Chuyến chuyên cơ đặc biệt chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đã 1 năm kế từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi đi xa, nhưng có lẽ ít ai biết được những câu chuyện xúc động phía sau việc chuẩn bị chu toàn cho lễ tang của Đại tướng. Trong đó, chuyện về chuyến chuyên cơ đặc biệt chở linh cữu của Người về Quảng Bình được quan tâm hơn cả.
Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, thể theo ý nguyện của Người và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng sẽ được tổ chức tại quê nhà.
Một trong những việc được bàn thảo nhiều là vận chuyển linh cữu Đại tướng về Quảng Bình bằng máy bay nào. Công việc này dự kiến được thực hiện bằng máy bay quân sự vì có cửa lớn.
Tuy nhiên, tại cuộc họp về kế hoạch đưa linh cữu Đại tướng từ Hà Nội về Quảng Bình vào sáng 8/10/2013, các bên liên quan đã thống nhất giao Vietnam Airlines (VNA) sử dụng máy bay dân dụng của hãng này đưa linh cữu Đại tướng về quê (sân bay Đồng Hới, Quảng Bình) vào ngày 13/10/2013. Vietnam Airlines đã sử dụng máy bay ATR72 để chở thi hài của Đại tướng và máy bay Airbus 321 để chở thân quyến cùng Ban tang lễ.
Từ ý nghĩa tuổi thọ của Đại tướng, chuyến bay ATR 72 mang số hiệu là VN103 còn chuyến bay A321 phục vụ tang lễ mang số hiệu là VN1911. Chiếc ATR 72 được sản xuất và đưa vào khai thác năm 2010, chiếc A321 được sản xuất và đưa vào khai thác năm 2012.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, Vietnam Airlines đã làm một việc chưa từng có, đó là thay đổi nội thất chiếc ATR 72, tháo dỡ một số hàng ghế đầu, vách ngăn giữa khoang hành khách với khoang hành lý để đảm bảo đủ khoảng trống đặt linh cữu. Trên máy bay có đặt giá đỡ linh cữu, rèm ngăn giữa khu vực linh cữu với khoang khách.
Giải thích về lý do tại sao không chọn máy bay Airbus 321 hay Boeing 777 mà lại chọn máy bay ATR71 làm chuyên cơ chở thi hài Đại tướng, đại diện Vietnam Airlines cho biết, các phương án sử dụng loại máy bay phù hợp đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định chọn ATR72.
Chuyên cơ ATR72 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình năm 2013.
“Đặc điểm của máy bay Boeing và Airbus là cửa máy bay cao nên khi đưa linh cữu của Đại tướng lên sẽ phải sử dụng đến xe nâng hoặc có giải pháp hỗ trợ khác; Airbus 321 và Boeing 777 khoang chở hàng lớn, xét về sự cần thiết trong nhiệm vụ đặc biệt này lại trở thành nhược điểm. Trong khi đó, máy bay ATR72 tuy nhỏ hơn nhưng ưu điểm là cửa máy bay rộng, chiều cao máy bay phù hợp, thuận lợi cho việc di chuyển linh cữu từ xe đại pháo vào khoang hành khách” - đại diện VNA cho biết.
Tổ bay Vietnam Airlines sẽ phục vụ theo nghi thức chuyên cơ. Trong mỗi máy bay đều được bố trí đầy đủ lực lượng phục vụ gồm phi công, tiếp viên, kỹ sư kỹ thuật và phục vụ bay.
“Phi công được giao nhiệm vụ lái chuyên cơ phải có nhiều kinh nghiệm, là tay lái tiêu biểu và đã từng phục vụ trong quân đội. Các tiếp viên phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt này cũng được lựa chọn nghiêm ngặt.
Có tổng cộng 11 tiếp viên Nam phục vụ cho 2 chuyên cơ này, trong đó 3 tiếp viên phục vụ trên chuyên cơ ATR72 và 8 tiếp viên trên chuyên cơ A321. Tất cả phi công và tiếp viên mặc đồng phục bay, đeo cà vạt và băng tang màu đen” - đại diện VNA cho hay.
Phi công chính phục vụ 2 chuyến bay trong lễ Quốc tang của Đại tướng là Vũ Tiến Thắng, Phạm Thanh Sơn, Võ Tuấn Dũng. Đây là những phi công có thâm niên, kinh nghiệm và giờ bay tích lũy lớn. Phi công Vũ Tiến Thắng lái chính của ATR72 đã từng 20 năm phục vụ trong quân đội và hiện đang là Đội trưởng đội tàu ATR72 và là thanh tra bay của Cục Hàng không.
Để đảm bảo an toàn, sự phối hợp nhịp nhàng, trước khi buổi lễ chính thức diễn ra, sáng 10/10/2013, Vietnam Airline đã phối hợp với Đội tiêu binh của Ban Tang lễ tập dượt nghi lễ đưa linh cữu lên và xuống máy bay ATR ở Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO tại sân bay Nội Bài.
Những ngày chuẩn bị cho chuyến bay cũng là lúc bão số 11 áp sát biển Đông; thông tin về thời tiết luôn được theo dõi từng giờ. Ngoài ra, từ đêm ngày 12/10/2013, khoảng 500 nhân viên an ninh sân bay Nội Bài đã được tăng cường chốt trực tại tất cả các vị trí trong khu vực phục vụ chuyên cơ nói riêng và hoạt động khai thác thường lệ của sân bay quốc tế Nội Bài nói chung.
Cùng với đó, có 2 máy bay dự bị cùng loại để sẵn sàng thay thế trong trường hợp đột xuất. Các máy bay được chọn đều đáp ứng yêu cầu có 2 động cơ trở lên, được bảo dưỡng theo chương trình được phê chuẩn, không có hỏng hóc trên cùng một thiết bị hoặc một hệ thống lặp lại trong vòng 3 ngày khai thác hoặc 7 chuyến bay liên tục...
5 phút trước khi máy bay chở linh cữu Đại tướng cất cánh, không máy bay nào được phép hoạt động trên đường lăn và đường băng. Tất cả các máy bay đi từ Nội Bài đã ra đến đường lăn cũng phải lăn vào vị trí dự phòng, còn máy bay đến Nội Bài phải bay chờ trên trời ở khoảng cách nhất định để nhường đường cho chuyên cơ.
Trong hành trình, đài chỉ huy không được yêu cầu thay đổi tốc độ của máy bay chuyên cơ, cũng không một máy bay nào được bay vượt máy bay chuyên cơ trên cùng một hành lang, vệt bay. Kiểm soát viên không lưu được bố trí làm nhiệm vụ trong ca trực phải có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 5 năm, không mắc sai phạm về nghiệp vụ trong thời gian 12 tháng, có ý thức kỷ luật tốt và lý lịch rõ ràng.
Chất lượng và quy trình nạp xăng dầu cho chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng cũng được giám sát chặt chẽ. Bản thân nhân viên nạp xăng dầu cho chuyên cơ cũng phải có tay nghề cao, đạo đức tốt...
Toàn bộ các công việc sau đó đã được tiến hành một cách chính xác, an toàn tuyệt đối với nghi thức trang trọng nhất. Trên suốt hành trình bay, các tiếp viên phục vụ đúng theo tiêu chuẩn dịch vụ chuyên cơ. Chuyến bay VN103 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài đến sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) an toàn tuyệt đối.
"Đây là một chuyến bay hết sức đặc biệt, là vinh dự rất lớn lao dành cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng và tình cảm của cán bộ công nhân viên Vietnam Airlines đối với người anh cả của lực lượng vũ trang, vị tướng huyền thoại với những chiến công lẫy lừng và là một biểu tượng của ý chí Độc lập – Tự do của dân tộc Việt Nam" - đại diện VNA khẳng định.
(Theo soha.vn)