Tiếp quản Thủ đô trước giờ G
Tập huấn sử dụng điện, nước
Mặc dù đã 80 tuổi, nhưng khi nói về giai đoạn hào hùng ấy, giọng đại tá Lê Duy Tư vẫn sang sảng. Tất cả kỷ niệm ùa về, rõ mồn một như mới xảy ra ngày hôm qua, vừa hồi hộp, vừa xúc động, vừa náo nức. Ông kể: Cuối tháng 9/1954, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca chọn 214 đồng chí để thành lập 35 tổ về tiếp quản Thủ đô. Trước khi đi, anh em được dặn là không được xưng là lính của Tiểu đoàn Bình Ca - cái tên gây khiếp sợ cho quân Pháp suốt từ chiến thắng sông Lô 1947 đến chiến dịch Điện Biên Phủ - mà chỉ coi như một tiểu đoàn cảnh vệ bình thường. Số cán bộ, chiến sĩ này được trang bị toàn tiểu liên "Tuyn" (chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp ở Điện Biên), nhận một nhiệm vụ quan trọng là vào Hà Nội phối hợp với binh sĩ Pháp chốt chặn, canh gác 35 vị trí quan trọng nhất trong nội thành lúc đó (theo tinh thần hội nghị Trung Giã giữa Việt Nam và Pháp tháng 7/1954), gồm các công sở, nhà máy điện, nhà máy nước, các cơ sở giao thông công chính, bưu điện, đường sắt, xe điện…
Cán bộ, chiến sĩ cùng Nhân dân Hà Nội chuẩn bị công tác đón đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô tại Bệnh viện Yersin. (ảnh tư liệu)
|
"Sở dĩ phải làm như vậy bởi quân địch và bọn phản động âm mưu sẽ phá hoại tất cả các cơ sở để khi Việt Minh về tiếp quản một TP không điện, không nước, thật tan hoang. Chúng còn định gây ra những vụ nổ lớn để người dân sợ hãi mà theo vào Nam di cư. Bộ đội ta đã được quán triệt tinh thần phải bằng mọi giá giữ được Hà Nội thật trọn vẹn, yên bình để nhanh chóng ổn định, tái thiết sau chiến tranh. Nhiệm vụ vinh quang ấy được giao cho Tiểu đoàn Bình Ca, nhưng cũng rất cam go vì phải độc lập tác chiến, trong khi quân Pháp vẫn đóng chốt tại đây" - đại tá Lê Duy Tư phân tích và kể thêm một kỷ niệm đầy thú vị. Đó là anh em trong Tiểu đoàn tuy đều dày dạn chiến trận, nhưng hầu hết xuất thân từ các vùng quê nghèo, chẳng mấy khi được nhìn thấy đèn điện, nước máy. Thế là những đồng chí vốn ở Hà Nội, từng có điều kiện tiếp xúc với những thứ "máy móc hiện đại" này phải đứng ra "tập huấn" cho mọi người cách bật, tắt công tắc điện, cách mở và khóa vòi nước máy thế nào…
Hai ngày nghẹt thở
Ngày 8/10/1954, trời Hà Nội đầy mây, thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ. Chưa đến 6 giờ, Tiểu đoàn Bình Ca đã hành quân tới cầu Đuống. Khoảng 8 giờ, từ bên kia cầu, một viên quan ba Pháp cùng với đại diện Ủy ban Liên hợp đình chiến sang làm các thủ tục đón tiếp. Sau đó, Tiểu đoàn Bình Ca xếp hàng đôi tiến qua cầu Đuống, lên 25 xe GMC và 3 xe bọc thép hộ tống đi vào nội thành, đích đến đầu tiên là nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 bây giờ). Đến nơi đã thấy bác sĩ Trần Duy Hưng, tướng Vương Thừa Vũ đón ở đó và trực tiếp giao nhiệm vụ cho 35 tổ công tác. Đội của đại tá Lê Duy Tư gồm 5 người được phân công về chốt tại Tòa Tối cao.
"Khi đến nơi, đã có một tên quan ba và 4 lính ra đón. Thấy chúng tôi anh nào cũng bé nhỏ, gầy gò, chúng ngạc nhiên lắm, nhưng cũng rất phục sau chiến thắng Điện Biên Phủ nên không dám có thái độ gì. Trong đội, chẳng ai biết tiếng Pháp, lại trực diện với quân địch ở không gian tương đối xa lạ nên lúc đầu tương đối căng thẳng. Một đồng chí được cử ra chiếm bốt gác ngay, còn anh em cắt cử đi xem xét, tuần tra xung quanh. Đêm hôm ấy, chúng tôi trải chiếu nằm ở tầng một, trời lại mưa, hàng sấu phía trước quả rụng lộp bộp khiến không ai ngủ được. Thật lạ là những ngày ở rừng, thiếu thốn đủ bề mà đặt lưng là ngáy pho pho được, vậy mà giữa ngôi nhà sang trọng lại không thể chợp mắt. Rồi chuyện ăn uống nữa chứ, mỗi ngày, anh em được 2 cái bánh mì do anh nuôi ở Đồn Thủy đem đến. Tại nơi chúng tôi canh gác, người Pháp cũng rất xởi lởi, còn mời cả ăn sáng, cà phê nữa. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, ai mà dám ăn. Thành ra ở giữa Hà Nội mà vẫn đói " - đại tá Lê Duy Tư bồi hồi nhớ lại.
Cũng may là tại chốt Tòa Tối cao, mọi việc đều yên ổn. Tuy nhiên, cũng có nơi, tình hình khá phức tạp. Như sự việc tại Nhà máy nước Yên Phụ, khi binh sĩ đối phương định đưa các bao bột đặt quanh giếng nước lọc, cơ sở cách mạng của nhà máy nghi vấn trong các bao bột này có chứa chất độc nên đã bí mật liên hệ với bộ đội đấu tranh ngăn chặn. Sau một hồi đàm phán cương quyết, địch đã phải chuyển những bao tải bột đáng nghi ngờ ấy đi. Căng thẳng nhất là ở bốt công chính Hàng Vôi. Tại đây, địch có vài chục người mà ta chỉ có 2 chiến sĩ do một tiểu đội trưởng phụ trách. Nhiều lần, có những lính lê dương Pháp vờ say rượu đòi tước súng của chiến sĩ ta với lý do súng tiểu liên "Tuyn" là súng của quân đội Pháp. Các chiến sĩ của ta luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết không cho tước súng. Có lúc căng thẳng quá, tiểu đội trưởng phụ trách đã nhanh trí ra ngoài liên hệ, mời một cán bộ trong Ủy ban Liên hợp đình chiến đến giải quyết.Trong 2 ngày "chung sống" giữa chiến sĩ ta và binh lính Pháp, cũng có không ít "kỷ niệm đẹp" giữa hai bên. Trong quá trình làm nhiệm vụ, bộ đội nghĩ ra nhiều cách khá sáng tạo như cắm hoa trên đầu súng để tỏ thiện chí hòa bình, ca hát tập thể cho lính Pháp nghe, xem ảnh vợ con của họ rồi ra hiệu khuyên họ về nước sum họp với gia đình. Có nơi, sĩ quan Pháp cấm lính không được nghe bộ đội ta hát, thậm chí có một trung úy Pháp yêu cầu chỉ huy của ta ra lệnh cho bộ đội hát ít thôi, vì hát nhiều quá sợ tinh thần lính Pháp sa sút thêm. Do có cảm tình với anh em ta, ở một số nơi, binh sĩ Pháp đã tự động mua phở mời bộ đội ăn. Ta từ chối, họ tưởng ta sợ bị đầu độc. Anh em phải giải thích mãi về kỷ luật của quân đội, họ mới hiểu và khâm phục.
Sáng 10/10, đại quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô trong tưng bừng cờ hoa và biển người đón rước bộ đội Cụ Hồ từ chiến khu Việt Bắc "đại thắng Điện Biên Phủ" trở về. Trong dòng người đứng chật hai bên đường hôm ấy, ít ai biết rằng có 214 chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca về Hà Nội trước đó mấy ngày cũng đang rưng rưng chào đón lớp lớp đoàn quân "trùng trùng say trong câu hát" tiến vào nội đô.
Quốc Toản
(Theo ktdt.vn)