“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”- Bộ tài liệu giá trị phục vụ tra cứu tư liệu văn hiến Thăng Long
Chiều ngày 19/8/2014, tại buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” Hội đồng nghiệm cho rằng đây là đề tài có mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ rõ ràng. Bộ tư liệu này có giá trị về các nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển đối với nhiều phương diện của Thủ đô hiện nay, là bộ tài liệu quý được xem như một địa chí văn hóa giản lược về một đơn vị xã, phường, thị trấn phục vụ tra cứu các tư liệu về lịch sử văn hóa của thủ đô Hà Nội, được phân theo địa danh hành chính các quận/huyện trong thời điểm hiện tại.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Đ.Tùng
Hội đồng nhận xét, phân tích kỹ từ mục đích, ý nghĩa đến kết cấu từng nội dung, dung lượng trong mỗi tập của bộ sách đưa ra những ý kiến xác đáng, thiết thực để chủ biên và nhóm tác giả định hướng khi tiến hành biên soạn bộ sách.
Về mặt ý nghĩa, đề cương đã kế thừa được các kết quả nghiên cứu và kết hợp với điều tra, khảo sát bổ sung, nội dung phong phú, đa dạng có thể coi là một tập thành về tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
Về tính khoa học, nội dung bộ sách bao hàm ý nghĩa lớn về mặt học thuật, được sắp xếp theo các hạng mục rõ ràng.
PSG.TS Vũ Văn Quân chủ biên đề tài “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”. Ảnh: Đ.Tùng.
Về mặt tiếp cận, bộ sách tiếp cận toàn diện tư liệu theo nghĩa rộng, toàn bộ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hình thành trong quá trình lịch sử còn lại đến ngày nay dưới các dạng thức khác nhau. Đề tài là một công trình khoa học mang tính hệ thống về tư liệu văn hiến thủ đô Hà Nội được trình bày dưới dạng địa chí văn hóa theo đơn vị hành chính cơ sở - một cơ sở quan trọng để tiến hành nghiên cứu, biên soạn bộ Địa chí thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Về phần Index, sách dẫn, theo Hội đồng thì mỗi tập nên có phần Index riêng cụ thể để người đọc dễ tra cứu, đây là phần không thể thiếu và quan trọng của bộ sách. Với việc giới thiệu 584 xã, phường dự kiến số trang khoảng 11.680 trang tư liệu, mỗi tập sẽ trên dưới 1000 trang tùy theo độ dày dặn về truyền thống lịch sử văn hóa của từng đơn vị hành chính được giới thiệu. Về khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong bộ sách Hội đồng cho rằng nên theo thông lệ hiện nay, theo quy định Luật Di sản và quy định thống nhất của quốc tế về di sản.
Các thành viên trong Hội đồng trao đổi và đón góp ý kiến. Ảnh: Đ.Tùng.
Mỗi đơn vị cơ sở được trình bày theo mẫu thống nhất về vị trí địa lý, diện tích tự nhiên, dân số, cơ cấu hành chính, tình hình kinh tế, văn hóa, hệ thống di sản vật chất, di sản tư liệu. Do đó cần xây dựng hệ tiêu chí trong chọn lựa rõ ràng đối với di sản được lựa chọn đưa vào trong bộ sách đảm bảo tính khoa học, khách quan.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ những nội dung trình bày trong đề cương đã phản ánh đầy đủ tính chất “địa chí” của công trình đơn lẻ và công trình tổng thể. Đây cũng là nội dung cơ bản cần thể hiện mà chủ nhiệm đề tài đã trình bày trong giới thuyết chung thể hiện tính khoa học cao.
Nhà báo Nguyễn Kim Sơn – Tổng Giám đốc – Tổng Biên tệp NXB Hà Nội – Trưởng ban Quản lý Dự án Tủ sách phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng
Đánh giá về đề tài, Nhà báo Nguyễn Kim Sơn – Tổng Giám đốc – Tổng Biên tệp NXB Hà Nội – Trưởng ban Quản lý Dự án Tủ sách giai đoạn II cho rằng, đây là một đề tài khó, cái khó ở chỗ là thời gian, kinh phí và việc nhóm biên soạn phải xử lý thông tin đưa vào. Ý kiến nhận xét, góp ý thiết thực của Hội đồng nghiệm thu là cơ sở định hướng cho nhóm biên soạn lựa chọn, xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện của đề tài. Với cương vị của chủ đầu tư, ông nhất trí với Hội đồng là tác giả cần phải xác định rõ tiêu chí lựa chọn di sản đưa vào nội dung từng địa phương để giới thiệu khái quát, rõ ràng đảm bảo tính tổng hợp, chính xác. Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội hy vọng với tình yêu Hà Nội, tâm huyết và trách nhiệm của những nhà nghiên cứu khoa học lịch sử có kinh nghiệm đã đồng hành với Tủ sách từ giai đoạn I, nhóm biên soạn sẽ hoàn thành xuất sắc đề tài. Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức có thể về kinh phí và thời gian, phối hợp thống nhất về nội dung, dung lượng của mỗi tập theo điều kiện thực tế của nguồn tư liệu và độ dày truyền thống của mỗi đơn vị hành chính.
Hội đồng đã nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Tin tưởng vào tập thể tác giả thực hiện công trình,với ý nghĩa và nội dung tư liệu cung cấp phục vụ tra cứu, bộ sách hứa hẹn là tài liệu quý, giá trị cung cấp cái nhìn tổng quan về một địa phương theo hệ thống quận huyện trên nhiều phương diện với những chỉ dẫn cơ bản và cần thiết giúp các nhà nghiên cứu trong việc tiếp cận nguồn tư liệu. Bộ sách này được biên soạn, xuất bản sẽ góp thêm một nguồn tư liệu vào kho tư liêu quý giá phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bộ sách sẽ sớm được hoàn thành vào năm 2016 và xuất bản theo đúng tiến độ đã đề ra.
Quang Trần
Nhà xuất bản Hà Nội