“Việt Nam độc lập thổi kèn loa”
Lần đầu tiên Việt Minh công bố thành lập Lữ đoàn Tuyên truyền
Giải phóng quân, trên tờ rơi, tuyên truyền Việt Nam Độc Lập, số 126
Đó là bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng số đầu báo Việt Nam Độc Lập, gọi tắt là Việt Lập do Bác sáng lập. Bài thơ đề dưới bức họa mà Bác dùng những chữ Việt Nam Độc Lập (VNĐL) ghép thành hình một người thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng, thổi kèn. Số đầu ra ngày 1-8-1941, được Bác đánh số 101 để giữ bí mật, đồng thời có ý tiếp tục những tờ báo cách mạng trước đó. Báo được in bên bờ suối Khuổi Nậm (có tài liệu viết Khuổi Nặm) chảy vào suối Pắc Bó mà Bác đặt tên là suối Lênin, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) - nơi Bác ở và hoạt động bí mật sau 30 năm tìm đường cứu nước trở về từ 8-2-1941. Mục đích của VNĐL được nói rõ: "cốt làm cho dân ta hết nghèo, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Mục đích của tờ báo còn được nói rõ trong bài thơ "Khuyên đồng bào mua báo VNĐL”: "Đế quốc thật là ác nghiệt/Làm dân ta như điếc như mù/Làm ta dở dại dở ngu/Biết gì việc nước, biết đâu việc đời/Báo "Độc Lập” hợp thời đệ nhất/Làm cho ta mở mắt mở tai/Cho ta biết đó biết đây/Ở trong việc nước ở ngoài thế gian/Cho ta biết kết đoàn tổ chức/Cho ta hay sức lực của ta/Cho ta biết chuyện gần xa/Cho ta biết nước non ta là gì/Không ai chịu ngu si mù tối/Ắt phải xem báo ấy mới nên/Giúp cho báo ấy vững bền/Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi/Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời”.
Là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người trực tiếp duyệt bài, viết bài, trang trí và tổ chức in báo, đưa báo. Từ số đầu 1-8-1941 đến số ra ngày 21-11-1942, Bác sáng tác và đăng 17 bài văn vần giản dị kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, đoàn kết đấu tranh: Dân cày (21-8-1941), Phụ nữ (1-9-1941), Kêu gọi thiếu niên (21-9-1941), Công nhân (11-10-1941), Ca binh lính (1-11-1941). Bác dùng hình ảnh cụ thể, mộc mạc dễ hiểu để đồng bào miền núi thấy được sức mạnh của đoàn kết: Hòn đá (21-4-1942), Ca sợi chỉ (1-4-1942), dù khó khăn nhưng cách mạng sẽ thắng: Nhóm lửa (1-8-1942),… Cũng cần nói thêm về những bài báo đặc biệt. Báo VNĐL số Xuân 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in bài thơ Mừng Xuân 1942, đây là bài thơ Xuân đầu tiên trong số 24 bài thơ Xuân Bác viết từ đây đến Xuân 1969 cuối cùng của Bác. Số báo 117 thông báo sẽ xuất bản cuốn Lịch sử nước ta bằng hai câu: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Số báo 121 ra ngày 21-3-1942, thông báo thêm: "Nên đọc Sử nước ta, giá mỗi quyển một hào”. Như vậy, Lịch sử nước ta được phát hành tháng 3-1942, là một bài văn vần thể lục bát dài 210 câu, có 6 bức tranh minh họa vẽ các anh hùng dân tộc nhằm giáo dục truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác. Báo VNĐL số 135 ra ngày 21-8-1942, giới thiệu nội dung quyển Ba mươi bài ca Việt Minh , trong đó có những bài do Bác sáng tác đã in các số trước.
Theo chỉ thị của Bác, tờ báo nhỏ nhưng gồm đủ nội dung: xã luận, tin tức chính trị trong nước, quốc tế, vườn văn, đáp ứng nhu cầu hiểu biết mọi mặt cho bạn đọc, lại in chữ to nên các bài phải ngắn gọn. Báo ra mỗi tháng 3 kỳ, mỗi kỳ in 400 tờ trên giấy dó, khổ 18x30cm, bán 1xu/tờ (giá gạo 3 xu/1kg). Bác đưa ra ý kiến là nên bán và các cơ quan đều phải đặt báo để khỏi lãng phí. Bác giải thích: "Cách mạng bán báo không phải vì thiếu tiền mà để gây ý thức quý trọng tờ báo đối với người đọc”. Tòa soạn báo cũng thường xuyên phải thay đổi địa chỉ theo yêu cầu hoạt động bí mật của người phụ trách: Khuổi Nậm, Lũng Dẻ, Lũng Sa, Bò Hoài, nhưng vẫn bảo đảm ra đúng kỳ. Khi đến Lũng Dẻ, Bác xúc động viết bài thơ chữ Hán Đăng sơn, thể hiện niềm yêu đời, lạc quan. Sau này nhà thơ Tố Hữu chuyển ngữ thành bài Lên núi: Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/Ngẩng đầu mặt trời đỏ/Bên suối một nhành mai.
Tháng 8-1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Trung Quốc rồi bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9-1943, VNĐL được giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Cái khó là phương tiện in ấn rất thủ công. Trong hồi ký "Từ Pắc Bó đến Tân Trào”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: "Chuẩn bị ra tờ báo khá khó khăn. Các đồng chí ở địa phương mày mò mãi mới kiếm được cái bia đá. Bác cùng các đồng chí thay nhau mài mấy ngày liền mới hết những chữ nho khắc trên bia đá. Giấy bản do các phụ nữ mua từng ít một trong các phiên chợ đem về góp lại”. Sự thực thì một tấm bia không đủ, các đồng chí phải tìm nhiều hòn đá to, có mặt phẳng nữa mới đủ dùng. Lúc đầu chỉ có 3 người: đồng chí Vũ Anh lo bài vở, đồng chí Vân Trình lo in, đồng chí Thúy Bách phụ in và lo vật liệu, phân phát báo. Đảng bộ Cao Bằng cử đồng chí Vân Trình tên thật là Bế Nhật Huyến, một đảng viên trẻ hoạt động thời kỳ Mặt trận dân chủ, đi học nghề in li-tô cấp tốc về giúp Bác in báo VNĐL. Nhà báo Triệu Luật, dân tộc Tày kể: Báo in trên đá, gọi là in li-tô. Phải mài mặt đá nhẵn, phẳng để chữ lên đều. Người viết dùng bút sắt chấm mực đặc, viết lên mặt đá những chữ trái nét theo từng cột đúng như sự trình bày của số báo. Mỗi mặt đá là một trang báo. Viết xong để khô mực rồi xoa một lớp nước chanh lên trên. Nhờ có lớp nước chanh đó, mực in khi lăn lên mặt đá chỉ bắt vào những nét chữ viết. Dùng giấy bản phủ lên mặt đá và dùng con lăn lăn qua, chữ viết trái nét in lên giấy trở thành chữ bình thường. Việc mài đá và viết chữ trái nét tưởng đơn giản nhưng phải khéo tay, cần cù, kiên nhẫn luyện tập mới viết đẹp. In nhiều bản thì mặt chữ mòn, phải làm sạch, phải dùng bút sắt khắc lại chữ sâu hơn thì các bản in tiếp mới rõ. Giấy bản, nước chanh phải do người dân tại chỗ tích trữ, ủng hộ. Giấy bản được người Dao làm từ bột vỏ cây dó, vầu, nứa sẵn có trong rừng. Giấy vỏ dó màu xám, giấy vầu, nứa màu vàng.
Lúc đầu, VNĐL là tờ báo của Đảng bộ Cao Bằng. Từ tháng 7-1942 trở đi, phong trào Việt Minh phát triển mạnh đến Bắc Cạn, Lạng Sơn thì báo phát hành khắp 3 tỉnh và trở thành báo của liên tỉnh Cao Bắc Lạng. Tháng 9-1944, Bác Hồ về nước tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng như ngày 22-12-1944, tuyên bố thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam và các hoạt động cách mạng mạnh mẽ hơn chờ thời cơ thuận lợi khởi nghĩa giành thắng lợi.
Trong đấu tranh cách mạng, có cống hiến và có hi sinh mất mát. Báo VNĐL đều đăng lời chia buồn, văn điếu những đồng chí hy sinh vì nghĩa lớn. Đồng chí Vân Trình - người đầu tiên giúp Bác Hồ khai sinh VNĐL để góp phần phát triển tờ báo vững mạnh nên đã làm việc quá sức, bị bệnh nặng, tòa báo đã phân công người chăm sóc thuốc thang nhưng không qua khỏi. Khi về, nghe tin Vân Trình đã mất, Bác đã khóc. Đảng bộ Cao Bằng thấm thía tình cảm ấy, nên sau Cách mạng tháng Tám thành công đã đặt tên xã Vân Trình cho một xã có phong trào cách mạng sớm nhất ở huyện Thạch An cho đến nay. Số 116, ngày 21-1-1942 có bài "Điếu đồng chí Quý Quân” bị địch giết ở nhà tù Sơn La, số 154, ngày 1-3-1943 in tin buồn các đồng chí hy sinh: Tề Thiên, Ngọc Anh, Quốc Tế. Bác là người đầu tiên nói đến việc biểu dương, khen thưởng. Từ số 134, ngày 11-8-1942 trở đi, trên báo có mục thường xuyên khen ngợi những cá nhân, gia đình, tập thể, địa phương có thành tích xuất sắc: "Làm giỏi thì được mề đay/Chúng ta đều phải xắn tay mà làm”.
Là người chịu trách nhiệm cao nhất, tâm huyết nhất với tờ báo, nên trước khi từ giã cõi trần không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọc kỹ những tờ báo VNĐL mà Bảo tàng đưa đến, đánh dấu, đề nghị thưởng Huy hiệu của Bác cho một số cán bộ, nhân dân nêu gương tốt được đăng trên báo.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện đang lưu giữ 3 họa bản và 124 số báo VNĐL từ số đầu (101) đến số cuối cùng 235 ra ngày 10-12-1945, là số đặc biệt đăng danh sách các đại biểu ứng cử và đề cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6-1-1946. Như vậy, còn thiếu 15 số. Năm 2000, Bảo tàng đã kết hợp với NXB Lao Động tại Hà Nội xuất bản toàn bộ nội dung 124 số báo VNĐL và 3 họa bản để lưu giữ lâu dài cho muôn đời sau. VNĐL - một tờ báo ra đời, phát triển và tồn tại 52 tháng (8-1941-12-1945), giản dị đến mức thô sơ vì in ấn thủ công nhưng có ý nghĩa lịch sử, chính trị lớn lao.
Phan Thu Hương
(Theo daidoanket.vn)