Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 17/10/2014 09:23
Khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) Gia tăng đóng góp của ASEM trước những chuyển biến khôn lường

Chiều 16-10, Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị của thành phố Mi-lan, I-ta-li-a. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị.

 
Con người là trung tâm của hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu

Trong các phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà I-ta-li-a M. Ren-di (Matteo Renzi), lãnh đạo của các thành viên điều phối Mông Cổ, Ma-lai-xi-a và Ủy ban châu Âu, cùng Lào với tư cách nước chủ nhà ASEM 9, nhấn mạnh tầm quan trọng cần gia tăng hợp tác và đóng góp của ASEM trước những chuyển biến nhanh chóng, khôn lường ở hai châu lục và thế giới.

Lãnh đạo các nước chụp ảnh chung tại ASEM 10. Ảnh : TTXVN
 
Sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã tiến hành phiên họp phiên toàn thể thứ nhất về “Thúc đẩy hợp tác kinh tế-tài chính thông qua tăng cường kết nối Á-Âu”. Hội nghị nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế-tài chính, thúc đẩy việc sớm thông qua Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO và tăng cường phối hợp chính sách với G-20, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, cân bằng và đồng đều. Tại phiên toàn thể thứ hai về “Đối tác Á-Âu ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết”, các nhà lãnh đạo đều cho rằng, các thách thức toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là biến đổi khí hậu-thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI. Tất cả các thách thức đang tác động sâu sắc và nhiều chiều đến mọi quốc gia và mọi châu lục, cản trở nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Man-ta được mời phát biểu dẫn đề phiên toàn thể thứ hai. Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chỉ trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI, nhân loại đang phải ứng phó với nhiều thách thức toàn cầu gay gắt, phức tạp hơn bao giờ hết. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trầm trọng nhất trong hơn 100 năm qua, thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, rồi mới đây là siêu bão Hải Yến tàn phá đất nước Phi-líp-pin và nay là Ê-bô-la tại châu Phi-đại dịch lớn nhất từng xảy ra. Tất cả các thách thức đan xen với nhau, gây nên những hệ quả khôn lường về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh..., cản trở nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, phục hồi kinh tế và cuộc sống của người dân ở mọi khu vực.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, để phối hợp hành động đóng góp vào những nỗ lực chung toàn cầu, ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó, con người phải là mục tiêu và là trung tâm. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đóng góp vào hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, thúc đẩy đạt thỏa thuận mới toàn cầu về khí hậu tại Hội nghị Pa-ri và hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Hội nghị Xên-đai. Theo đó, ASEM cần có tư duy phát triển mang tầm toàn cầu, cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo về an ninh lương thực-nguồn nước-năng lượng trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức trở nên phức tạp và khó lường. Đồng thời, cần đẩy mạnh nỗ lực chung về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phục hồi sau thảm họa, như sớm thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, hợp tác, bởi lẽ, hai châu lục Á-Âu đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, như siêu bão, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng… Châu Á-Thái Bình Dương hứng chịu khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ASEM cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ diễn đàn cũng như với các cơ chế khác, trong đó, cần quan tâm thỏa đáng việc tham gia hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mê Công - Đa-nuýp và tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với ba sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 10 về “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”.

Hôm nay (17-10), Hội nghị Cấp cao ASEM 10 sẽ tiếp tục các hoạt động, trong đó có phiên họp về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á-Âu và tương lai ASEM”.

Thúc đẩy liên kết kinh tế Á-Âu

Sáng 16-10, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Mi-lan, I-ta-li-a, đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự ASEM 10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà I-ta-li-a, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các Thủ tướng Nhật Bản và Ma-lai-xi-a, đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á-Âu”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 800 đại diện của các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.

Các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh nhu cầu gia tăng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong gắn kết hai châu lục, trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhà lãnh đạo đề nghị các doanh nghiệp cần cùng đồng hành với Chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực và nguồn nước, an ninh năng lượng, phát triển công nghệ xanh, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên. Các nhà lãnh đạo đặc biệt đề nghị các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục.

Trong phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cùng triển khai mạnh mẽ các chương trình hành động của ASEM nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thông qua các chương trình đối tác công-tư để góp phần đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, xây dựng thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh, triển vọng hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới ở châu Á cùng việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 đang mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới và năng động, với một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất cho Đông Nam Á. Đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế-thương mại và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương, với việc hoàn tất các cam kết của các Hiệp định Tự do thương mại ASEAN với các đối tác, triển vọng hình thành Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU được dự kiến khởi động lại sau năm 2015... Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Á-Âu cần nắm bắt các thời cơ mới để cùng triển khai các dự án kết nối ở châu Á, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, các dự án kết nối của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Hầu hết các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam là các thành viên ASEM. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 Hiệp định Thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á-Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.

EU tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng

Ngày 16-10, tại Mi-lan, I-ta-li-a, đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao không chính thức ASEAN-EU. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và EU do Việt Nam và EU đồng chủ trì.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-EU, đã đồng chủ trì cuộc gặp cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rom-pơi (Herman Van Rompuy) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu  M. Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso). Cùng tham dự cuộc gặp có Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên (Thein Sein), Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha (Prayuth Chan-ocha), Cao ủy Đối ngoại châu Âu mới đắc cử P. Mo-ghê-ri-ni (Federica Mogherini),  Trưởng SOM EU V. Bu-du-ra (Viorel Isticioaia Budura) và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Hai bên kiểm điểm và đánh giá hợp tác ASEAN-EU, đồng thời đề ra những định hướng lớn nhằm nâng tầm và thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN-EU. Hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Trung Đông và Bắc Phi, chống khủng bố... Trong trao đổi về tình hình gần đây tại Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải tại Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp và nguyên tắc không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm đạt được COC. Về kinh tế, hai bên nhất trí sớm nối lại đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU sau năm 2015; gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. EU tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong xây dựng cộng đồng, nhất là trong những lĩnh vực mà ASEAN ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực bộ máy điều hành.

Xử lý thỏa đáng các vấn đề phát sinh trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 16-10, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quý trọng, giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, cũng như tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, đồng thời kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước; sớm tổ chức Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí triển khai thực chất 3 nhóm công tác hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phản hồi tích cực đối với những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp cụ thể, nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian tới.

Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam

Cùng ngày, nhân dịp tham dự ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê (Shinzo Abe).

Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc cung cấp ODA ở mức cao, cũng như tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác kinh tế quan trọng, trong đó có Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sẽ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, trong đó có triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt-Nhật về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, đóng góp tích cực, mang tính xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.


ĐOÀN CA và TTXVN

(Theo qdnd.vn)
 
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)