Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 16/10/2014 01:37
Những mảnh vỡ trong trẻo

Đọc tập thơ "Mùa thủy tinh" của Tô Thị Vân, NXB văn học, 2013.


Bìa tập thơ "Mùa thủy tinh".
 
Mở đầu tập thơ là bài thơ viết về hoa cúc. Hoa cúc vàng, hoàng hôn, nỗi nhớ mẹ. Đương nhiên là buồn rồi. Nhưng cái dư ba lại không phải ở chỗ tỉa tót nỗi buồn, mà là "Mình hay cúc muộn/ Thời qua lỡ làng". Người cả nghĩ, ai cũng có lúc cảm thấy mình chậm chân, lỡ làng cái gì đó. Có thể là cảm giác, nhưng cũng có khi là thực thể. "Bạn cũ thưa dần", hoặc gọi mãi "Mẹ mà không ơi"... Cái màu hoa cúc vàng như nỗi buồn day dưa, ấy nhưng qua con mắt nhà thơ, thì nó lại lấp lánh đẹp dần lên, như "đường quê rắc vàng"... Đó là vẻ đẹp thành kính và trang trọng. Cúc và sen, hai hình tượng hoa cứ láy đi láy lại trong thơ Tô Thi Vân:
 
Tháng mười cữ rét độc
Đầm sen, tôi ngờ không còn sen
 
Hai câu thơ đầu của bài thơ "Sen", như mơ, như tỉnh: "Run rẩy sóng mặt đầm răn gió miết". Buổi ấy mặt đầm đã tịnh bóng sen. Vậy mà trong tâm trí vẫn lay láy nỗi nhớ "đâu rồi e lệ mặt hoa/ đâu rồi tơ nõn lá biếc". Không còn hương sen trên mặt hồ. Mùa sen tàn. Thơ cổ từng viết "Sen tàn cúc lại nở hoa". Ấy nhưng nhà thơ vẫn nhận ra, dưới "ba thép mai nữa" là "ngó sen ngần lặng câm/ còn thở". Nhà thơ phát hiện ra, cái đẹp vốn bền bỉ, kín đáo và lặng thầm. Cái đẹp không chết, không mất. Nó tồn tại theo lối riêng của nó. Chờ mùa, lại như sen bừng sáng mặt hồ.
 
Có một bài thơ khác, Tô Thi Vân lại viết về sen. Đó là "Những bông sen trong đêm". Người ta ngắm sen trong hồ sen ban ngày, là dĩ nhiên. Nhưng ngắm sen đêm thì có mấy người? Ở đây, nhà thơ ngắm sen, cảm nhận sen bằng khứu giác, bằng nỗi nhớ, bằng trái tim run rẩy của mình: "Hương sen thơm/ ngọt ngào thanh khiết". Và:
 
Những bông sen trong đêm ngơ ngác ao trời
những mặt hoa im lặng mặt người
lăn từng giọt buồn rơi.
 
Thì ra, nhà thơ ngắm sen đêm bằng tâm thức, bằng cảm xúc thổn thức của mình. Chỉ có ngắm từ trái tim thì mới cảm được cái đẹp sâu bền "có tiếng gọi khẽ/ từ đáy nước vọng lên sâu thẳm/ dịu dàng tiếng mẹ sen ơi".

Đời sống hiện thực trong thơ Tô Thi Vân được rọi chiếu qua một lăng kính riêng: "Làng mình lên phố rồi a/ người quê kẻ chợ sao nhòa điện giăng". Sự biến đổi nông thôn hóa thành thị, nảy sinh cái tốt xấu lẫn lộn. Làng xóm thanh bình, mái đình cây đa bến nước còn không? Gia cảnh điền viên nhà ngói cây mít có còn phù hợp? Hay một khuôn mẫu làng xóm mới ra đời? "Mái chùa nấp dưới mái bằng/ Giếng đình cạn đáy bóng trăng héo gày". Cuộc sống chuyển hóa quá nhanh, cái được cái mất song hành, cảm xúc nhà thơ có phần ngỡ ngàng không theo kịp: "Tự dưng ngơ ngẩn xa xôi/ cầm lòng... gió trộm lưng tôi, ới làng"... (Làng ơi). Trong một bài thơ khác, nhà thơ lại như nghe rõ câu hỏi như lời trách móc của kỷ niệm: "Ba mươi năm rồi/ sao giờ anh mới đến?". Thì ra, nhà thơ bao giờ cũng chậm chân, cũng tự mắc nợ và chỉ biết tiếc nuối mà thôi. Tôi như nhận ra cả tập thơ là nỗi niềm thảng thốt, xót xa, nhưng chân thành.

Tô Thi Vân là người lao động cẩn trọng trong mỗi trang viết. Anh muốn thơ anh hướng tới cái tâm tưởng muôn thuở của con người, cái đẹp vĩnh hằng. Viết về một người bạn vừa quá cố, số điện thoại của bạn vẫn lưu không nỡ xóa, mặc dù "Bạn trong lòng đất mình trên đất", âm dương cách trở, vậy mà anh vẫn ngỡ "chìa tay là với tới nhau thôi". Anh rất đau khi thấy bao mái tóc dài óng mượt của con gái làng quê phải bán đi vì túng thiếu mấy đồng tiền. Lời rao "Ai bán tóc dài không?" như cứa vào nỗi xót xa. Trong một buổi việc làng, nâng chén rượu giữa đình làng, giữa không khí khề khà ngày xuân, thì nỗi niềm khắc khoải của người đa sự lại òa ra "Một thời trận mạc ai quên/ bình yên mây trắng ngủ trên tóc rồi/ mắt trong mắt những xa xôi/ ai còn ai mất ai ngồi đăm chiêu" (Uống rượu ở đình làng).

Tập thơ "Mùa thủy tinh" chứa chất nhiều nỗi niềm. Có gì tiếc nuối. Có gì mong ngóng, chờ đợi. Tập thơ nghiêng về nghĩ, hơn là tả. Trong bài thơ "Thưa mẹ", người đọc dễ nhận ra bóng dáng nhà thơ: 
 
Xin mẹ đừng buồn, con vẫn dại
ngu ngơ thời cuộc... những đâu đâu
làng đã hao hao như phố huyện
nhà mình mẹ có phải tìm lâu.
 
Sự chuyển hóa ào ạt tới mức xô bồ của cuộc sống, nhà thơ như thấy mình không theo kịp. Nhà thơ chỉ biết kêu lên "Thơ ơi/ đến bao giờ thơ mới hết véo von".
 
Tôi cảm nhận, có lẽ chỉ còn nơi tĩnh lặng của hồn cốt cúc và sen mới là nơi nhà thơ đồng cảm và giãi bày được ẩn ức của mình. Bìa tập thơ "Mùa thủy tinh"


Vũ Từ Trang

(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)