Thứ năm, 04/09/2014 08:49
Trực tiếp: Giải pháp gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội
Sáng 4/9, Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố và Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Đan Phượng đã tổ chức Toạ đàm “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Tham dự có Phó chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán cùng lãnh đạo 18 huyện, thị xã tham gia Chương trình 02 cùng hàng trăm đại biểu đại diện cho các sở, ngành và các xã trên địa bàn thành phố.
 |
Toạ đàm khai mạc lúc 8h sáng ngày 4/8. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Nội dung của buổi toạ đàm tập trung vào hai vấn đề: Một là đánh giá lại kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) và những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí và giữ vững danh hiệu NTM ở các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Hai là đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong triển khai xây dựng nông thôn mới đối với 60 xã nằm trong kế hoạch về đích năm 2014, đặc biệt là những khó khăn về kinh phí, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, những bất cập trong các chính sách hỗ trợ trong triển khai xây dựng NTM và những tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tiễn... nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp các địa phương về đích đúng hẹn.
 |
Tổng biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán khai mạc toạ đàm. Ảnh: Triệu Hoa |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, báo cáo tại toạ đàm cho biết: Sau gần 4 năm xây dựng NTM, nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi vượt bậc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn, 60 xã phấn đấu về đích năm 2014 và 161 xã về đích năm 2015 đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn; 50 xã đã hoàn thành NTM năm 2013 cũng còn rất nhiều việc phải làm để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Mặc dù Hà Nội là địa phương có số xã hoàn thành xây dựng NTM đứng đầu cả nước nhưng các xã đã hoàn thành xây dựng NTM đang rất trăn trở trong việc giữ vững và nâng cao tiêu chí “thu nhập bình quân đầu người”. Hiện ở các xã này, nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra tại Đề án xây dựng NTM vẫn còn “giậm chân tại chỗ” khiến các địa phương lúng túng, khó duy trì, nâng cao mức sống bền vững cho nhân dân. Sản xuất nông nghiệp một số nơi nhất là vùng xa trung tâm vẫn mang tính truyền thống là chính, do đó thu nhập còn thấp, không ổn định. Một số huyện có diện tích đất nông nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu của Thành phố nên không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ có thể sản xuất độc canh cây lúa, thậm chí có địa phương còn bỏ hoang. Số lượng mô hình, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế….
 |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội |
Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập; vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Công tác dồn điền đổi thửa vẫn còn gần 3.280 ha chưa thực hiện xong nằm rải rác trên địa bàn 49 xã thuộc 11 huyện...
 |
Hơn 100 đại biểu đại diện cho các sở, ngành, huyện đã tham dự cuộc toạ đàm. |
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM của các địa phương là nguồn vốn cho xây dựng NTM rất eo hẹp bởi việc đấu giá đất khó khăn. Ngoài nguyên nhân thị trường bất động sản đóng băng, quy trình đấu giá đất vẫn còn bộc lộ nhiều phức tạp và có những bất cập. Bên cạnh đó, một số tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tế, cần phải được nghiên cứu điều chỉnh mới giúp các địa phương về đích….
Các kết quả lớn đạt được trong xây dựng NTM ở Thủ đô
Tính đến nay, (không tính huyện Từ Liêm mới lên quận), toàn Thành phố có: 38/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước; 151 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí, trong đó năm 2014, phấn đấu 60 xã hoàn thành NTM; 150 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí.
Để có được kết quả đó, bước đi đúng, trúng, là nền tảng tạo thành công lớn nhất trong công tác xây dựng NTM của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP là lựa chọn công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đột phá, mặc dù đây không phải là tiêu chí NTM.
Từ năm 2012 đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 73.570/76.365 ha, bằng 96,3% kế hoạch. Một số huyện thực hiện dồn được diện tích lớn như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thạch Thất... Tổng diện tích dôi dư sau DĐĐT là 1.404 ha tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. Nhiều vùng sản xuất hàng hoá đã hình thành với các mô hình cây, con hiệu quả cho thu nhập cao. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 đạt 24,3 triệu đồng/người/năm…
Song song với đó, cơ sở hạ tầng nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố là 17.103 tỷ đồng (không tính hai quận Từ Liêm), trong đó nguồn vốn huy động từ DN và các tổ chức 1.966,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1.691,7 tỷ đồng. Nhiều tiêu chí tuy khó nhưng Hà Nội đã đạt rất cao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hoá đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hoá đạt 95%; 98% số xã có tổ chức thu gom rác thải; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa-thể thao đạt 80,5%... Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
|
Hồng Vân - Triệu Hoa - Tuấn Kiệt Ảnh: Triệu Hoa
(Theo hanoimoi.com.vn)
|