Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 08/10/2014 10:38
Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: Khâu đột phá để phát triển bền vững

Trong 10 năm (1954-1964) sau ngày giải phóng, các lực lượng giao thông đô thị của thành phố đã tập trung thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho Hà Nội trở thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh".

Thời kỳ này, đi đôi với việc khôi phục, duy trì 296km đường và 35 cầu đã tiếp quản, Hà Nội đã xây dựng, mở rộng thêm 172km đường nội, ngoại thành, tổ chức 5 nút giao thông. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1965-1975), hệ thống giao thông Thủ đô đã phải chịu nhiều trận mưa bom bão đạn, đặc biệt là trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không". Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, các đơn vị giao thông vẫn vững vàng bám trụ, nỗ lực bảo đảm giao thông thông suốt. Thành phố làm thêm được 200km đường vòng, đường tránh và một số bến phà, cầu phao; xây dựng 7 cầu nhỏ và tham gia sửa chữa cầu Long Biên sau nhiều trận bị địch tàn phá.

Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX trên bước đường đổi mới, Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ thành phố đã đề ra 5 mục tiêu tổng quát. Một trong năm mục tiêu đó là "Tăng cường xây dựng và quản lý đô thị". Trong 5 năm (1991-1995), thành phố đã huy động được 56,47 triệu USD, trong đó phần lớn để cải tạo và mở rộng đường nội thành, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Các tuyến đường trọng yếu được xây dựng giai đoạn này như: Đại Cồ Việt - Kim Liên, Láng Hạ, Chùa Bộc, đường 32 (đoạn Mai Dịch - Cầu Giấy), Trần Khát Chân - Thanh Nhàn, đường Hoàng Quốc Việt… Công tác tổ chức giao thông được quan tâm đặc biệt với việc tổ chức nhiều cặp đường một chiều, lắp đặt thêm nhiều nút đèn điều khiển giao thông, dải phân cách… làm tăng khả năng thông hành của đường hiện có và giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.

Hệ thống cầu vượt hiện đại đã góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô. Ảnh: Viết Thành
Hệ thống cầu vượt hiện đại đã góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô. Ảnh: Viết Thành


Những năm gần đây, thành phố có hơn 16.000km đường giao thông, gần 2.200 nút giao thông… được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, dù đã tập trung đầu tư phát triển, song mạng lưới hạ tầng GTVT của thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân. Quỹ đất dành cho giao thông mới đạt khoảng 9% đất xây dựng đô thị…

Trước tình hình đó, Hà Nội đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung vẫn tiếp tục là khâu đột phá nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại. Đặc biệt, từ sau ngày điều chỉnh mở rộng địa giới Thủ đô, hàng loạt chương trình đầu tư trọng điểm với những khoản kinh phí khổng lồ từ các nguồn vốn khác nhau như vốn ngân sách, vốn trái phiếu Thủ đô, vốn ODA và nguồn vốn xã hội hóa thông qua các hình thức đổi đất lấy hạ tầng đã được thành phố quyết liệt thực hiện. Vì mục tiêu phát triển, hàng triệu người dân Thủ đô đã phải di dời giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhờ đó, Hà Nội có thêm nhiều công trình lớn, tầm cỡ. Trên sông Hồng không chỉ có các cây cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương mà đã có thêm cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy và sắp tới là cầu Nhật Tân. Trên sông Đuống, không chỉ có cầu Đuống mà đang chuẩn bị có thêm cầu Đông Trù, cây cầu được đánh giá là tinh hoa tiêu biểu của ngành cầu đường Việt Nam về công nghệ. Những cây cầu thực sự xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô - vùng đất nghìn năm văn vật, vùng địa linh nhân kiệt.

Về đường sá, Hà Nội đã có thêm nhiều đoạn tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 được hoàn thành và đưa vào khai thác… Những con đường chạy xuyên tâm, không chỉ kết nối các khu vực của thành phố gần hơn mà còn góp phần quan trọng giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Cũng nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, gần 10 cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép trong khu vực nội đô và hàng chục cây cầu vượt cho người đi bộ khác trên địa bàn thành phố đã được xây dựng. Từ thành công này, TP Hồ Chí Minh đã ra học hỏi kinh nghiệm, từ đó triển khai một số cầu vượt nhẹ trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố đã rất linh hoạt trong phân luồng, tổ chức giao thông với nhiều giải pháp sát với thực tế cuộc sống như điều chỉnh giờ làm, giờ học; hạn chế taxi, xe tải trong giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm đếm xe, từ đó chủ động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông…

Đánh giá về hiệu quả chống ùn tắc giao thông của thành phố, có những con số biết nói: Từ hơn 120 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng, sau nhiều nỗ lực, nay toàn thành phố chỉ còn 57 điểm. Quan trọng hơn là thời gian ùn tắc đã giảm nhiều, không còn những tuyến đường, nút giao thông ùn tắc hàng giờ như trước đây. Đó là thành công được mỗi người dân Thủ đô cũng như bạn bè trong nước, quốc tế ghi nhận…
 
Tuấn Lương
 
(Theo hanoimoi.com.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)