Nhiều sản phẩm Việt Nam đang lấn át hàng ngoại
92% người tiêu dùng hưởng ứng dùng hàng Việt
Ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho biết, sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã nhận được sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền và địa phương trên cả nước. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến về cuộc vận động đến đông đảo bà con Việt kiều ở 109 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, đưa doanh nghiệp tham gia các triển lãm hàng Việt ở nước ngoài. Hiện nay, đã có nhiều hàng hóa thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người dân tại sở tại.
Cũng theo ông Trình, sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Với những nỗ lực cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa cùng với phát triển hệ thống phân phối, thị phần nội địa của các doanh nghiệp đã đạt mức cao.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang có sức lan tỏa mạnh. Ảnh minh họa
|
Trong đó, năm 2012, thị phần của Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam đối với dầu tinh luyện là 87%; thị phần của Tổng công ty Sữa Việt Nam đối với sản phẩm sữa đặc có đường là 75%, sữa chua là 90%, sữa tươi gần 50%; thị phần của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với sản phẩm săm lốp xe đạp là 58%; thị phần sản phẩm nhựa gia dụng sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 90%...
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “Rất quan tâm” và “Quan tâm” đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng "Tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (tăng 4% so với năm 2010 ); 54% người tiêu dùng "Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam" (tăng 16% so cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11/2010).
Chia sẻ với báo chí về con số này, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, đây là con số chính xác, thể hiện sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp thông qua hàng loạt những hoạt động tích cực trong 5 năm qua. Điều này cũng thể hiện hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Việt Nam.
Sẽ tiếp tục đẩy mạnh để người Việt tự hào dùng hàng Việt
Chia sẻ về những kế hoạch mà ban chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, ông Lê Bá Trình cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ biết đến Cuộc vận động. Cùng với đó, phấn đấu hàng Việt có thế mạnh sẽ chiếm khoảng 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững.
Để đạt được những mục tiêu này, theo Trình cho biết, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức. Đặc biệt, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được thực hiện mạnh mẽ với những hoạt động chính như truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; phát triển hệ thống phân phối; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Riêng về phía doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam cũng cho hay, cần nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ, vừa về vốn, công nghệ và cơ chế hoạt động vì đây là lực lượng doanh nghiệp chính, chiếm đến hơn 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước. “Nếu như có những giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, lực lượng này sẽ là động lực chính giúp hàng Việt ngày càng chiếm được chỗ đứng cao hơn tại thị trường trong nước” – ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong 5 năm qua của Cuộc vận động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động phát triển hệ thống kênh phân phối bán hàng, giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. “Làm được điều này các doanh nghiệp trong nước mới có khả năng cạnh tranh về giá cả, cũng như chất lượng hàng hóa so với hàng ngoại nhập và kéo người tiêu dùng đến với hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng cho rằng, Cuộc vận động đã làm thay đổi được nhận thức của người dân thường cho rằng, hàng ngoại bao giờ cũng tốt, hàng nội không tốt. Ngay cả các đô thị, nơi có nhiều hàng nước ngoài nhưng người ta lại ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chứng tỏ thói quen tiêu dùng của nhiều người đã thay đổi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, Cuộc vận động cũng còn nhiều hạn chế, hạn chế lớn nhất là việc nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến cuộc vận động. “Vì vậy, trong thời gian tới Ban chỉ đạo phải vận động, tuyên truyền với cường độ cao. Chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm của chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động. Cùng với đó, truyền thông phải tuyên truyền có sức thuyết phục, sát với từng đối tượng và tuyên truyền liên tục”, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Minh Hường
(Theo vnmdia.vn)