Văn Miếu - Quốc Tử Giám được khởi dựng từ đời Lý, nhưng đến năm 1442, tấm bia đá đầu tiên mới được Vua Lê Thánh Tông cho dựng. Ngay từ những tấm bia đầu tiên, quan điểm giáo dục của nhà nước Ðại Việt thời Lê đã được chỉ rõ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". Kể từ đó, sau mỗi khoa thi, triều đình đều dựng bia đá để vinh danh những tiến sĩ đỗ đạt, rộng hơn, là để thể hiện sự quan tâm đến "nguyên khí quốc gia", đến "thế nước". Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu lại 82 tấm bia, tấm cuối cùng được dựng năm 1779.
Việc dựng bia đá gắn với chế độ thi cử của các triều đại phong kiến Việt Nam, nhưng giá trị của những tấm bia đá này còn vượt xa hơn thế. Trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học nhằm hoàn thiện "Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" được tổ chức mới đây, các nhà khoa học đều khẳng định, 82 tấm bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là một pho sử đá về giáo dục, mà còn là pho sử sống động về mỹ thuật, về văn học, về địa lý... Về sự độc đáo, các nhà khoa học thống nhất rằng, một số quốc gia cùng sử dụng chữ Hán như Việt Nam cũng dựng bia tiến sĩ, nhưng không nơi nào có tính tập trung và việc dựng bia được đề cao như Việt Nam. Ðây là cách thức đặc biệt để biểu dương người hiền tài, khuyến khích nhân dân học tập, khuyên răn những người đã thành đạt giữ mình trong sạch, tránh làm điều xấu, có hại cho dân, cho nước.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khẳng định, điều đặc biệt ở bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám là các bài ký trên bia (Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Huế chỉ khắc danh tính của các vị đại khoa) đều do những vị đại thần văn hay, chữ tốt phụng mệnh vua viết, đó là những áng văn mẫu mực tiêu biểu cho mỗi thời kỳ mà các tấm bia được dựng lên. Qua các bài ký, chúng ta có thể hiểu thêm về thời đại lịch sử, về bối cảnh lịch sử từng khoa thi... Ðó đều là những tư liệu nguyên gốc, độc bản. Ở những tấm bia này, nhà sử học, địa lý có thể tra cứu những địa danh cũ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan thời hiện tại; giới triết học có thể khảo sát vai trò cũng như diễn tiến của nền Nho học Việt Nam; về mỹ thuật, hoa văn trên bia đá không những hữu ích cho nghiên cứu mà còn khơi nguồn cho những sáng tác, phóng tác của những nghệ sĩ đương đại.
Liên quan giá trị mỹ thuật, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài cho rằng: Trên mỗi tấm bia, người xưa cho khắc rồng và nhiều họa tiết khác nhau. Mỗi tấm bia này đều ghi rõ năm dựng, nhờ thế, chúng ta có thể xác định được phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ hết sức rõ ràng. Ðây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, chúng ta có thể đối chiếu những họa tiết này đối với những hoa văn trang trí trên các hiện vật lịch sử khác để làm rõ niên đại.
Chứng minh tầm thế giới của bia đá Văn Miếu
Dự thảo Hồ sơ "Bia đá các khoa thi Tiến sĩ (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chuẩn bị và đang dần hoàn thiện. Trong quá trình soạn thảo, các chuyên gia đã căn cứ vào các tiêu chí để công nhận Di sản Tư liệu thế giới do Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đề ra như: Tiêu chí về tính xác thực, tính độc đáo, tính duy nhất, tính quốc tế và tính con người để đưa vào nội dung của hồ sơ.
Góp ý cho hồ sơ, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng, mặc dù bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO để có thể trở thành Di sản Tư liệu thế giới, tuy nhiên, hồ sơ cần làm nổi bật hơn một số vấn đề. Ðể khẳng định ý nghĩa của bia đá, cần khẳng định vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà ở đó, bia đá là một yếu tố cấu thành. Trong các tiêu chí đặt ra, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài nhấn mạnh hồ sơ phải làm rõ hơn tính chất giao lưu quốc tế của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà bia đá là một bộ phận. Theo ông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có ý nghĩa quốc tế bởi nó là nơi giao lưu và tiếp biến Nho học của Trung Hoa. Sau khi tiếp nhận Nho học, cha ông ta đã "Việt Nam hóa" cho phù hợp dân tộc Việt. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh, người có nhiều đóng góp trong xây dựng hồ sơ để công nhận Di sản Tư liệu thế giới của Di sản Mộc bản triều Nguyễn cũng đưa ý kiến nên bổ sung tính chất quốc tế của những bia đá. Hồ sơ cần nói đến những vị đại khoa được khắc tên trên bia đá mà sau này đã trở thành những nhà ngoại giao xuất sắc, những chuyến đi sứ của họ đem lại nhiều vinh quang cho Tổ quốc. Một khía cạnh khác cần khai thác để làm nổi bật tính độc đáo là bia đá cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là một bảo tàng về lịch sử khoa cử của Việt Nam.
Tính độc đáo của bia đá được quan tâm ở nhiều khía cạnh khác nhau, bà Ðỗ Thị Minh Hương, Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước cùng một số chuyên gia khác cho rằng, hồ sơ cần có thêm sự đối chiếu so sánh đối chiếu giữa bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những loại hình tương tự ở trong nước và ở những nước khác trên thế giới.
Giá trị của bia đá nói riêng đặt trong tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung đã được khẳng định từ lâu đối với người Việt. Quá trình hoàn thiện hồ sơ chính là quá trình chúng ta chứng minh với thế giới giá trị của những tấm bia này. Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được các chuyên gia tiếp thu để hoàn chỉnh hồ sơ. Dự kiến Hồ sơ về bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ được gửi đến UNESCO trước tháng 9 năm nay. Tháng 3-2010, UNESCO sẽ tuyên bố kết quả.
Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Ký ức thế giới là ký ức của tập thể về những di sản tư liệu của toàn nhân loại. Những di sản tư liệu này thuộc tất cả các lĩnh vực: chính trị, lịch sử, văn hóa, chúc thư..., biểu thị sự phát triển của tư tưởng, sự phát triển cũng như những thành tựu của xã hội loài người. Chương trình Ký ức thế giới là một chiến lược hợp tác quốc tế nhằm mục đích giữ gìn, bảo vệ và tạo điều kiện để dễ dàng truy cập sử dụng di sản tư liệu, đặc biệt là di sản quý hiếm. Ðồng thời chương trình cũng làm nhiệm vụ tổ chức lại các bộ sưu tập đang bị phân tán và tổ chức cho mọi người truy cập vào các tư liệu này.
Ðến nay, đã có khoảng 200 di sản được Chương trình Ký ức thế giới công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Mộc bản triều Nguyễn là di sản đầu tiên của Việt Nam trở thành Di sản Tư liệu thế giới vào đầu tháng 8-2009.
|