Phòng, chống biển xâm thực ở tỉnh Bình Thuận: Vừa chủ quan, vừa bị động
 |
Nhiều căn nhà ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành bị sụp đổ, cuốn trôi vì biển xâm thực.
|
Ảnh hưởng của cơn bão số 2 - Rammasun từ trung tuần tháng 7 năm nay khiến một số nhà dân, cồn cát… tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành tiếp tục bị sụt, xói lở nhiều. Bà Lê Thị Dưỡng, ngụ thôn Tiến Đức, than thở: “Sóng lớn, triều cường làm căn nhà của gia đình tôi nghiêng, lún, không biết có trụ qua được mùa mưa, bão năm nay không? Cách đây 2 năm, phía trước nhà tôi còn có 6 ngôi nhà, cách mép biển 50-60m, nhưng đến nay sóng đã đánh sát móng nhà tôi rồi”.
Vào mùa triều cường, mưa, bão là thời điểm biển xâm thực mạnh nhất. Sự cố lún sụt, sập nhà thường xảy ra vào ban đêm. Đứng trên mỏm đất chênh vênh bên căn nhà đổ nát vì biển xâm thực, ông Lê Văn Hai ở thôn Tiến Đức nhớ lại: “Tôi chuẩn bị đi ngủ thì bỗng thấy nền nhà sụt lún, chuyển động mạnh. Hoảng quá, tôi chỉ kịp kêu vợ và ôm con thoát nhanh ra khỏi nhà. Kể từ khi mất nhà, gia đình tôi phải mượn đất của người thân dựng tạm căn nhà bạt”.
Hộ ông Lê Văn Dương cũng bị biển xâm thực mất nhà vào tháng 3-2014 khiến gia đình phải ở trọ, mỗi tháng mất 700.000 đồng. Anh Nguyễn Ngọc Lâm người dân địa phương chia sẻ: “Lo nhất là những ngày chúng tôi đi biển, ở nhà chỉ còn mấy đứa trẻ, nếu bị biển xâm thực thì nguy hiểm lắm…”.
Theo thống kê của UBND xã Tiến Thành, từ năm 2011 đến nay, nước biển xâm thực tuy chưa gây thương vong về người nhưng đã cuốn trôi 190 ngôi nhà và nhiều tài sản khác. Bình Thuận có hơn 190 km bờ biển thì chỉ từ năm 2013 đến nay đã có gần 70km bờ biển, cửa sông bị xói lở, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 150m, làm mất gần 100ha đất, hơn 1.100 hộ dân mất nhà cửa, trong đó, xã Tân Phước (thị xã La Gi), xã Tiến Thành, phường Đức Long, xã Tuy Phong thuộc TP Phan Thiết… là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Hiện thôn Tiến Đức có 30 căn nhà của dân hầu hết là xây dựng không kiên cố, chỉ cách biển từ 1 đến 4m, nguy cơ bị xâm thực rất cao. Mặc dù vậy nhưng khi đi dọc bờ biển, chúng tôi nhận thấy, nhiều hộ dân vẫn không hề đóng cọc, đắp bao cát che chắn, chống đỡ; các ngôi nhà cũng không được chằng, chéo, gia cố… Công tác thông tin dự báo tình hình thời tiết và cảnh báo biển xâm thực của địa phương đến với ngư dân cũng không thường xuyên, thiếu cập nhật.
Anh Nguyễn Văn Thân ở thôn Tiến Đức bày tỏ: “Gia đình kinh tế còn khó khăn, hàng ngày tôi phải đi đánh bắt hải sản bằng thuyền thúng từ sớm đến tối mới về nên cũng chẳng có thời gian nào để theo dõi thời tiết, cập nhật dự báo biển xâm thực”. Ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, cho biết: “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền vận động nhưng người dân nhận thức còn hạn chế nên vẫn chủ quan, trong khi khả năng của địa phương cũng có hạn”.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đã làm đảo lộn cuộc sống của ngư dân ven biển. Cho đến nay, tỉnh Bình Thuận mới tổ chức kè được hơn 12.000m bờ biển kiên cố và 1.500m kè tạm. Theo dự báo của ngành chức năng, mùa mưa, bão năm nay, Bình Thuận sẽ có khoảng 400 căn nhà của dân có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội nghị đề ra các biện pháp, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng xây dựng dự án, kế hoạch phòng chống, nhưng kinh phí còn khó khăn. Để bảo đảm khu tái định cư, tỉnh cũng đã chỉ đạo di dời và cấp đất cho các hộ dân bị mất nhà tại một số xã ở TP Phan Thiết, thị xã La Gi”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người dân nơi đây đều sống bằng nghề đi biển, trong khi các khu tái định cư lại bố trí cho người dân mất nhà ở thôn Tiến Đức về ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành là địa bàn rừng núi, nên nhiều người dân không muốn di dời. Hơn nữa, tại các khu tái định cư, cơ sở vật chất về điện, nước sinh hoạt, đường giao thông cũng còn hạn chế. Chính vì vậy, nhiều người dân khi bị biển xâm thực mất nhà, họ tìm cách ở lại bằng nhà bạt, nhà tôn tạm, hoặc thuê nhà, ở chung với người thân chứ không đến nơi được bố trí tái định cư...
"Cuộc chiến" chống biển xâm thực bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân ven biển ở Bình Thuận đang thực sự cam go. Việc đầu tư kiên cố hóa các công trình bờ kè chống xâm thực đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, phải có sự hỗ trợ từ Trung ương, không thể tiến hành trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động trong dự báo tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân di dời, điều chỉnh quy hoạch các khu tái định cư, hỗ trợ người dân tái sản xuất ổn định cuộc sống. Không thể đổ lỗi vì thiếu kinh phí nên cứ để tình trạng biển xâm thực kéo dài, gây nhiều thiệt hại.
Bài và ảnh: DUY HIỂN
(Theo qdnd.vn)