Thứ năm, 13/08/2009 08:51
Cúm A/H1N1 đang lan mạnh trong cộng đồng
"Giám sát cúm tại 15 điểm trên toàn quốc cho thấy: số bệnh nhân cúm A/H1N1 tăng lên, xuất hiện chùm ca bệnh tại nhiều địa phương; tỉ lệ bệnh nhân dương tính chiếm 30% mẫu xét nghiệm; nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 dù không hề tiếp xúc nguồn lây…"
Đó
là đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch
tễ TƯ tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng dịch cúm ở người diễn ra
chiều nay (12/8).
Nhiều ca cúm A/H1N1 đang điều trị tại Viện các bệnh truyên nhiễm và nhiệt đới quốc gia
không tìm được nguồn lây bệnh (Ảnh: H.Hải)
Nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây
Hiện
số bệnh nhân cúm A/H1N1 tăng lên từng ngày. Đến nay, đã có 32 tỉnh
thành có bệnh nhân cúm A/H1N1. Trong đó, 4 tỉnh có chùm ca bệnh là TP
Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa. Chỉ tính từ 4-10/8, tại 15
điểm giám sát của Chương trình giám sát cúm quốc gia tại nhiều tỉnh
thành trên toàn quốc, tỷ lệ dương tính với cúm A tăng nhanh. Có những
điểm giám sát có tới 30% mẫu xét nghiệm khẳng định cúm A/H1N1, tập
trung nhiều ở TPHCM, Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại Hà Nội,
trong mấy ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám tại Viện Các bệnh truyền
nhiễm và nhiệt đới quốc gia tăng gấp 5-7 lần so với trước kia. Trung
bình mỗi ngày phát hiện 8-10 ca dương tính.
Theo
ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Nếu
bệnh nhân tiếp tục tăng mà hệ thống điều trị không đáp ứng kịp thì
những đối tượng trong nhóm nguy cơ như bị bệnh tim mạch, bệnh mãn tính,
tiểu đường, béo phì… sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Còn
TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới
quốc gia cho rằng, dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng hơn ra cộng đồng. Biểu
hiện rõ nhất là xuất hiện một số trường hợp không có tiền sử tiếp xúc
với người bệnh, mà chỉ sinh sống tại khu vực có bệnh nhân, nhưng vẫn
cho kết quả dương tính. Như một số trường hợp nhiễm virus H1N1 ở Mỹ
Đình, Vĩnh Tuy, họ không hề tiếp xúc với đối tượng mang bệnh nào nhưng
thấy biểu hiện cúm, nghe báo chí tuyên truyền nhiều về dịch bệch này,
nên đã tới viện khám.
“Ngay
như hai ca bệnh tử vong do cúm A/H1N1 đến nay đều không thể xác định
được yếu tố dịch tễ, nguồn lây. Mới nhất là trường hợp bệnh nhân T.T.B
ở TP Hồ Chí Minh, không thể xác định được nguồn lây của người bệnh bởi
bệnh nhân hay đi lang thang ngoài đường”, TS Kính nói.
PGS.TS
Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ đưa ra minh chứng
về sự lan rộng của dịch H1N1 là chùm ca bệnh tại Lào Cai của đoàn 185
người tham gia chuyến đi xuyên Việt. Khởi hành từ TP Hồ Chí Minh hôm
27/7 và đến ngày 8/8, đoàn đã có bệnh nhân đầu tiên biểu hiện nhiễm
cúm. Điều này cho thấy khả năng rất lớn các ca bệnh này nhiễm bệnh từ
cộng đồng trên chặng đường thực hiện chuyến đi.
Hay
như các ca bệnh được phát hiện trong quân đội. 2 dương tính cúm A/H1N1
trong tổng số 55 ca nghi ngờ tại Trường Trung cấp kỹ thuật thông tin
(Sơn Tây) được phát hiện sau cuộc giao lưu chương trình Chúng tôi là chiến sĩ tổ
chức trong 3 ngày từ 26-28/7 tại sân Quần Ngựa, với rất nhiều đơn vị
đóng rải rác trên các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tham gia.
Trước
tình hình dịch lan rộng ra cộng đồng, ông Nga cho rằng cần phải điều
chỉnh hoạt động giám sát, phù hợp với diễn biến dịch ở từng địa phương;
đồng thời phải tăng cường giám sát các chùm ca bệnh tại cộng đồng.
Người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa, hạn chế tối đa tiếp xúc nơi
đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
Nên triển khai test sàng lọc
Đó
là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền
nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, trước tình trạng số mẫu bệnh phẩm ngày
càng tăng, trong khi sinh phẩm xét nghiệm PCR lại có hạn.
Về
sinh phẩm xét nghiệm, khó khăn hiện tại đã được giải tỏa khi Viện Vệ
sinh dịch tễ được bổ sung tăng cường các thiết bị đủ để thực hiện 2.000
mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên theo ông Kính, với những ca nghi ngờ, nên làm
test sàng lọc trước, nếu khẳng định dương tính cúm A/H1N1 thì mới làm
xét nghiệm PCR. Điều này vừa giảm được sự lãng phí, vừa giảm quá tải
các mẫu xét nghiệm PCR như hiện nay.
Ngoài
ra, TS Kính cũng băn khoăn về công tác điều trị cho các bệnh nhi nhiễm
cúm A/H1N1, TS Nguyễn Văn Kính phản ánh: “Việc điều trị cho trẻ nhỏ rất
khó khăn bởi thuốc Tamiflu là dạng viên, 75mg, với những trẻ thấp cân,
rất khó bẻ thành 3-4 phần. Vì thế, nên bổ sung thuốc Tamiflu dạng siro
để tiện dùng cho trẻ”.
Cần tự cách ly sau điều trị
Về
kết quả điều trị cúm A/H1N1, theo nghiên cứu của Viện sau 5 ngày dùng
Tamiflu, khoảng 49,5% bệnh nhân còn virus trong dịch hầu. Sau 10 ngày,
tỉ lệ này còn 15,6%, sau 12 ngày thì còn 1,8%, vượt quá 15 ngày thì
virus cúm không còn tồn tại.
Vì
thế, TS Kính kiến nghị, khi được xuất viện về nhà, bệnh nhân nên tự
giác cách ly trong 1 tuần tiếp theo thì mới hoàn toàn không còn virus,
nếu ko sẽ là người lành mang chủng lây bệnh ra cộng đồng.
TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng việc cách ly đối
với những người bệnh đã xuất viện là cần thiết. Thứ trưởng nhấn mạnh
rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc phát hiện, cách ly và điều trị sớm
vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả rõ rệt trong điều trị và giảm tử vong.
Do đó, Tiểu ban điều trị vẫn cần phối hợp với quân đội, tăng cường công
tác tập huấn cho các cơ sở điều trị về công tác điều trị cúm A/H1N1.
Bởi lẽ, mùa đông sắp tới, thời tiết thuận lợi cho virus phát triển,
dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ bùng phát mạnh, có thể biến thành chủng có
độc lực cao. Và khi số trường hợp mắc tăng, hệ thống điều trị không đáp
ứng kịp thì những đối tượng có nguy cơ cao sẽ dễ tử vong.
Ngày 12/8/2009, Việt
Nam đã ghi nhận thêm 64 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền
Nam: 34 ca, miền Bắc: 12 ca, miền Trung: 4 ca, Tây Nguyên: 14 ca).
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 12/8/2009, Việt
Nam đã ghi nhận 1.275 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. Số bệnh
nhân đã ra viện là 916; 359 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly,
điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong
tình trạng sức khỏe ổn định.
|
Theo Dân Trí
|