Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 23/09/2014 12:12
Đau đầu cuộc đua “lớp chọn”

Năm nay, xu hướng chọn trường “điểm” của các bậc phụ huynh có phần “hạ nhiệt”, tuy nhiên, thay vì chọn trường, cuộc đua chọn lớp, chọn cô trở nên nóng bỏng không kém.

 

Vấn đề chọn lớp - chọn cô luôn là việc khiến phụ huynh học sinh đau đầu mỗi khi năm học mới bắt đầu. Ảnh:  Thùy Linh

Chọn lớp, chọn cả cô

Với những bậc phụ huynh, có một kinh nghiệm mà hầu như ai cũng thuộc nằm lòng: “Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường”. Có thể thấy, xu hướng chung hiện nay của đông đảo các bậc phụ huynh là việc chạy trường phải đi liền với chạy lớp, bởi dù trường có tốt thì vẫn phải có cô giỏi, cô kém. Vào được trường tốt mà lớp không chọn, cô không “chuẩn” thì cũng là vô nghĩa. Hơn nữa những năm đầu cấp rất quan trọng với học sinh thế nên cần phải chọn được cô tốt.

Thực tế, nhiều phụ huynh đã lo xin lớp, chọn cô trước khi con bước vào lớp 1 trước cả năm trời. Các phụ huynh đều cho rằng, để xin được vào lớp chọn, cô chọn, phải “đặt hàng” từ sớm nếu không sẽ hết chỗ. Và qua tìm hiểu nhiều bậc phụ huynh được biết, để xin vào lớp chọn, cô chọn cũng tùy thuộc vào mối quan hệ, quen biết và không phải ai cũng làm được điều này.

Không những vậy, trước khi chính thức vào trường, nhiều bậc phụ huynh còn xin cho con mình vào lớp cô dạy thêm trước đó để làm quen với cách dạy và học. Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, nếu học thêm trước đúng cô sẽ dạy chính sau này thì con em họ sẽ không có sự hụt hẫng, cách  học đã được làm quen, được cô quan tâm chú ý khi vào lớp. Thậm chí, sau khi vào năm học mới, nhiều hội phụ huynh còn thống nhất “ngầm” với nhau sẽ yêu cầu ban giám hiệu nhà trường đổi giáo viên chủ nhiệm nếu không ưng ý.

Chị Đào Thị Ngọc Hoa (phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội) cho biết: “Ở cấp Tiểu học, chỉ cần chọn được cô giáo tốt, có tâm huyết, kinh nghiệm giảng dạy thì học sinh sẽ hứng thú học tập. Vì vậy, sau khi cho con nhận lớp được một tuần tôi vẫn xin chuyển con sang lớp khác với giáo viên chủ nhiệm nổi tiếng tâm huyết, nhẹ nhàng với học sinh”.

Có thể thấy, chọn lớp chọn cô không chỉ là nhu cầu của các bậc phụ huynh có con bước vào đầu cấp học mà nó cũng trở thành “khát vọng” của cả những bậc phụ huynh có con đang học ở nhiều lớp học khác. Cho con học trường tốt, cô giáo tốt là nguyện vọng chính đáng của mọi phụ huynh. Song thực tế nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm chọn trường tốt, lớp hay mà bỏ quên một vấn đề quan trọng đó là năng lực của con em mình.

Phù hợp là tiêu chí quan trọng nhất

Chưa biết là con có hợp với trường điểm, lớp chọn hay không nhưng từ trước đến nay tâm lý trường điểm, lớp chọn đã  ăn sâu trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, đó chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng chạy trường, đua nhau cho con luyện tập để thi bằng được vào lớp, các trường điểm ngày càng nở rộ.

Tình trạng này không chỉ bắt nguồn từ tâm lí của phụ huynh học sinh mà còn bắt nguồn từ phía nhà trường. Ngay từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) đã nêu: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Thế nhưng trên thực tế việc mở lớp chọn vẫn diễn ra âm thầm dưới tên gọi "lớp chuyên" hoặc nhiều cách gọi khác nhau (lớp chất lượng cao, lớp ngoại giao...). Chính điều này tạo tâm lí “chạy đua” cho phụ huynh học sinh bởi ai cũng muốn con em mình được học tập trong môi trường tốt nhất. Tốn kém, mệt mỏi và hơn hết chính lớp chọn đó sẽ mất đi giá trị thực về lớp dành cho những học sinh có học lực tốt mà trở thành điểm đến cho những phụ huynh học sinh có “tiềm lực” tốt.

Chọn lớp hay chọn cô thì mục đích chính của phụ huynh học sinh vẫn là hướng con đến một môi trường có chất lượng học tốt nhất, để con có thể phát huy được tối đa năng lực của mình. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, trường tốt, lớp tốt chưa chắc đã là nơi lý tưởng nhất để học sinh phát triển bởi nếu không phù hợp với lực học, với tâm lý thì dù thầy giỏi đến đâu, các bạn cùng lớp giỏi đến đâu đi chăng nữa cũng không khiến em học sinh đó tiến bộ được.

Đối với cấp tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: “Chọn trường gần nhà cho con là phương án tối ưu nhất. Không nên quá nặng nề việc chọn cô, chọn lớp vì các cô trong một khối đều phải thực hiện đầy đủ các chương trình theo quy định. Phụ huynh nên quan tâm đến con hàng ngày, hỏi xem con học gì, con thích điều gì khi cô giảng, có điều gì con chưa hiểu... như vậy học sinh sẽ mau tiến bộ”.

Còn với cấp trung học phổ thông, khi học sinh đã có suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc học, đã dần định hướng được cho mình thì việc chọn một môi trường phù hợp với lực học và nhu cầu của các em là quan trọng hơn cả. TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Nếu lực học của các em không tốt mà phụ huynh vẫn cứ muốn đua cho các con vào lớp chọn, trường điểm sẽ càng khiến cho các em thụt lùi hơn so với bạn bè. Chính việc này sẽ dẫn đến tâm lí tự ti, sợ học và càng làm cho lực học sa sút. Như vậy trường tốt cũng chẳng để làm gì”.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không tổ chức lớp chọn trong trường phổ thông ở tất cả các cấp học và vẫn đang thảo luận về vấn đề không phân biệt trường chuyên, trường thường. Xóa bỏ trường chuyên lớp chọn sẽ bảo đảm sự bình đẳng về điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện cho học sinh. Nếu ai cũng “lao” vào cuộc đua lớp chọn thì hiệu ứng mang lại trong giáo dục phải chăng sẽ là những tiêu cực cùng những lớp học luôn quá tải về sĩ số? Và khi đó, ý nghĩa của giáo dục sẽ không được như mong đợi của cả phụ huynh học sinh và nhà trường.

Thùy Linh

(Theo baohaiquan.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)