Hoài niệm Hà Nội 60 năm trước
Phố Hàng Đào trong lệnh giới nghiêm, trước khi quân giải phóng tiến vào thành phố.
|
Những biểu tượng Thủ đô
Nhờ những thước phim tư liệu màu quý giá của các nhà báo Nhật, mà tới nay chúng ta vẫn lưu giữ được hình ảnh của ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, khi những đoàn quân tiến vào giải phóng Hà Nội qua 5 cửa ô và dọc trục đường Hàng Ngang – Hàng Đào (trục chính của khu phố cổ). Trong những thước phim này, có thể thấy khu phố cổ Hà Nội còn rất nguyên vẹn với đặc trưng “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”.
Có một điểm rất đặc biệt trong năm 1954, đó là quân đội ta không trực tiếp đánh Pháp ở Hà Nội, mà vẫn giải phóng được Thủ đô. Bởi thế, Thủ đô được giải phóng mà không phải chịu sự tàn phá của chiến tranh. Những công trình kiến trúc, nhà cửa hầu như được bảo tồn nguyên vẹn. Mãi đến những năm 80 sau này, khu phố cổ Hà Nội mới bị biến dạng đi bởi sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số.
Kiến trúc Hà Nội trước năm 1954 không chỉ có khu 36 phố phường. Theo KTS Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phong cách kiến trúc của các công trình tại Hà Nội rất phong phú. Chỉ tính riêng trong thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm, kiến trúc cũng đã đa dạng về phong cách: Tiền thực dân, tân cổ điển, địa phương Pháp, Art – Décor, Trung Hoa. Đặc biệt, có một loại hình phong cách kiến trúc tiêu biểu, thích ứng khí hậu là kiến trúc Đông Dương, được kết hợp các ưu điểm của kiến trúc Đông – Tây.
Những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thời kỳ đó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đến tận ngày nay, đã trở thành niềm tự hào của Hà Nội. Nó khiến cho không ít du khách khi đến thăm Hà Nội, bỗng bắt gặp những góc phố quen của Thủ đô Paris hoa lệ nước Pháp.
Trong những công trình kiến trúc do người Pháp để lại thời kì trước năm 1954, không thể không kể đến cầu Long Biên. Cầu Long Biên, cây cầu sắt duy nhất bắc qua sông Hồng, được người Pháp xây dựng hoàn thành từ năm 1902 và nhận được sự ví von là “Tháp Eiffel nằm ngang”, lúc bấy giờ gắn với sự chiến bại của quân đội Pháp.
Nó đã chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Thời điểm ấy, đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm, thì cũng là lúc cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa sắc áo. Băng vải các màu căng ngang đường, với những khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!”…
Nếu như cầu Long Biên chứng kiến sự rút quân của Pháp, thì chỉ một ngày sau, Cột Cờ Hà Nội lại chứng kiến lễ thượng cờ của những đoàn quân Việt Minh chiến thắng. Theo lịch sử, Cột Cờ Hà Nội được xây dựng cùng thời với Thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Khi người Pháp phá Thành Hà Nội, họ định phá luôn Cột Cờ, nhưng may mắn là việc này đã không xảy ra.
Lễ chào cờ lịch sử tại Sân vận động Cột Cờ chiều ngày 10/10/1954.
|
Ngày 10/10, các đoàn quân tiến vào Thủ đô đã diễu hành qua các con phố và tập trung tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội, trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức. Giây phút ấy, khi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội, thật sự những người Hà Nội không thể nào quên.
Trải qua hơn 70 năm kể từ ngày Hà Thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết (1882), Cột Cờ do nhà Nguyễn xây dựng hết phải treo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu - Tưởng rồi lại cờ Tây; giờ đây mới được mang cờ của Tổ quốc mình.
Dòng chảy tên phố, tên đường…
“So với năm 1954, diện tích thành phố hiện nay đã tăng 22 lần, dân số toàn thành phố tăng gấp 12 lần”, ThS Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết.
|
Trên đất Hà Thành ngàn năm văn hiến, mỗi tên đường, tên phố cũng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.
Ngược dòng lịch sử, sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tháng 4/1945, chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Ngày 20/7/1945, Nhật giao lại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt quản lý về mặt hành chính. Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975) được mời làm Đốc lý Hà Nội.
Trong thời gian ngắn ngủi gần một tháng, Bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi lại các tên đường phố và công viên tại Hà Nội. Theo đó, các tên phố mang tên người Pháp được ông đổi sang tên các danh nhân Việt Nam: Các vua có công với đất nước, các tướng đã chỉ huy chống quân xâm lược, các nhà lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp, các nhà yêu nước, các nhà thơ nổi tiếng…
Có thể nhận thấy việc đặt tên cho các phố Hà Nội của bác sĩ Trần Văn Lai theo nguyên tắc sau: Các danh nhân lớn được đặt tên cho các phố lớn, các tên phố có những mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau và các vườn hoa cũng được đổi theo tên phố. Chẳng hạn, xung quanh phố lớn Trần Hưng Đạo là các phố Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, ngõ Tức Mặc, vườn hoa Bình Than…
Khi Pháp chiếm lại Hà Nội, chúng đổi lại tên đường phố như thời Pháp thuộc. Đến khi Thủ đô được giải phóng, tên gọi đường phố lại được Chính quyền ta đổi theo tên của bác sĩ Trần Văn Lai đặt. Tên một số phố cũ thời tạm chiếm bị bỏ. Các phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc trở lại với tên Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi; Đồng Khánh đổi thành Hàng Bài, Gia Long đổi thành phố Bà Triệu, Đại lộ Hàm Nghi đổi thành Trần Phú…
Và những tên phố sau năm 1954 ấy đã ổn định cho đến tận ngày nay.
(Theo baotintuc.vn)