chuyện lịch sử phố sách. Bà tự hào khoe rằng chính cái “bàn sách bé tí” của vợ chồng bà đặt ở vỉa hè trước cửa Bưu điện Quốc tế là nơi phát tích của “phố sách”. Năm 1990, hai vợ chồng bà đã về hưu nhưng cô con gái duy nhất mới 5 tuổi, đồng lương hưu ít ỏi không đủ nuôi cả gia đình. Từng làm việc ở Tổng Cty sách nên bà rất am hiểu về thị trường sách và yêu sách, bà kê một chiếc bàn học sinh nhỏ trên vỉa hè ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Đinh Lễ để hai ông bà bán sách. Ba năm sau, thấy có người muốn bán một gian nhỏ trên gác hai trong ngõ 5 Đinh Lễ, ông bà bán căn nhà ở làng Ngũ xá, mua lại gian gác cũ để mở hiệu sách. Thời gian đầu ông vẫn đứng bán ở vỉa hè như cũ để giới thiệu với khách vào “cửa hàng” trong ngõ mà bà đang phụ trách. Sau khi khách đã quen “vào ngõ” thì ông bà mới “thu về một mối”.
Tiếng lành về một hiệu sách có nhiều sách quý, giá lại rẻ đến bất ngờ nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong giới nghiền sách. Cửa hàng của bà lúc nào cũng đông như trẩy hội, khiến ông bà mỗi năm lại phải mua thêm một gian để mở rộng quy mô cho đến khi cả 5 gian trên gác hai của khu tập thể cũ đều đã được mua hết. Thấy ông bà “làm ăn được”, đám nhân viên ban ngày bán sách cho bà, tối cũng trải chiếu xuống vỉa hè Đinh Lễ bán sách. Rồi những người khác nữa cũng mang “chiếu sách” về đây. Thế là Đinh Lễ trở thành “phố sách đêm” siêu rẻ nhộn nhịp bậc nhất của Hà Nội.
Dần dần người đổ về phố sách đêm ngày càng đông. Khoảng những năm 2000 – 2001, Hà Nội mở chiến dịch dẹp “phố sách đêm” một cách quyết liệt. Không được bán sách ở vỉa hè nữa thì người ta thuê cửa hàng để bán, vậy là thành phố sách Đinh Lễ như bây giờ.
Hoàng Hương
(Theo tuoitrethudo.vn)