Công trình Nhà Quốc hội Sẵn sàng cho những sự kiện trọng đại của đất nước
Chúng tôi được biết, theo dự kiến, kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIII khai mạc vào tháng 10 tới sẽ là kỳ họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội. Ngay từ khi còn là ý tưởng, lên thiết kế cũng như trong suốt quá trình triển khai, công trình hướng đến sẽ là biểu tượng cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân.
 |
Thi công hoàn thiện phòng họp chính của Nhà Quốc hội. |
Tiến độ đếm ngược từng ngày
Những ngày này trên công trường xây dựng Nhà Quốc hội luôn thường trực không khí lao động khẩn trương. Trên diện tích mặt bằng chỉ khoảng 1ha, 1.800 cán bộ, công nhân của các đơn vị tham gia thi công gấp rút hoàn thiện phần việc được giao. Từ cổng phía đường Bắc Sơn, bước vào bên trong tòa nhà là gian đại sảnh. Theo ông Đỗ Thiều Quang, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), đại sảnh là nơi khánh tiết, đón tiếp khách, khi cần có thể tổ chức hội thảo, vì vậy trên trần có bố trí hệ thống âm thanh, ánh sáng. Một điểm nhấn khác của đại sảnh là sàn nhà được lát đá hoa cương hình cánh sen, loài hoa được nhiều người Việt Nam coi trọng. Để tạo hình cho nền đá hoa cương, anh Đỗ Thanh Hải, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Vinastone, đơn vị cung cấp và thi công ốp lát đá cho tòa nhà, chia sẻ: Công việc chúng tôi đảm nhận đòi hỏi rất tỉ mỉ, cẩn thận, những người thợ giỏi nhất đã được điều động đến đây, họ làm với tất cả tâm huyết cho công trình mang ý nghĩa lớn lao của đất nước. “Hình ảnh toát lên của tòa nhà phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ cũng như tính biểu tượng cao”, anh Đỗ Thanh Hải bày tỏ.
ý tưởng chính trong thiết kế của Nhà Quốc hội là phần bên ngoài hình vuông, không gian bên trong mang hình tròn. Sự kết hợp vuông tròn xuất hiện khá phổ biến trong văn hóa người Việt. Điểm nhấn của công trình này là phòng họp chính, nơi sẽ diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Phòng họp nằm ở trung tâm của tòa nhà với hình dáng cơ bản là hình tròn, có cấu trúc hình trụ với các tường nghiêng ra ngoài và bao quanh là sảnh lối vào. Không gian phòng họp Quốc hội gồm 2 tầng, trong đó tầng 1 bố trí gần 600 chỗ ngồi của đại biểu Quốc hội và khách mời, tầng 2 bố trí hơn 300 chỗ ngồi của khách mời, khách dự thính. Ghế ngồi được bố trí hướng vào lễ đài, vị trí của chủ tọa. Các đơn vị thi công đều đang tập trung cao độ để hoàn thành những phần việc cuối cùng tại phòng họp này, trong đó có việc lắp đặt nhiều thiết bị tích hợp phục vụ Đại biểu Quốc hội. Trần phòng họp được vươn cao tạo không gian thoáng đãng, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, bảo đảm đủ ánh sáng trong phòng. Một điều dễ nhận thấy trong kiến trúc tòa nhà là cố gắng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hầu hết các phòng đều đón được ánh sáng.
Ngay từ khi khởi công năm 2009, tiến độ của công trình Nhà Quốc hội rất khẩn trương trong khi đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật, quy mô, chất lượng, hình thức kiến trúc. ông Đỗ Thiều Quang cho biết, đến thời điểm này, tất cả công việc đều đạt hơn 95%, phần việc còn lại là lắp đặt thiết bị, chỉnh sửa, căn chỉnh nên cần phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị để cùng hoàn thành vào cuối tháng 8-2014. “Tiến độ công việc đang được tính từng ngày, nhiều hạng mục đã bắt đầu chạy thử, sẵn sàng cho công tác nghiệm thu vào tháng 9-2014”, ông Đỗ Thiều Quang khẳng định.
 |
Công trình Nhà Quốc hội nhìn từ Quảng trường Ba Đình. |
Chú trọng công năng sử dụng
Một trong những thách thức lớn nhất suốt quá trình triển khai dự án Nhà Quốc hội là phải đáp ứng nhiều công năng sử dụng trong cùng một tòa nhà. Bên cạnh chức năng là nơi tổ chức các kỳ họp Quốc hội, họp ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia và đón tiếp các khách quốc tế cấp cao của Đảng, Nhà nước, Nhà Quốc hội còn là nơi làm việc của Chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cùng với một số bộ phận phục vụ. “Để bảo đảm chức năng tổ chức các kỳ họp, cuộc họp, quá trình triển khai công trình phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu thiết kế, hệ thống điện thanh, phân bố loa phải tạo được trường âm thanh tốt nhất, nói không bị vọng, nghe rõ ràng”, ông Đỗ Thiều Quang giới thiệu về công năng chính của tòa nhà. Thiết kế phòng họp còn rất chú ý đến khả năng tương tác, trao đổi ý kiến giữa chủ tọa với người dự họp và giữa những người dự họp với nhau.
Đặc thù của các kỳ họp Quốc hội là có sự tham gia của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước, kịp thời đưa thông tin, hình ảnh về những nội dung kỳ họp đến công chúng. Chính vì vậy, Nhà Quốc hội cũng chú trọng tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp. Tòa nhà có phòng họp báo đáp ứng cho 300 phóng viên. Xung quanh khu vực hoạt động của báo chí có bố trí điểm truy cập internet, lấy thông tin cần thiết. Ngoài ra, ngay tại phòng họp chính cũng có nơi để báo chí tác nghiệp, phỏng vấn bên lề.
Dự án triển khai trên diện tích mặt bằng chật hẹp, nằm giữa trung tâm Thủ đô nên các đơn vị thi công vừa làm vừa bảo đảm giao thông và không được để ảnh hưởng đến công trình lân cận. Theo lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), có giai đoạn như lúc thi công hai tầng hầm, cả công trường đều căng sức, giải pháp thi công phải được tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn lao động cũng như an toàn cho các công trình xung quanh. Dự án này luôn nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội do Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm trưởng ban. Vấn đề bảo đảm chất lượng được theo dõi, kiểm tra sát sao đối với từng hạng mục, công việc. Theo ông Đỗ Thiều Quang, quy trình kiểm soát chất lượng công trình được duy trì chặt chẽ, tư vấn giám sát kiểm tra nhà thầu từng bước, từng giai đoạn thi công, các loại vật liệu đưa vào công trường đều được đơn vị tư vấn giám sát xem xét, bảo đảm theo yêu cầu của dự án cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật. Công trình này sẽ được nghiệm thu từng bộ phận, hạng mục công việc, sau đó nghiệm thu giai đoạn và cuối cùng tổng hợp lại nghiệm thu toàn bộ dự án. Bên cạnh tư vấn giám sát, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng là cơ quan kiểm tra tổng thể toàn bộ tòa nhà, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có quyết định cuối cùng trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG
(Theo qdnd.vn)