Tôi đã gặp nhiều nhà văn mà họ nuôi sự đam mê sáng tác bằng những chuyến đi. Họ không chịu ngồi yên, họ thích chủ nghĩa xê dịch và coi đó như là sứ mệnh của một người cầm bút. Võ Bá Cường là một người như thế.

Thành kính bên tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ chục năm qua, ông luôn có những chuyến đi của riêng mình để cảm nhận và để viết, để tận cùng thấy được cuộc sống sôi động. Ông nói, đó cũng là cách giữ lửa yêu trong trái tim mình. Đó là ngọn lửa nồng nhiệt với văn chương, với đời. Bởi vậy, vừa mới lăn lộn trên cái khô khốc của tiết trời Hà Giang, đã thấy ông vi vu trong sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung hoặc có khi lại lênh đênh trên con sóng biển khơi…
Thế nhưng, ông vẫn “chào thua” các văn nhân thưở trước. Ông nói: “Nơi nào tôi đặt chân đến thì đã thấy cụ Nguyễn Tuân đến rồi, thật tài tình!”.
Gặp ông, chúng tôi luôn thấy cái mới và thường được ông khoe về những bản thảo. Nhưng gần đây, điều mới mẻ của ông lại là một sự kiện trọng đại. Ông muốn tỏ lòng kính yêu đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các danh nhân nước nhà, ông đã dày công xây dựng nên vườn tượng tại tư gia.
Nhân dịp giỗ đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều ngày 1/10/2014, tại nhà riêng ở làng Chàng (Đông Hưng - Thái Bình), nhà văn Võ Bá Cường đã tổ chức khánh thành “Khu vườn tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số danh nhân tiêu biểu”.
Khu vườn không rộng, nằm bình yên giữa vùng quê có cánh đồng lúa mênh mông, có những hàng cây xanh ngăn ngắt. Con đường dẫn vào làng Chàng cũng được trải nhựa, êm ru. Nơi đây đã nuôi dưỡng, giúp biết bao người con thôn quê trưởng thành, trong đó có Võ Bá Cường.
Vườn tượng chưa thật mỹ mãn và sẽ được bổ sung thêm, hoàn thiện để trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn. Cũng như ông sẽ vẫn đi tìm, vẫn viết, vẫn chinh phục, đặc biệt là vẫn tự giữ ngọn lửa cho mình, để sự sáng tạo của ông sẽ nối dài thêm nữa.
Qua nhiều lần trò chuyện, nhà văn Võ Bá Cường thổ lộ rằng, ông muốn dựng tượng các danh nhân để lập nên vườn tượng trên quê hương làng Chàng. Nhưng công việc sáng tác bận bịu, lại thường tìm đến những nhân vật, số phận khuất lấp trong xã hội, nên phải đến cuối năm 2012 ông mới bắt tay vào thực hiện được.
Với đồng tiền, hạt gạo Võ Bá Cường dành dụm được, trong đó có tiền hỗ trợ sáng tác sâu của Hội Nhà văn Việt Nam, tiền giải thưởng và nhuận bút các cuốn sách, ông đã làm vườn tượng trong khuôn viên từ đường của dòng họ. Trong giai đoạn đầu xây dựng vườn tượng đã có các danh nhân như Nam Cao, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Chế Lan Viên, Võ An Ninh, Tào Mạt. Riêng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dựng ở vị trí đắc địa, với khuôn khổ khác: Cao 1,3m; bệ tượng 2,35m.
Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng thật sự xúc động vì nhà văn Võ Bá Cường đã dựng tượng bố mình tại vườn tượng tư gia. Bà Phúc tâm sự: “Suốt một năm qua, gia đình chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà các cơ quan ban ngành, đoàn thể, toàn thể nhân dân cả nước đã dành cho cha tôi. Tôi không biết nói gì hơn là thay mặt gia đình, xin nói lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả mọi người. Xin cảm ơn nhà văn Võ Bá Cường, người đã dành tâm huyết đúc tượng cha tôi và thờ tại từ đường dòng họ”.
Ở tuổi 75, bè bạn vẫn tặng cho Võ Bá Cường câu “Người của những chân trời mới”. Bởi vì lần nào gọi điện cho ông, cũng thấy nhắc tới một điều gì đó mới mẻ, hay đang ở một mảnh đất nào đó để tìm vốn sống, tư liệu. Ngay chuyện xây dựng vườn tượng, ông cũng phải vất vả suốt hai năm. Qua đây, lão nhà văn muốn kiểm chứng sức khỏe của mình.
Và ông đã chứng minh cho mọi người thấy, lửa văn chương, lửa sáng tạo của ông vẫn hừng hực sáng. Trong chuyện làm tượng cũng khó khăn như đi săn tìm tư liệu để viết về những nhân vật oan khuất, ít được đặt bút tới. Ông có cá tính là đã muốn viết về ai thì phải đi đào bới tư liệu cho bằng đủ đầy. Dù nhiều chuyến đi cứ mênh mông như tìm kim đáy bể. Lão nhà văn tự tin rằng: Hãy tìm sẽ thấy! Hãy gõ, cửa sẽ mở!
Nguyễn Văn Học
(Theo thoibaonganhang.vn)