Học Bác ứng xử với thiên nhiên, môi trường
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất mở đầu Tết trồng cây trong toàn quốc, ngày 11.1.1960 - Ảnh: T.L
Khi còn ở chiến khu, dù còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ, Người vẫn tìm những nơi làm việc và sinh hoạt sao cho gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Sau này, ngôi nhà sàn nơi Người sống và làm việc cũng luôn chan hòa với tự nhiên. Bác trồng cây trong vườn, thả cá dưới hồ và không cho phép ai xua đuổi, săn bắn chim trong vườn.
Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người vẫn còn căn dặn: “... Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Người ân cần nhắn nhủ: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” (Hồ Chí Minh Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 609 - 624).
Là người quan tâm tới vấn đề môi trường trước khi có những công ước quốc tế về vấn đề này, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên, môi trường đã vượt trước thời đại khi Người còn sống. Khi thế giới còn chưa có những lời khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay, phong trào Tết trồng cây do Bác phát động đã dần trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường.
Người cũng đã sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, gây tác hại đến tài nguyên, môi trường sinh thái của con người. Người xem tệ phá rừng là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”. Rất đáng tiếc và đáng trách là lời cảnh báo của Người đã không được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Đến nay, nạn phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn. Ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông lớn đang diễn ra với một tốc độ đáng báo động. Môi trường đất tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường xảy ra với tần suất ngày càng lớn hơn: thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... Tất cả những điều đó đang là những thách thức, đang đặt ra những bài toán phải có lời giải vừa chính xác vừa kịp thời như một bảo đảm cho sự phát triển bền vững của VN trong tương lai.
Nhìn rộng hơn sẽ thấy, chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống là một mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng điều quan tâm lớn nhất trong tâm nguyện của Người vẫn là việc tạo dựng môi trường xã hội tốt đẹp hơn cho con người.
Tháng 5.1968, Hồ Chủ tịch viết riêng một đoạn Di chúc nêu lên những vấn đề về chính sách với nhiều tầng lớp xã hội sau khi đất nước ra khỏi chiến tranh. Đối với các thương binh, liệt sĩ, những gia đình chính sách... những chính sách ưu đãi người có công là nhiệm vụ thiêng liêng mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, là những việc cần bắt đầu làm ngay và duy trì thường xuyên trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân VN, mà còn mang nhiều giá trị đối với các quốc gia đang phát triển trong cuộc đấu tranh để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu ngày nay, để các thế hệ tương lai được sống trong một môi trường thiên nhiên trong lành và một môi trường xã hội tốt đẹp hơn.
TS Ngô Vương Anh
(Theo thanhnien.com.vn)