Nhà tù Hỏa Lò - địa chỉ “đỏ” của Thủ đô
Ký ức hào hùng
Kể từ khi được thực dân Pháp xây dựng (năm 1896) đến năm 1954 đã có hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trong số đó, hiện chỉ còn hơn 100 người còn sống.
Du khách đến thăm di tích nhà tù Hỏa Lò.
|
Về thăm lại nơi từng bị giam cầm, bà Nguyễn Thị Vượng (bí danh Minh Tâm), gần 90 tuổi là một trong những cựu tù chính trị, không khỏi bồi hồi xúc động. Năm 1946, khi mới tròn 20 tuổi trong lúc làm nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, bà bị phát hiện và bị địch bắt giữ. Bà Vượng vẫn nhớ như in những gì xảy ra trong suốt hơn 2 năm bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” này. “Ở trong xà lim, bữa ăn của người tù được đựng trong gáo dừa, đến giờ cơm cai tù mở cho 1 chân và 1 tay để xúc ăn. Đến khi ăn xong, nằm xuống, cai ngục lại khóa vào 2 chân 2 tay, rồi khủng bố tinh thần. Đồ ăn thì toàn cám và cá mắm thối lẫn lộn vào. Vào tù thời gian, tay chân chúng tôi đều tê liệt. Dù vậy, tôi và đồng đội vẫn giữ vững ý chí, quyết không khai báo gì”, bà Nguyễn Thị Vượng kể lại.
Nhà tù Hỏa Lò trở thành chiếc nôi rèn luyện, trưởng thành của nhiều nhà cách mạng lớn như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hoàng Tôn, Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn… Nhiều người bị giam cầm nhưng vẫn tìm cách vượt ngục để tiếp tục sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
|
Đứng trong chính căn buồng đã từng bị giam cách đây 70 năm, bà Nguyễn Thị Vượng bồi hồi: “Phòng giam tối lắm, hôi lắm nên tôi cứ ngẩng cổ nhìn ra ô cửa nhỏ lắng nghe tiếng động bên ngoài, nhìn bầu trời xanh và mong ước tự do. Sau 2 năm giam giữ và không có bằng chứng chứng minh tôi có tội, bọn Pháp phải thả. Từ đó tôi vẫn tiếp tục hoạt động, làm công tác liên lạc trong nội thành và vùng lân cận đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Đó là ngày mà những người yêu nước như chúng tôi luôn mong chờ. Vậy mà từ đó đến nay đã 60 năm”, bà Nguyễn Thị Vượng bồi hồi chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Hữu Thụy, một cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Dù bị bắt giam nhưng chúng tôi luôn đấu tranh và biến nhà tù Hỏa Lò là một trường học lớn để rèn luyện. Trong này, chúng tôi có ban liên lạc, chi bộ nhà tù, trong các trại lại có các chi ủy, hay còn gọi là cán sự các trại; có đường dây liên lạc với nhau. Từng ban cán sự chịu trách nhiệm của một trại nắm tình hình thời sự của chi bộ nhà tù”.
Ông Tạ Quốc Bảo, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930-1954) cho biết: “Mặc dù chúng tra tấn dã man, bệnh tật ốm đau, anh em tôi vẫn có tổ chức học văn hóa, học chính trị, học ngoại ngữ và đấu tranh hằng ngày để cải thiện chế độ nhà tù và yêu cầu được gửi thư cho gia đình. Tù chính trị, tù cách mạng bị giam cầm không được gặp người nhà, ngày đi thì có ngày về thì không, nhưng chúng tôi luôn có niềm tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng.
Nơi giáo dục truyền thống cách mạng
Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò cho biết: theo thiết kế được duyệt năm 1896, tổng diện tích Nhà tù Hoả Lò và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908 m2. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, năm 1993, một phần của Nhà tù Hỏa Lò được sử dụng để xây dựng Tháp trung tâm Hà Nội (Hanoi Tower). Diện tích còn lại là 2.434 m2 được quy hoạch bảo tồn thành khu di tích.
Máy chém trưng bày trong di tích nhà tù Hỏa Lò.
|
Để giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò đã sưu tập, phục hồi nhiều hiện vật quý như: Máy chém, xà lim tử tù, cửa cống ngầm...
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 - 500 khách tới tham quan Di tích nhà tù Hỏa Lò, trong đó 70% là khách quốc tế. Vào những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô này, di tích đón hàng nghìn lượt khách là học sinh, cán bộ lão thành đến tham quan và ôn lại ký ức đấu tranh gian khổ của những lớp cha anh. “Có những em học sinh sau khi đi thăm gian tử tù, chứng kiến những hình thức tra tấn dã man, hình ảnh máy chém, đã phát biểu rằng thật xúc động khi biết để có ngày độc lập như hôm nay, sự hy sinh của lớp cha anh rất lớn. Chúng tôi luôn cố gắng truyền tải những hình ảnh, tư liệu lịch sử để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giới thiệu lịch sử truyền thống cách mạng”, bà Nguyễn Thị Hiên chia sẻ.
Tại khuôn viên Đài tưởng niệm của di tích Nhà tù Hỏa Lò, các hoạt động như dâng hương tri ân, báo công, giao lưu, thi tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hoả Lò, lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên của nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, vẫn thường xuyên diễn ra. Nhà tù đã thành "địa chỉ đỏ" trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Xuân Minh
(Theo baotintuc.vn)