Một ngày vĩ đại của lịch sử dân tộc
Tất nhiên phải có trải nghiệm thực tế về một sự kiện mới mong hiểu được ít nhiều tầm vóc của sự kiện ấy. Một số bạn trẻ ngày nay đọc những câu thơ của các nho sĩ yêu nước ngày nào, chẳng hạn như của cụ Phan Bội Châu từng viết về sự đối xử của thực dân Pháp với đồng bào ta:
Nó coi mình như trâu, như chó
Nói coi mình như cỏ, như rơm...
sẽ cảm nghĩ rằng đó chỉ là cách thậm xưng ở trong ngôn từ nghệ thuật, mà không sao biết được rằng những lời thơ rất trung thực ấy vẫn chưa nói lên được một phần tỷ những điều tàn khốc, nhục nhã mà đồng bào ta trải chịu gần một trăm năm dưới thời thuộc Pháp. Nếu ngày nay có ghé thăm nhà lao Côn Đảo, trại tù Phú Quốc hoặc lên Bà Rá, hoặc đến Hỏa Lò, chúng ta cũng chỉ tìm gặp quá khứ một cách nhạt mờ. Ở trên thế giới, nhiều nước có những nhà tù do bọn thực dân, đế quốc dựng lên sau ngày độc lập đều không sửa chữa, trùng tu - như chúng ta từng thực hiện nhiều nơi - và sự giữ nguyên các di tích ấy, ngoại trừ công việc quét dọn, vệ sinh, dễ khiến cho khách du lịch cảm nhận sâu hơn về những nỗi khổ đã qua của sự tù đày và thích lưu lại nhiều ngày trong các di tích như thế.
Nhưng không kể nơi giam giữ, đất nước chúng ta, dưới thời thuộc địa, thực chất cũng là một thứ ngục tù. Ngay việc đi lại trên quê hương mình cũng không phải chuyện dễ dàng. Việt Nam bị chia ra làm ba kỳ, như là ba nước khác nhau, với những thể chế khác nhau, đòi hỏi phải có thông hành qua từng kỳ một. Không chỉ ở trên đường phố, các bảng tên đường đều dành cho bọn cướp nước và lũ tay sai mà trong nhà trường, anh hùng, danh nhân của đất nước này đều bị gạt bỏ ra ngoài sách vở. Cho đến con người, muốn được tồn tại, dầu là tồn tại trong một kiếp sống đọa đày, cũng phải đóng thuế - gọi là thuế thân, đủ biết xã hội thời ấy coi những người dân như là súc vật. Và bọn cường quốc tự rêu rao mình dân chủ, tự do, thật sự đã cho người dân lệ thuộc được hưởng tự do trong mỗi sự việc: tự do uống rượu và dùng ma túy, và các loại này phải được mang cái nhãn hiệu nhà nước.
Có biết bao nhiêu con người yêu nước đã bị đọa đày, tàn sát thảm thương, biết bao người dân vô tội đã chết trong sự nghèo đói, bần cùng, biết bao bất công, ngang trái ở trong xã hội thường ngày luôn bị chìm ngập trong cái vũng bùn hỗn loạn của những mê tín, dị đoan, của những dị giáo, tà đạo, bởi sự dốt nát là một món quà được bọn cầm quyền ban thưởng rộng rãi cho khắp chúng dân, nếu chúng ta biết - theo bản tổng kết của chính quyền cách mạng sau ngày mồng hai tháng chín của năm 1945 - thì chín mươi phần trăm người dân của đất nước này đều là mù chữ.
Và ngày mười chín tháng tám đã đến với dân tộc này, đất nước đã hết chia cắt, phân ly, bè lũ ngoại bang cướp nước đã bị đuổi sạch, cánh cửa kiên cố không chỉ khép lại một thời thực dân thống trị còn khép luôn lại cả mấy ngàn năm phong kiến trị vì. Cách mạng tháng Tám mở ra một con đường mới, hướng về một chân trời mới, và lý tưởng sống cao vời cho một đất nước vinh quang đã kết tụ được toàn dân nô nức vùng lên, chung sức chung lòng. Và cái xứ sở gọi là nhỏ bé, nghèo nàn từng bị thực dân nạo vét tận cùng xương tủy với đại đa số từng sống mù lòa vì bị tước đoạt cái quyền biết đến con chữ, cái dân số ấy, cái dân tộc ấy đã biết đứng lên chiến đấu vô cùng khốc liệt, và cũng hết sức hào hùng, đánh lại những tên cường quốc sừng sỏ trên địa cầu này. Cách mạng tháng Tám khép lại những trang quá khứ đau thương nhưng đã mở ra con đường dẫn dắt chúng ta tìm về truyền thống oanh liệt của dân tộc mình.
Ngày 5-11-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc “Ngày kháng chiến của nhân dân thủ đô” tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội
Sau ngày mười chín tháng tám, chúng ta tự do đi lại trên những con đường mang tên anh hùng, danh nhân đất nước, và trên con đường dài dằng dặc, gọi là quốc lộ, dẫn dắt chúng ta từ Bắc vào Nam, nơi nào chúng ta cũng tìm gặp được di tích của một quá trình phấn đấu cùng những ngôi mộ của bao con người chấp nhận hy sinh để cho chúng ta ngày nay được ngẩng cao đầu. Cách mạng tháng Tám đã cho chúng ta một cái thực tại vinh quang, trả cho chúng ta một cái truyền thống hào hùng, bởi trong lịch sử trường kỳ dân tộc Việt Nam đã từng đánh bại tất cả những loài xâm lược, bất kể từ phương trời nào, kéo đến uy hiếp chúng ta.
Với ngày mười chín tháng tám, không chỉ chúng ta tự cứu thoát mình mà còn góp phần xứng đáng vào sự cứu thoát nhiều dân tộc khác. Cách mạng tháng Tám đưa đến chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu, góp phần quyết định xóa bỏ chế độ của thực dân cũ, và ngày ba mươi tháng tư của năm 1975 là cú đấm lớn gởi tặng bọn thực dân mới. Bởi vậy khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Nam Tư, Người được chào mừng bằng 100 phát đại bác, thay vì 21 phát theo như quy định quốc tế trong sự đón tiếp một vị nguyên thủ quốc gia. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bấy giờ là Phó thủ tướng, sang thăm Trung Phi cũng được chào đón bằng sự phá lệ như vậy, một sự phá lệ chưa từng xảy ra trên thế giới này.
Mười chín tháng tám là ngày lễ lớn vinh danh sức mạnh toàn dân, và sức mạnh ấy được hợp thức hóa bằng một ngày lễ trọng đại là hai tháng chín. Không chỉ trên đất nước ta mà trên khắp thế giới này đều hiểu công đầu của sức mạnh ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Đảng Cộng sản Việt Nam. Thấu hiểu nguyên nhân của sự thất bại đã qua của những phong trào yêu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành tạm rời quê hương bôn ba bốn bể năm châu trên đường vạn dặm - như tên một tác phẩm mà ông Mai Văn Bộ đã viết về Người - và sau 30 năm dài khổ nhục đã tìm thấy được con đường cứu nguy cho dân tộc mình.
Với những thành tựu lớn lao mà ngày mười chín tháng tám đem lại cho dân tộc mình, chúng ta luôn biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đồng thời vẫn luôn hiểu rằng từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu trải qua bao năm chiến đấu gian lao với những thế lực thù nghịch vô cùng tàn bạo, mỗi người chúng ta ngày nay luôn phải toàn tâm, toàn lực, vượt mọi thử thách, chống mọi phá hoại để vững bước trên con đường đã được lịch sử chỉ dẫn từ ngày mười chín tháng tám hào hùng.
Vũ Hạnh
(Theo congan.com.vn)