Chùm ảnh độc: Hà Nội sau 60 năm, ngày ấy - bây giờ
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom... Một thời hòa bình.
(Nhớ về Hà Nội)
Hà Nội! - Hai tiếng thiêng liêng ấy tự bao giờ đã chẳng còn là một địa danh cụ thể nữa. Trong lòng mỗi người yêu Hà Nội, đó đã trở thành một phần của cuộc đời, một mảnh của linh hồn, hòa quyện và gắn bó với nhau chẳng thể tách rời. Yêu Hà Nội, là yêu một sáng tinh khôi, thả hồn chìm trong mùi hoa sữa phảng phất đến nao lòng. Yêu những cơn gió thu vương vít vị rêu phong của phố phường, những "phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó". Yêu một món ăn, một thức quà, một nét thanh lịch Tràng An. Yêu những hoài niệm miên man khi ngồi ở góc nhỏ tĩnh lặng, nghĩ về một thời khói lửa hào hùng. Yêu cả nhịp sống sôi động của ngày hôm nay, khi dòng người hối hả hòa vào nhau trên đường phố, giữa khung cảnh tấp nập mà vẫn rất đỗi yên bình.
Hà Nội, không chỉ là trái tim hồng của cả nước, đó còn là hiện thân của quá khứ hào hùng, của hiện tại bình yên, của tương lai đầy hứa hẹn. 60 năm đã trôi qua, biết bao thăng trầm, biến đổi với thời gian, Hà Nội cũng đã vươn mình, bước trên con đường hội nhập, phát triển. 60 năm, Hà Nội khoác lên mình chiếc áo mới, nhưng thủ đô của chúng ta vẫn giữ được những nét thâm trầm, cổ kính vốn dĩ, với "phố xưa nhà cổ, mái ngói thơm nâu", với tiếng chuông nhà thờ vang lên như từng nhịp tim của những người Hà Nội, với nét duyên dáng của tà áo dài thấp thoáng bên tháp rùa cổ kính của thiếu nữ Hà Thành, và đường Cổ Ngư vẫn rất đỗi dịu dàng, lãng mạn như thế… Hà Nội, khiến người ta chẳng thôi yêu, chẳng thôi nhớ. Để rồi dù có đi đến đâu, phương trời nào, vẫn mãi nhớ về một Hà Nội, một thời hào hùng, và bình yên như thế…
"Hà Nội ơi! Nhớ về mùa thu Tháng Mười,
Hà Nội ơi! Ta nhớ không quên
Hà Nội ơi! Trong trái tim ta..."
(Hà Nội đêm trở gió)
Phố Hàng Đào 1954 vắng lặng vì lệnh giới nghiêm trước khi bộ đội Việt Minh tiếp quản Thủ đô và phố Hàng Đào của năm 2014.
Lính Pháp lên cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội. Mùa thu năm 1954, một cảnh tượng trái ngược diễn ra trên cây cầu Long Biên lịch sử: một bên cầu là lực lượng viễn chinh Pháp thất thểu rút lui, bên kia là đoàn quân Việt Minh hùng dũng tiến vào Hà Nội…
Lực lượng Việt Minh hùng dũng tiến vào Hà Nội.
Sĩ quan Pháp đứng nhìn quân lính của mình rút lui. Cây cầu Long Biên vắt qua 3 thế kỷ dù được phủ lớp bụi thời gian, nhưng vẫn mang trong mình nét uy nghiêm, cổ kính. (Ảnh được giới thiệu trên trang Delcampe.fr)
Hồ Gươm ngày ấy - bây giờ. (Ảnh chụp Hồ Gươm năm 1954 vừa được công bố tại triển lãm "Hà Nội trong tôi", diễn ra tại Quốc Tử Giám từ 27/9 đến 2/10)
Một góc phố Hàng Khay.
Phố Cầu Gỗ.
Không khó để nhận ra Tràng Tiền. Sau 60 năm, ngoại trừ đường phố tấp nập hơn, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi.
Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Hà Nội tại Nhà hát Lớn vào năm 1954. 60 năm trôi qua, Nhà Hát Lớn vẫn là một trong những biểu tượng lịch sử của Hà Nội.
Nhà Thờ Lớn Hà Nội vẫn trầm mặc và cổ kính như thế.
Nhà Hàng Thủy Tạ vẫn nằm nghiêng bóng xuống Hồ Gươm.
(Theo yeah1.com)