Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014 - 2015” với tổng kinh phí thực hiện thí điểm khoảng 4.000 tỷ đồng. Đề án này đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Theo đề án, nội dung trong SGK các môn học từ lớp 1-3 được số hóa theo công nghệ 3D, mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng. Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh. Tuy nhiên, đề án đang nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận.
Đừng cố ép trẻ thành cái máy
Trong hàng trăm lá thư gửi về VOV.VN, độc giả Phan Thế Vinh bày tỏ, việc đưa ra 4.000 tỷ đồng để thay đổi cách giảng và cách học là không chấp nhận được. Về phía giáo viên, nếu tất cả đều phụ thuộc vào máy tính, thụ động trong mọi tình huống, quá trình giảng dạy không thể hay bằng khi đứng trên bục giảng. Thiết bị công nghệ chỉ bổ trợ cho công tác giảng dạy chứ không thay thế hoàn toàn. Về phía học sinh, các em sẽ sinh ra lười biếng, lười suy nghĩ, lười tư duy vì tất cả đều có trên máy tính.
Cũng chung suy nghĩ như độc giả Phan Thế Vinh, độc giả Trần Nghĩa Hiệp đề nghị, “các nhà giáo dục đừng cố ép các cháu thành máy. Hãy lo cho các cháu nên người trước đã. Có tính người rồi thì học hành bao nhiêu cũng được. Chứ học sinh tiểu học mà đã như cái máy rồi thì tương lai có tốt đẹp được không đây?”.
Học sinh nghèo (ảnh: internet)
Bạn đọc tên Xinh bày tỏ, nếu dùng 4.000 tỷ đồng này giúp cho được bao nhiêu bạn nhà nghèo đỗ đại học tiếp tục theo học thì tốt biết mấy. Những người xây dựng đề án có nghĩ đến hệ lụy con cái bạn mới lớp 1,2,3,4,5 tuổi lướt web, nhận thức chưa tốt sẽ dễ có hành động sai trái. Mà thực tế có rất nhiều vụ án giết người kinh hãi bắt nguồn từ việc trẻ nghiện game.
Bạn đọc lấy tên Cha Mẹ Học Sinh mong những nhà quản lý giáo dục nên cân nhắc khi đưa đề án vào thực hiện. Bởi lẽ "công nghệ" nếu không được sử dụng đúng sẽ gây nhiều nguy hại. Máy tính bảng, hay những thiết bị tương tự không thể dành cho những lứa tuổi còn nhiều "hiếu động vô thức". Nếu áp dụng trong các trường Đại học, Cao đẳng thì không có gì để bàn, vì ở tuổi có nhận thức đó mới có thể sử dụng đúng được.
Độc giả tên Trung bày tỏ nghi ngại, đề án này mang tính khả thi là bao nhiêu? Có phải ai cũng có tiền mua máy tính bảng, rồi những hệ lụy kéo theo khi dùng máy tính bảng” “Máy đâu phải bao năm vẫn chạy tốt, khi máy có vấn đề trong thời gian sửa chữa các em phải làm sao? Khi có ipad trong tay các em làm sao không chơi game và nhiều vấn đề nữa”.
Đồng ý với ý kiến này, một bạn đọc khác cũng trăn trở, khi học sinh làm rơi ,vỡ hư hỏng, bị mất, bị trấn lột hay khi máy “đơ” thì ai chịu trách nhiệm sửa chữa? Trong thời gian sửa máy, học sinh lấy gì học? Máy bảo hành bao lâu, 1 năm hay chỉ 1 tháng?
Đừng dồn gánh nặng lên vai cha mẹ nghèo
Độc giả Nguyễn Văn Đoàn và nhiều độc giả chung câu hỏi “Dù các bác chuẩn bị đề án này chu đáo kỹ lưỡng đến đâu thì việc mua máy tính bảng cho bé là ai? Là gia đình phụ huynh chứ ai. Gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa thì việc bỏ ra vài trăm ngàn để trang bị một bộ tập, vở, một bộ quần áo mới... cho con đến trường cùng bạn bè là một điều hết sức khó khăn, nay họ phải bỏ ra vài triệu đồng để mua SGK điện tử thì thật là một điều hoang tưởng đối với họ”.
Kinh phí khi sử dụng máy tính bảng sẽ là gánh nặng đối với nhiều gia đình là lo lắng chung của nhiều độc giả. Độc giả Lê Công Lý viết: “Không nên chồng thêm gánh nặng kinh tế lên đôi vai gầy của các phụ huynh nghèo. Không khoác thêm gánh nặng cho ngân quỹ Nhà nước bằng các thử nghiệm hao tiền tốn của mà hiệu quả phiêu diêu?”.
Còn độc giả Đào Xuân Tân bày tỏ: “Dự án này có khả thi hay không, nếu có những gia đình chỉ lo cho con đủ ăn và nộp đủ các khoản cho nhà trường lấy đâu ra tiền mua máy tính bảng? Cần xem lại dự án này có ở “trên trời” không?”.
Phản hồi về bài viết, "Đề án 4.000 tỷ số hóa SGK:GS Việt ở nước ngoài "bóc tách" tính khả thi", độc giả Vũ Minh cho rằng “Những ý kiến của GS Trần Hải Linh thật sự rất cụ thể và đúng với tâm tư, lo lắng về chuyện học hành của con em của hàng triệu phụ huynh Việt Nam.Những nhà công tác giáo dục, đặc biệt lãnh đạo của bộ GD-ĐT cần phải nghiền ngẫm ý kiến đóng góp của người dân ở trong và ngoài nước. Tuổi thơ rất cần có môi trường hồn nhiên và trong sáng”.
Độc giả Nam Hưng đề nghị: “Chỉ nên xây dựng giáo án điện tử tại trường, để môn học trở nên phong phú mà thôi. SGK vẫn phải tồn tại. Còn việc mỗi em phải trang bị một thiết bị điện tử như máy tính bảng là không nên: vì chắc chắn có nhiều lỗ hổng về ngôn ngữ, viết lách, suy nghĩ logic... mà mức độ nguy hiểm của nó là khó lường trước được”.
Minh Hà/VOV.VN