Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 19/09/2014 11:11
Những ký ức một thời của “Người con trai Hà Nội”

Ra đời năm 2008, cuốn hồi ký “Người con trai Hà Nội” của tác giả Đặng Quang Ngọc - một người lính đã may mắn trở về sau chiến tranh, với ngòi bút chân thực, sắc sảo; đã phản ánh sinh động về cuộc chiến tranh mà ông đã trải qua, về lòng yêu nước và khí thế ra trận của những chàng thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

 

Đặng Quang Ngọc sinh năm 1941, là một trong những người Hà Nội đã vinh dự được cầm cờ trên đường phố Cột Cờ, hân hoan chào đón những anh bộ đội mặc quân phục màu xanh lá cây vào tiếp quản Thủ đô năm 1954 và cũng từng được tận hưởng những năm tháng hạnh phúc sống trong chế độ mới khi Thủ đô được giải phóng.
 
Tác giả Đặng Quang Ngọc.

 
Năm 1965, 10 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, đất nước lại bước vào cuộc chiến mới với sự kiện Mỹ bắt đầu ném bom xuống Hải Phòng, Quảng Ninh. Trên các đường phố, vườn hoa của Thủ đô lúc ấy lại xuất hiện những công sự và hầm trú ẩn…Tiếng bom đạn lại rì réo đe dọa cuộc sống bình yên của người dân.

Từng được sống trong giây phút của ngày Hà Nội giải phóng, lại cũng từng được “nếm” hương vị sung sướng của tự do, với những thanh niên Hà Nội thời bấy giờ, hai từ “Tổ quốc” thiêng liêng hơn bao giờ hết. Chính bởi thế, chàng thanh niên Đặng Quang Ngọc cùng hơn 600 thanh niên trí thức Hà Nội đầu tiên, đã gác bút, tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Và 10 năm tiếp theo đó, ông đã bền bỉ cùng cuộc chiến, cho đến ngày đất nước hoàn thành giải phóng.

Ấp ủ từ lâu, nhưng mãi năm 2007, sau khi nghỉ hưu, khi có điều kiện thời gian, ông Đặng Quang Ngọc mới bắt tay vào viết cuốn hồi ký. Từng ấp ủ trong ba lô cuốn nhật ký rất dày, nhưng vì bom đạn, rồi bị thương, ông không còn giữ được cuốn nhật ký từng ngày đó. Cuốn hồi ký “Người con trai Hà Nội” vì thế viết ra hoàn toàn từ trí nhớ của ông. Mặc dù vậy, bạn bè, đồng đội của ông đều xác nhận về tính chính xác và chi tiết của nó. Nhiều nhà văn đã đánh giá cao tác phẩm này và nó đã được xuất bản lần đầu vào năm 2008 tại NXB Quân đội nhân dân và được tái bản, bổ sung vào tủ sách 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội năm 2010.

Được chia làm 4 phần: Phần 1“Chia tay Hà Nội”; phần 2 “Đường vào mặt trận”; phần 3 “Những năm tháng trên chiến trường” và phần 4 “30 năm sau”, cuốn hồi ký “Người con trai Hà Nội” của tác giả Đặng Quang Ngọc chính là cuốn tự truyện của đời ông, với những chi tiết chân thực và sống động nhất về cuộc hành quân gian khổ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu của những thanh niên trí thức Hà Nội thời bấy giờ.

Quang- nhân vật chính của cuốn hồi ký, tiêu biểu cho lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đã tình nguyện hăng hái lên đường đi cứu nước theo phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Hà Nội năm 1965. Tạm biệt Hà Nội, những chàng trai Thủ đô phải tạm biệt biết bao con người yêu thương, để lại sau lưng giọt nước mắt của người mẹ xanh xao gầy yếu, tạm quên đi những rung động của mối tình đầu…

Một chi tiết xúc động của tác phẩm là khi chuyến tàu bí mật chở các thanh niên tình nguyện rời khỏi Hà Nội để bắt đầu cuộc hành quân Nam tiến. Chuyến tàu rời đi mang theo bao nỗi nuối tiếc, nhớ nhung và chờ đợi. “Khi tàu bắt đầu qua cầu Long Biên, tiếng rung chuyển của những nhịp cầu cũ kỹ lâu ngày không được sửa đã đánh thức tất cả mọi người tỉnh dậy.
 
Không ai bảo ai, tất cả các cửa sổ đều được mở ra và Quang cũng như anh em không còn ngồi im được nữa. Tất cả đều chạy ùa đến các cửa sổ. Mọi người biết rõ đoàn tàu sắp vào ga Hà Nội... Rồi bất giác Quang thấy có những phong thư viết sẵn và cả những mảnh giấy vừa mới viết vội cũng được thả từ cửa sổ xuống hai bên đường và thật ngạc nhiên là tất cả các lá thư đều được mọi người dù không quen biết nhưng cũng đều nhặt lấy rồi cất đi...”.

Vừa rời ghế nhà trường, vốn chỉ quen với sách vở, những khốc liệt của cuộc chiến đã khiến Quang và đồng đội của mình gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc hành trình vào chiến trường Đông Nam Bộ. Từ những tháng ngày hành quân đêm đi, ngày nghỉ, được dân nuôi dưỡng, bao bọc đến những khi vượt núi, băng rừng, nhịn đói, nhịn khát, và cả mưa rừng, sốt rét… cho đến khi vào chiến trường miền Nam, bao nhiêu con người đã phải nằm lại dọc đường hành quân vì bom đạn, vì rắn và côn trùng cắn, vì sợ hãi, mất lòng tin… Cùng với các đồng đội của mình, Quang đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, có những lúc sinh- tử cận kề, có những lúc quên đi sự sống để chiến đấu, cũng có những khi mềm lòng với tình cảm riêng tư trỗi dậy... Và cả những đêm nằm rừng nghe đài, chỉ cần nhắc tới Hà Nội là hai hàng nước mắt đã chảy dài...

Tác giả Đặng Quang Ngọc chia sẻ: “Bởi vì cuốn sách của tôi không phải là cuốn sách viết về anh hùng, mà là nhật ký của chiến tranh, nên nó chân thực và hoàn toàn là sự thực. Là người trở về từ cuộc chiến, tôi muốn ghi lại tất cả những câu chuyện đã gặp, những gì đã trải qua. Tôi không né tránh những gian khổ, những phút yếu lòng, những khi lý trí không chiến thắng được bản năng, thế mới có những chuyện cả đại đội hỗn loạn vì 22 ngày ròng rã không có gì ăn, hay đồng đội trong cơn sốt rét ác tính luôn miệng hỏi đường về Hoàn Kiếm và anh đã chết trong rừng khi quay tìm đường về”.

Tạ Nguyên

(Theo baotintuc.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)