 |
Cây đào Tô HIệu vẫn xanh tốt tại di tích Nhà tù Sơn La |
Sinh viên Hoàng Anh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đến đây, tự hào với truyền thống cách mạng của cha anh. “Tôi đã xem sách báo và nghe kể nhiều về di tích nhà tù Sơn La. Khi lên thăm tôi thực sự xúc động khi thấy với những gian nhà tù chật hẹp như thế này mà cha ông ta, những người chiến sỹ cộng sản cách mạng đã phải chịu giam cầm, áp bức nhưng vẫn nhiệt tình hoạt động cách mạng. Tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống cách mạng của cha ông”- Hoàng Anh Tuấn xúc động nói.
Ông Lò Văn Xôn, cán bộ lão thành cách mạng ở bản Panh Mong, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, mặc dù giờ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng những ngày tháng hoạt động cách mạng vẫn còn in đậm trong ông. Năm nào cũng vậy cứ đến những ngày này là ông cùng con cháu trong bản đến thăm di tích nhà tù Sơn La, thắp hương cho người chiến sỹ cộng sản kiên trung Tô Hiệu và đồng đội. Năm 1940, ông bị bắt làm lính cai ngục tại nhà tù này. Được cách mạng giác ngộ, ông đã cùng chi bộ nhà tù cảm hoá binh lính và tổ chức nhân dân quanh vùng tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và chuẩn bị các điều kiện để đánh đuổi thực dân Pháp giành chính quyền vào tháng 8/1945. Gần 40 năm là anh bộ đội Cụ Hồ, tham gia chiến đấu tại các chiến trường, giữ nhiều chức vụ khác nhau, ông Xôn đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Giờ đây tuổi cao, ông vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động của xã, bản và giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống cha anh tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương. Ông Lò Văn Xôn cho biết: “Bản thân tôi là người lính cụ Hồ đi trước thường xuyên giáo dục thế hệ trẻ đi sau, giáo dục truyển thống yêu nước cho thanh niên. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, thanh niên cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, phấn đấu trở thành thanh niên tiêu biểu”.
 |
Nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu và đồng đội |
Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp gấp rút xây dựng vào năm 1908, chủ yếu để giam giữ các tù nhân chính trị và người Việt Nam yêu nước. Di tích nhà tù Sơn La đã 2 lần bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ném bom tàn phá. Để bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng của di tích được Nhà nước xếp hạng quốc gia này, Bảo tàng Sơn La đã tiến hành phục chế một số hạng mục công trình, sưu tầm và lưu giữ các hồ sơ, hình ảnh và các đồ vật của các tù nhân chính trị. Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết, Bảo tàng Sơn La đã có những hoạt động gắn với việc bảo vệ, khai thác, phát huy như bảo tồn tại chỗ, giới thiệu với du khách và làm công tác giáo dục với thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ học đường. Bảo tàng đã có nhiều hình thức để tuyên truyền rộng rãi, hằng năm có chương trình phối hợp với ngành giáo dục, phòng giáo dục các huyện thị, huyện đoàn tiến hành chương trình giáo dục truyền thống tại cơ sở để giới thiệu cho du khách một cách đầy đủ nhất về khu di tích lịch sử này.
Những ngày tháng 8 lịch sử này, từng đoàn từng đoàn du khách lại đến thăm di tích lịch sử nhà tù với tình cảm và lòng tự hào sâu sắc./.