60 năm trước biết bao kỷ niệm
Hai vợ chồng ông Nguyễn Bá Bảo thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1946 -1954), Bộ Ngoại giao Việt Nam hoạt động tại Chiến khu Việt Bắc, trụ sở An toàn Khu thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (A.T.K Tân Trào). Biên chế và tổ chức Bộ còn rất đơn sơ và hết sức gọn nhẹ để có thể di động nhanh chóng. Khi đó, chỉ có một Văn phòng Bộ kiêm đủ mọi việc và một số phòng thiết yếu nhất như Hành chính, Quản trị Tài vụ, Y tế, Hậu cần xây dựng và bảo vệ, Nghiên cứu chuyên môn và theo dõi thời sự, Tuyên truyền báo chí. Công đoàn Bộ cũng được thành lập vào tháng 10/1950, chuyên trách hai mặt công tác về đời sống cán bộ nhân viên: tăng gia sản xuất và chăn nuôi gà vịt để tự cải thiện đời sống; tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ ngoại giao và ngoại ngữ chuẩn bị cho việc phát triển công tác đối ngoại sau này.
Những ngày đầu khó quên
Tôi về Bộ Ngoại giao công tác từ đầu năm 1950, sau “ngày thắng lợi Ngoại giao” 18/1/1950. Đó là thời điểm sau khi Trung Quốc, Liên Xô lần lượt chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Được anh chị em cơ quan tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Bộ đầu tiên ngay từ ngày mới thành lập Công đoàn Bộ. Tôi chuyên lo vấn đề tổ chức học tập cho cán bộ nhân viên toàn cơ quan. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cơ quan và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, tôi cũng chuyên trách công tác truyên truyền báo chí. Giai đoạn này, các hoạt động gặp nhiều thuận lợi và được triển khai thường xuyên có hiệu quả, tạo nên một không khí đoàn kết, công tác vui vẻ trong toàn cơ quan.
Đến cuối năm 1953, tôi tạm nghỉ công tác chuyên môn và được cử đi tham gia công tác cải cách ruộng đất ở Hòa Bình. Đầu năm 1954 chuẩn bị tiến công Điện Biên Phủ, tôi lại được điều động chuyển lên phục vụ Chiến dịch. Di chuyển đến Suối Rút, trên đường quốc lộ số 6 từ Hòa Bình lên Sơn La, tôi là chính trị viên trong các đội dân công làm công tác hậu cần, vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế cho các lực lượng chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ cụ thể của tôi là làm thế nào cho anh chị em dân công, hầu hết là người dân tộc thiểu số yên tâm công tác, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, không ai bỏ về. Đặc biệt chúng tôi phải đảm bảo bí mật, giữ gìn nơi đóng quân và các kho tàng vũ khí, lương thực không bị quân địch phát hiện bắn phá.
Thời gian phục vụ ở đây để lại trong tôi những kỷ niệm vô cùng ấn tượng và sâu sắc. Tất cả mọi người, từ anh em cán bộ đến dân công không một ai kêu ca phàn nàn vất vả, mà rất đoàn kết gắn bó với nhau, thực hiện công việc hàng ngày một cách tích cực, hăng hái. Mọi người đều hăng say làm việc không màng tới việc đang ở giữa núi rừng âm u hẻo lánh. Hàng ngày kẻ đi xuôi, người đi ngược như trảy hội, chủ yếu là đi bộ, gánh gồng trên vai hoặc dắt xe đạp thồ hàng nặng. Thỉnh thoảng lác đác mới có xe ô tô vận tải chạy qua. Lúc này, khẩu hiệu chung cho mọi người là “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho chiến thắng”. Dù yên ổn công tác nhưng ai cũng mong chiến tranh mau kết thúc, quân ta sớm toàn thắng, giải phóng Điện Biên.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi trở lại Bộ Ngoại giao lúc đó đang tạm trú tại An toàn Khu Tân Trào, Tuyên Quang. Về đến đây cũng vừa lúc cơ quan nhận được lệnh Chính phủ chuẩn bị mọi mặt để rời Chiến khu về tiếp quản Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Tôi lại vinh dự được xung vào Đội cán bộ đi tiền trạm về tham gia công tác ở Ủy ban Quân quản Thành phố Hà Nội. Đứng đầu đội cán bộ ngoại giao đi tiền trạm này là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch mới ở Liên khu 3 lên ít lâu làm Chánh Văn phòng Bộ thay đồng chí Lê Kim Chung tạm chuyển sang Văn phòng Phủ Thủ tướng. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tham gia làm Ủy viên Ủy ban Quân quản Thủ đô Hà Nội, đại diện Bộ Ngoại giao, chuyên trách công tác ngoại vụ của Ủy ban, gồm công tác kiều dân nước ngoài và quản lý hoạt động nghiệp vụ của phóng viên quốc tế.
Công tác báo chí sơ khởi
Sau khi về tới Hà Nội, bắt đầu từ ngày 10/10/1954, đại bộ phận cán bộ nhân viên Ngoại giao về làm việc tại trụ sở chính ở số 1 Tôn Thất Đàm, thuộc quận Ba Đình. Số người từ Chiến khu về không nhiều. Sau do nhu cầu công tác đòi hỏi, biên chế cơ quan tăng dần với một số cán bộ nhân viên mới được Ban Tổ chức Trung ương Đảng chọn lựa chuyển từ các địa phương và các cơ quan khác tới.
Lúc đầu, tổ chức cơ quan Bộ cũng đơn giản, gồm một số đơn vị chủ yếu: Văn phòng Bộ, Vụ Quản trị Tài vụ, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Lễ tân và dần dần sau này, một số vụ khu vực như Vụ châu Á 1, Vụ châu Á 2, Vụ Á châu 3, Đông Nam Á, Vụ Liên Xô - Đông Âu, Vụ Tây Âu... Đặc biệt, có Vụ miền Nam chuyên lo theo dõi việc thi hành Hiệp định Geneva về Đông Dương và những vấn đề cách mạng còn tiếp tục ở miền Nam Việt Nam.
Riêng nhóm cán bộ ngoại giao làm việc với đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong Ban Quân quản Thành phố thì tập trung làm việc tại trụ sở Ủy ban Hành chính Hà Nội. Ở đây có hai tổ: Tổ Kiều dân nước ngoài do đồng chí Vũ Hoàng phụ trách, Tổ Báo chí chuyên lo việc quản lý hoạt động của phóng viên báo chí nước ngoài do tôi phụ trách.
Hàng ngày, Tổ Báo chí rất bận rộn với việc giải quyết những yêu cầu của phóng viên quốc tế đến từ nhiều nước: Anh, Pháp, Mỹ và Đông Nam Á. Họ rất quan tâm tìm hiểu quân cách mạng từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô và các vùng mới giải phóng ra sao, chế độ chính sách thế nào. Báo chí các nước thân thiết hồi đó, nhất là Liên Xô, Trung Quốc hết lòng ủng hộ ta. Báo chí phương Tây nói chung cố giữ thái độ khách quan, phản ánh những điều tai nghe mắt thấy nhưng cũng có một số ít muốn moi móc điều này điều khác hòng làm giảm uy tín của ta. Nhiều nhà báo muốn được gặp gỡ, phỏng vấn một số lãnh đạo cao cấp của cách mạng Việt Nam. Số đông đều muốn được đi các địa phương, các vùng mới được giải phóng, quan sát xem dân tình, đời sống trong nước, công việc phục hồi kinh tế sau chiến tranh.
Không thể đáp ứng giải quyết hết các mong muốn, nhưng phía ta cũng cố gắng hết sức giúp họ làm được việc, tùy đối tượng mà giải quyết từng yêu cầu cụ thể, kể cả gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp một số các nhà lãnh đạo nổi tiếng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi được tiếp xúc, trực tiếp nói chuyện với những đồng chí trên, hầu hết các phóng viên đều tỏ thái độ hài lòng, phấn khởi, cảm phục tài năng, đức độ, sự hiểu biết uyên thâm và nhất là thái độ nhiệt tình, mến khách của nhà lãnh đạo mà họ phỏng vấn. Nhiều bài báo họ viết sau đó bày tỏ quan điểm nghiêm chỉnh, đúng đắn, làm cho dư luận thế giới hiểu rõ thêm tình hình của đất nước.
Lớn mạnh và mở rộng
Bộ Ngoại giao khi còn ở Chiến khu Việt Bắc đã hoàn thành được một số việc đáng chú ý, gây ấn tượng sâu sắc trong dư luận. Đó là việc tổ chức Lễ trình Quốc thư cho vị Đại sứ đầu tiên ở nước ta - Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trong hoàn cảnh gấp gáp và ở vùng núi rừng, ta đã cố gắng xây dựng cấp tốc một phòng để tiến hành lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc lên Hồ Chủ tịch một cách đàng hoàng, trang trọng, phù hợp thông lệ quốc tế. Một ngôi nhà mới chỉ bằng gỗ, tre, nứa trên một đỉnh đồi có cây rừng tán lá phủ kín, nhưng cũng đủ cả rèm cửa bằng tơ lụa màu sắc rất đẹp. Đồng chí Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo và phụ trách xây dựng công trình này. Cùng dự lễ trình quốc thư với Bác Hồ có các đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Phan Mỹ, Vũ Đình Huỳnh (khi đó là Vụ trưởng Vụ Lễ tân) trực tiếp tổ chức mọi nghi lễ theo đúng thủ tục quốc tế.
Sau “ngày thắng lợi Ngoại giao” 18/1/1950, Bộ Ngoại giao cùng với Phủ Thủ tướng đã lần lượt thiết lập xong Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc, tại Bắc Kinh (1950) với đồng chí Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ đầu tiên của ta ở nước ngoài. Tiếp ngay sau đó là thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, ở Thủ đô Moscow (1951) với đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ.Trước khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, có thêm ba cơ quan được xây dựng là Biên sử sách Việt Nam (tương đương Tổng Lãnh sự quán ở ba thành phố của Trung Quốc gần với vùng biên giới Bắc Việt Nam: Côn Minh (tỉnh Vân Nam), Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây), và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) với ba Tổng Lãnh sự lần lượt là: Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Văn Đóa và Nguyễn Văn Lưu.
Từ giai đoạn non trẻ ấy, dần dần, những năm sau này, ngày càng có thêm nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước khác được thiết lập. Trước hết là ở các nước láng giềng, các nước Đông Nam Á rồi mở rộng dần ra các nước khác, tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Có thể nói, ngành Ngoại giao Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội đặc biệt để thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của mình. Kết quả đó thể hiện bởi những thành công ngoại giao ngày nay và sự lớn mạnh về quy mô hệ thống bộ máy đối ngoại trong và ngoài nước, đội ngũ cán bộ ngoại giao được tôi luyện về lập trường tư tưởng, về kỹ thuật chuyên môn đối ngoại. Họ vẫn từng ngày lớn lên và tiến bộ không ngừng.
Nguyễn Bá Bảo
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand
(Theo tgvn.com.vn)