Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 02/10/2014 10:48
Hội sách Hà Nội năm 2014 Tiệm cận tính chuyên nghiệp

Từ ngày 26-9 đến 2-10, Hội sách Hà Nội năm 2014 (gọi tắt là hội sách) lần đầu tiên được tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đã thu hút số người tham dự đông đảo ngoài dự kiến. Qua đây, đặt ra vấn đề là làm thế nào để duy trì sức hút của hội sách trong tương lai, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Thủ đô ngày càng phát triển?

 

Bất ngờ… “cháy hàng”

Năm nào, tại Hà Nội cũng có một hội sách do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hoặc Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, với quy mô khác nhau. Dù đã cố gắng nhưng thành công của những hội sách mấy năm qua chưa tương xứng với kỳ vọng, đòi hỏi các đơn vị tổ chức phải có những đổi mới cả nội dung và hình thức.

Với những đổi mới tích cực, chủ động từ phía cơ quan chủ trì là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong công tác truyền thông, lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức...; thêm vào đó, đã chuẩn bị công phu để hội sách là nơi hội tụ, giới thiệu và bán sách, ấn phẩm, với 112 gian hàng của 45 nhà xuất bản (NXB), công ty sách trên cả nước, với hơn 10.000 tên sách, hàng vạn bản sách gồm nhiều thể loại phong phú, đa dạng; bên cạnh đó còn 17 chương trình hội thảo, tọa đàm, giao lưu. Tất cả những nỗ lực đổi mới trên đã lý giải nguyên nhân hội sách từ sáng đến tối đông nghịt người, nhất là vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều NXB và công ty sách hết sức bất ngờ với tình trạng… “cháy hàng”, phải liên tục bổ sung các đầu sách từ các kho. Đại diện nhiều NXB và công ty sách cho biết, doanh thu ba ngày đầu tiên của hội sách đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng-tương đương với số tiền thu về của cả một hội sách kéo dài một tuần như trước đây.

Đông đảo người đọc tham gia Hội sách Hà Nội năm 2014.

Bên cạnh những mặt tích cực, hội sách năm nay vẫn chưa khiến nhiều người hài lòng khi quy mô chưa lớn, không gian tuy đã được tổ chức ngoài trời nhưng vẫn còn hạn chế trong bố trí, gây bất tiện cho người dân đến tham gia, các hoạt động bên lề chưa có nhiều đột phá thu hút giới trẻ…

Nếu so sánh mặt được và chưa được thì hội sách lần này cơ bản thành công. Qua hội sách, những lời than phiền cho rằng văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ ở Thủ đô, ngày một giảm sút có lẽ cần phải xem lại. Vấn đề hiện nay là thị trường không thiếu sách hay, sách đẹp mà làm sao phải khơi dậy và làm lan truyền thú vui đọc sách trong cộng đồng; trong đó, việc tổ chức tốt hội sách là một giải pháp cần ưu tiên. Và để các hội sách vẫn thu hút người đọc đông đảo, yêu cầu làm mới năm này sang năm khác không được lơ là, không thể tự mãn với những thành công vừa mới có được.

Nên trở thành một hoạt động thường niên

Trước đây, khi so sánh lượng người tham gia Hội sách TP Hồ Chí Minh với các hội sách ở Hà Nội, người ta khó giải thích vì sao người dân tại TP Hồ Chí Minh đến hội sách rất đông. Có điều chắc chắn, không phải văn hóa đọc của Hà Nội kém hơn TP Hồ Chí Minh mà chẳng qua các đơn vị tổ chức Hội sách TP Hồ Chí Minh có nhiều kinh nghiệm biến hội sách trở thành một “lễ hội” hiện đại, với quá trình chuẩn bị công phu, theo chu kỳ hai năm mới diễn ra một lần.

Về mặt tổ chức, hội sách mới diễn ra tại Hà Nội đã tiệm cận tính chuyên nghiệp. Vấn đề hiện nay là nên duy trì hội sách trở thành một hoạt động thường niên, chứ không phải là một hoạt động đột xuất để kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như năm nay. Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty Sách Bách Việt, nêu ý kiến: “Chính phủ đã lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam thì chính quyền Hà Nội nên chủ động tổ chức một hội sách thật lớn đúng ngày này để biến hội sách trở thành một lễ hội tương tự như Ngày Thơ Việt Nam hằng năm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng. Có như thế, hội sách mới trở thành một không gian văn hóa đặc biệt, có sức hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được đông đảo người dân tham dự”.

Về lâu về dài, để hội sách tại Thủ đô ngày càng phát triển, ngày càng chuyên nghiệp, tạo được uy tín rộng khắp, nhất thiết cần phải có sự tham gia của các NXB, công ty sách nước ngoài nhiều hơn nữa. Không chỉ là dịp để người đọc và người làm sách hiểu thêm về hiện trạng và những “ngóc ngách” trong lĩnh vực xuất bản sách của các nước tiên tiến; mà đây là cơ hội để xúc tiến các hợp đồng mua bán bản quyền những cuốn sách có giá trị nội dung và thương mại của Việt Nam với các nước khác.

Cách mạng công nghệ thông tin phần nào khiến lượng sách in sụt giảm nhưng những hội sách truyền thống vẫn được duy trì ngay tại các quốc gia phát triển. Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, ham chuộng sách vở và có ngành xuất bản đang phát triển khá nhanh, thì việc duy trì và phát triển một hội sách lớn tại Thủ đô là việc làm cần thiết. Hội sách sẽ là ngày hội lớn kết nối của những người yêu sách, là dịp tôn vinh văn hóa đọc và cũng sẽ là môi trường để tất cả các đơn vị khẳng định, quảng bá thương hiệu, tiếp cận các nhu cầu văn hóa đọc đa dạng của đông đảo bạn đọc.


Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀN

(Theo qdnd.vn)
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)