Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 09/10/2014 12:00
Trăm năm một cửa ô Hà Nội

Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa, không chỉ mang nét kiến trúc độc đáo của riêng Hà thành, mà còn in đậm dấu ấn một thời kỳ lịch sử.

Ngoài 70 tuổi, sức đã yếu, nhưng thi thoảng cụ Nguyễn Văn Ngôn (Tây Hồ) vẫn nhờ con cháu đưa đi dạo quanh Hà Nội. Lần nào đến Ô Quan Chưởng, cụ cũng ngắm nghía như lần đầu được đến đây. “Ngày trước, đường phố Hà Nội vắng vẻ, toàn người đi bộ, thi thoảng vài cái xe đạp leng keng, cửa ô phủ đầy rêu phong, tôi có người bạn nhà gần đây, thi thoảng vẫn chơi đùa dưới cửa ô này. Ngày nay, đường phố đông đúc, chật chội, Hà Nội đã khác xưa, nhưng Ô Quan Chưởng vẫn vậy”, cụ Ngôn kể.

Ô Quan Chưởng xưa.Ảnh tư liệu

Ca dao xưa đã có câu: “Ở đâu năm cửa chàng ơi/ Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng”. Nói về thành lũy thì nhiều nơi có, nhưng cửa ô thì chỉ có ở Hà Nội. Ô Quan Chưởng là một trong 5 cửa ô danh tiếng của đất Hà Thành xưa: Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng. Các cửa ô này có tác dụng như các cổng thành của thành lũy bao quanh, bảo vệ khu dân cư của kinh thành Thăng Long.

Qua thời gian, đến giờ chỉ còn lại Ô Quan Chưởng. Trong trí nhớ của cụ Ngôn, từ khi lớn lên, cụ chỉ còn thấy Ô Quan Chưởng, các cửa ô còn lại chỉ còn tồn tại trong các câu ca. Cụ được những người lớn tuổi kể rằng, Ô Quan Chưởng là một trong những cổng trấn bảo vệ Hà Nội, được xây theo lối tam quan như cổng thành, tường được xây khá dày, cửa chính và hai cửa phụ hai bên, có cửa khép mở ở ba ô, trên ô chính giữa có vọng lâu có thể nhìn xa. Xưa kia, các cửa ô đều có lính gác, nên trên tường cửa chính hiện vẫn còn tấm bia đá khắc năm 1882, ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu, cấm lính canh gác sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô. Trên cửa lớn có ba chữ Hán có nghĩa là “Đông Hà môn”.

Ô Quan Chưởng ngày nay. Ảnh: Thu Trang

Về gốc gác ra đời Ô Quan Chưởng, quyển “Hà Nội cõi đất, cõi người” của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dẫn, tấm bia ở đình Thanh Hà dựng năm 1855 do Bùi Tú Lĩnh soạn, có cho biết: “Nguyên xưa đình thờ thần xây ở đầu thôn, đến năm Gia Long Đinh Sửu (1817) mở làm cửa ô, ngôi đình thượng bị dỡ để mở đường nên hương lão mới mời thày xem đất dời đến phía tả La Thành”. Như vậy, cửa ô Quan Chưởng được xây năm 1817, ở chỗ đình làng Thanh Hà xưa.

Còn về tên gọi Ô Quan Chưởng, tương truyền Ô Quan Chưởng có tên gốc là “Đông Hà môn” nhưng vào năm 1873, thực dân Pháp đánh Hà Nội, có một viên quan chưởng vệ cùng nghĩa quân đã chống trả quyết liệt và hy sinh tại cửa ô trong lúc chiến đấu. Để tưởng nhớ người anh hùng, nhân dân quanh vùng gọi là Ô Quan Chưởng, dần dà, tên Ô Đông Hà bị quên lãng. Cũng còn có nhiều thuyết về tên dân gian gọi cửa ô này: Đời Nguyễn đặt chức quan Chưởng cơ để coi giữ cửa ô; Đời Lê có quan Chưởng ấn về hưu dựng nhà ở đây.

Cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành xưa ấy đã trải qua bao biến cố của lịch sử. Theo sử ghi, sau khi chiếm đóng Hà Nội, người Pháp phá bỏ các công trình cũ quanh thành thị để mở rộng khu phố mới. Nhưng tới Ô Quan Chưởng, thì bị nhân dân ở đây phản đối, đấu tranh dữ dội, nên được giữ lại, nhờ vậy mà lưu giữ được một nét kiến trúc độc đáo mà chỉ riêng Hà Nội mới có.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng là một trong những cửa ô của Hà Nội, nối đường Trần Nhật Duật (xưa là bờ đê sông Hồng) với các phố cổ của quận Hoàn Kiếm. Nơi đây cũng là một trong những nơi “lãng mạn” nhất tại Thủ đô. Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những vị khách nước ngoài trầm trồ đứng chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của cửa ô Hà thành, những cô gái e ấp trong bộ áo dài trắng chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm với chứng tích Hà Nội xưa, hay đơn giản, đây là chốn dừng chân của những gánh hàng rong, sau những giờ phút mệt nhọc qua bao phố phường... Giản dị là thế, Ô Quan Chưởng đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây.

Khe khẽ ngâm câu ca dao của người Hà Nội đầy tự hào: “Long Thành bao quản nắng mưa/Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”, cụ Ngôn nói: “Cứ mỗi lần đến đây, dường như tôi được nghe từng viên gạch, mái ngói đang kể chuyện, về một thời kinh thành xa vắng và cả tuổi thơ đã đi qua của tôi. Nơi đây không những là vết tích của Thăng Long - Hà Nội xưa, mà còn là bằng chứng tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta”.

Thu Trang

(Theo baotintuc.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)