Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 01/10/2014 06:39
Toạ đàm về Bộ sách "Lịch sử Thăng Long – Hà Nội" với những tiết lộ thú vị

 

Sáng ngày 27/9/2014, mở đầu ngày đầu tiên trong chương trình toạ đàm của Hội sách Hà Nội năm 2014 là cuộc trò chuyện giữa các chuyên gia với bạn đọc về sách Hà Nội xung quanh bộ sách "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội" do Giáo sư Phan Huy Lê là chủ biên tại địa chỉ văn hóa đặc biệt - Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) với sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, các nhà văn, nhà nghiên cứu và giới làm sách, yêu sách.

 

Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” là bộ đại tập thành với 2 tập, mỗi tập hơn 1000 trang tư liệu do GS. Phan Huy Lê chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2011. Với những giá trị to lớn về nghiên cứu lịch sử, văn hóa - xã hội, bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã vinh dự được trao Giải Vàng Sách Hay và Giải Bạc Sách Đẹp tại cuộc thi “Sách Việt Nam” năm 2013.


Đây là bộ sách đạt Giải Vàng sách Hay, Giải Bạc sách đẹp năm 2013. Ảnh: V. Chiến

Trong Hội sách Hà Nội năm 2014, Nhà xuất bản Hà Nội là một trong những đơn vị tham gia với nhiều hoạt động thiết thực. Toạ đàm về Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các chương trình toạ đàm tại Hội sách lần này. Đây là cuộc trao đổi giữa các nhà sử học với độc giả, trong đó đa phần là độc giả trẻ. Có thể thấy, với hoạt động ý nghĩa này sách đã trở thành cầu nối văn hóa thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu hơn về Hà Nội nơi ẩn chứa tầng sâu văn hóa Thăng Long qua hàng nghìn năm văn hiến.

Theo nhóm biên soạn cho biết, bộ sách này được triển khai từ năm 2005, biên soạn xong năm 2010, xuất bản năm 2011, khi đó Hà Nội đã có nhiều thay đổi về mặt địa giới (năm 2008 Hà Nội đã mở rộng địa giới). Điều này đã có ảnh hưởng tới tính thời sự của bộ sách. Về việc biên soạn cuốn sách, ngay từ đầu, đội ngũ tác giả đã quyết định giới hạn nội dung bộ sách trong phạm vi không gian địa lý của Hà Nội trước ngày mở rộng. Như vậy, toàn bộ phần mở rộng căn bản chưa được tích hợp trong bộ sử. Do đó, trong lời nói đầu của bộ sách, các tác giả cũng đã coi đây là hạn chế rất lớn, là “món nợ” của tập thể tác giả đối với Hà Nội.


GS. Phan Huy Lê và nhóm biên soạn trao đổi, giao lưu với độc giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: V. Chiến

Tại buổi toạ đàm, không ít bạn đọc trẻ đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho các nhà sử học về việc biên soạn những bộ sách lịch sử về Hà Nội thế nào để vừa có tính xác thực tin cậy nhưng không quá hàn lâm, phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu cũng như điều kiện kinh tế của sinh viên? Để trả lời cho câu hỏi này, GS. Phan Huy Lê biết, đội ngũ tác giả cũng đang đề xuất để tiếp tục biên soạn một bộ sử phổ thông gọn gàng hơn, chỉ có 1 tập, dày 300 - 400 trang, viết thật cô đọng, dễ hiểu để phục vụ đông đảo người dân. Và theo Giáo sư đây được coi là “món nợ” thứ hai mà tập thể tác giả còn đang “nợ” đối với người dân Hà Nội và sẽ cố gắng khắc phục.

Bên cạnh với những băn khoăn của độc giả cũng như các nhà khoa học về những đầu sách quý của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể đến với đông đảo công chúng? Theo Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, tất cả các đầu sách thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã được gửi đến các thư viện địa phương và thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.


Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: V. Chiến

Ngoài ra, trong buổi toạ đàm, Giáo sư Phan Huy Lê đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị xung quanh các hoạt động khảo cổ tại Hà Nội cũng như quá trình ông cùng các cộng sự biên soạn bộ sách đồ sộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt những di tích cổ xưa nhất của Hà Nội đã được phát hiện, trong đó có phát hiện lớn nhất là tìm ra Hoàng thành Thăng Long, tức khu trung tâm - cấm thành Thăng Long xưa. Một thông tin khoa học lịch sử được hé mở, đặc biệt trong buổi toạ đàm, GS Phan Huy Lê đã tiết lộ: Hà Nội mới phát hiện một di tích mới vô cùng độc đáo và có giá trị khoa học, lịch sử quan trọng bậc nhất. Đó là di chỉ Đàn Tế Trời, nằm ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Theo Giáo sư, Đàn Tế Trời được xây dựng vào đời nhà Lý, có trước cả Đàn Xã Tắc (được xây dựng năm 1048), với kiến trúc vô cùng đặc biệt gồm 2 vòng tròn đồng tâm chưa từng thấy ở nước nào trên thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, Đông Á – những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam.


Sau phần giao lưu, tọa đàm, GS. Phan Huy Lê ký tặng sách và chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn độc giả, sinh viên là những người yêu sách và yêu môn lịch sử. Ảnh: V. Chiến

GS. Phan Huy Lê cho biết, với Đàn Xã Tắc (khu vực ngã năm Kim Liên – Nguyễn Lương Bằng); Đàn Nam Giao (khu vực phố Bà Triệu) thì Đàn Tế Trời được coi là phát hiện lịch sử có giá trị khoa học vô cùng quan trọng. Di tích đã bổ sung thêm những dữ liệu quan trọng về khoa học lịch sử vương triều nhà Lý – triều đại chính thức đặt đô tại Thăng Long, đồng thời bổ sung thêm vào kho di tích khảo cổ đậm đặc dưới lòng đất Hà Nội kinh kỳ đang chờ các nhà khoa học khám phá, khai quật trong thời gian tới.

 

Bảo Thy

Nhà xuất bản Hà Nội 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)