Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 23/08/2014 10:45
Cuốn sách Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945) – Viên gạch nhỏ vun đắp cho ngôi nhà văn hóa dân tộc

 

 

Giá trị nổi bật để hồ sơ Châu bản triều Nguyễn nhanh chóng thuyết phục được UNESCO, theo Giáo sư Phan Huy Lê đó là tính xác thực, đặc biệt quý hiếm và ý nghĩa quốc tế của tư liệu. Theo chế độ văn thư triều Nguyễn, các văn bản do Nội các trình lên hoàng đế phê duyệt, văn bản gốc lưu tại Nội các và “phụng sao” một số bản giao cho các bộ, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Do đó, Châu bản là bản gốc và duy nhất, độc bản. Ngoài ra, Châu bản còn chứa đựng những thông tin trung thực để nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết qua các giai đoạn, các loại ấn chương, bút tích của nhà vua…
 
Sự hình thành và phát triển của ấn chương gắn liền với lịch sử thành văn của mỗi quốc gia, vậy nên, giá trị đặc biệt của Châu bản triều Nguyễn là “sự kết hợp giá trị sử liệu với giá trị pháp lý”. Bởi thế, Châu bản triều Nguyễn đã được công bố và đề cao trước khi bước ra thế giới.
 
Sau nhiều năm nghiên cứu và sưu tập, năm 2011 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Hà Nội đã tổ chức trưng bày 140 hình dấu khác nhau in trên 90 phiên bản tài liệu lưu trữ cùng một số ảnh chụp về hiện vật để minh họa nhằm giới thiệu đến công chúng và giới nghiên cứu các loại hình con dấu được sử dụng trong hệ thống cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương.
 
Năm 2013, từ gần 800 tập Châu bản triều Nguyễn, tương đương với khoảng 400.000 trang tài liệu, nhóm biên soạn đã tuyển chọn và giới thiệu 181 phiên bản trong cuốn sách Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945) doTrung tâm lưu trữ Quốc gia I phối hợp cùng Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
 
Cuốn sách được biên soạn dưới dạng sách ảnh, gồm 5 chương:
 
- Chương I: Khái quát về Châu bản và ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn;
 
- Chương II: Dấu tích Kim bảo của hoàng đế và ấn tín trong hoàng tộc triều Nguyễn trên Châu bản;
 
- Chương III: Ấn chương thuộc hệ thống các cơ quan trung ương triều Nguyễn trên Châu bản;
 
- Chương IV: Ấn chương thuộc binh chế quân đội triều Nguyễn trên Châu bản;
 
- Chương V: Ấn chương thuộc hệ thống chính quyền địa phương và dấu tên riêng trên Châu bản triều Nguyễn.
 
Cuốn sách dành riêng chương I để khái quát về Châu bản triều Nguyễn và hệ thống ấn dấu trên châu bản. Từ chương II đến chương V, sau mỗi nội dung giới thiệu chung về dấu là ảnh minh họa. Trong phần ảnh vừa giới thiệu dấu ấn chính đã cắt riêng vừa kèm theo phiên bản và thuyết minh về kích thước, nội dung văn bản, niên đại, ký hiệu tra tìm.
 
Để đảm bảo tính thống nhất, toàn diện về mặt tư liệu, sử liệu, đồng thời để độc giả có thông tin đối chiếu, so sánh, các nhà biên soạn không chỉ đưa những phiên bản tài liệu mà còn sử dụng thông tin từ chính sử như Minh Mệnh chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục... Với một phương pháp thực hiện khoa học kết hợp các nguồn tài liệu chính sử nhằm tăng tính khách quan và có căn cứ trên sử liệu ở độc giả.
 
Sự ra đời của cuốn sách một lần nữa góp phần cung cấp những thông tin cho phục vụ nghiên cứu trên các lĩnh vực Hán Nôm học, văn thư lưu trữ học, sử liệu học, thư pháp học… Theo PGS.TS. Nguyễn Công Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cuốn sách sẽ “giới thiệu cùng bạn đọc về một công trình, một đóng góp mới cho việc khai thác giới thiệu ấn chương Việt Nam, Châu bản triều Nguyễn nói riêng và cũng là viên gạch nhỏ vun đắp thêm cho ngôi nhà văn hóa dân tộc nói chung của chúng ta”.
 
Không dừng ở một viên gạch nhỏ với ý nghĩa vun đắp cho ngôi nhà văn hóa của dân tộc, khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn với giá trị của mình đã vượt khuôn khổ của một quốc gia “nó đã tỏa sáng để tôn vinh trên phạm vi nhân loại, giá trị đó cần được quảng bá và phát huy ra thế giới”. Điều này được khẳng định với sự nhấn mạnh của bà Katherie – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh trong buổi lễ công nhận: “Đây chỉ là một vài minh chứng cho thấy, Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa và giao lưu quốc tế. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại thế nào khi nói về văn hóa, giáo dục”.
 
 
Đàm Ly
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)