Những con số thảm họa
Thế giới luôn đứng trước những thách thức lớn do thiên tai, thảm họa gây ra. Năm 2013, có tới 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong số đó có 87% sống ở châu Á. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão, lụt và BĐKH toàn cầu. Trung bình, mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 10 – 15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số của Việt Nam. Chỉ tính năm 2013, Việt Nam đã có 14 cơn bão, lũ đã xảy ra với số người bị ảnh hưởng lên đến 4,13 triệu người, cao nhất trong 10 năm trở lại đây trong khi số thảm họa và số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa trên toàn cầu trong 2013 lại thấp nhất trong cả thập niên.
Nhấn mạnh sinh kế thích ứng BĐKH, ông Trương Quốc Cần (Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững) nhận định: Con người biết rủi ro thiên tai nhưng vẫn chấp nhận nguyên nhân chính là sinh kế. BĐKH khiến lượng mưa thay đổi, đa dạng sinh học, xói lở bờ biển... Rõ ràng ngay như tại Hà Nội, những người dân Thủ đô phải đi mua từng can nước đã cho thấy sự thay đổi chế độ mưa, chế độ thủy văn. "Theo tính toán, ngay hệ thống sông Hồng hay sông Thái Bình lượng mưa giảm nhưng lại tăng tần suất mưa khiến mùa khô hạn kéo dài hơn, ảnh hưởng đến nguồn cung nước nông nghiệp. Hiện 65% diện tích đất nông nghiệp đang bị suy thoái khác nhau, trong đó 24% suy thoái ở mức vừa phải và 40% bị suy thoái ở mức nặng. Suy thoái môi trường, nước biển dâng, BĐKH đã tác động trực tiếp đến người nông dân. Với đà suy thoái như hiện nay, đến giữa thế kỷ 21, GDP của Việt Nam sẽ giảm 10% do tác động của BĐKH”, ông Cần khẳng định.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có những biện pháp để ứng phó với nguy cơ thảm họa thông qua giới thiệu các văn bản pháp luật mới, tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Việt Nam thiết lập chương trình quốc gia "Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng” ở 6.000 xã (khoảng 50% số xã trên cả nước) trước năm 2020. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Đường, để giảm thiểu tác hại cần có phương pháp để giảm nhẹ rủi ro; đưa ra chỉ số để ước lượng nhưng thay đổi về tình trạng dễ bị tổn thương và rủi ro; lồng ghép giảm thiểu thiên tai vào các chương trình khác; nâng cao hiểu biết của cộng đồng về những rủi ro tiềm ẩn tại địa phương mình...
Theo dự báo BĐKH, nước biển dâng ở Việt Nam, giữa thế kỉ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỉ 21 có thể dâng cao 1m. Khi đó, khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Những tác động của BĐKH sẽ dẫn đến một loạt xáo trộn trong đời sống người dân.
|
Cần xây dựng được kho kiến thức địa phương
Với chủ đề "Văn hóa và rủi ro,” Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2014 tập trung tìm hiểu tác động của văn hóa đến việc giảm thiểu rủi ro thảm họa và thích ứng với BĐKH; thảm họa, rủi ro tác động như thế nào đến văn hóa, con người đã có những cách thức nào để đối mặt, ứng phó với các nguy cơ, thảm họa... Báo cáo cũng đề cập đến văn hóa tổ chức của các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giảm thiểu, thích ứng với rủi ro thảm họa, hoạt động dựa vào cộng đồng; xét đến khía cạnh văn hóa trong việc tái thiết, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người dân sau thảm họa cũng như hỗ trợ sinh kế, cải thiện môi trường sống cho người dân...
Trước tình hình BĐKH ngày càng gia tăng tuần suất và mức độ của hiểm họa, Hiệp Hội Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ đang vận động cách tiếp cận mới, cân nhắc tư duy, thái độ và hành vi liên quan đến rủi ro của các cá nhân và tổ chức. Ông Michael Annear, trưởng đại diện Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế khẳng định: "Một điều chắc chắn là hiệu quả của chúng ta sẽ rất hạn chế nếu như không cân nhắc đầy đủ văn hóa, tín ngưỡng và thái độ của cộng đồng đối với rủi ro, nếu như chúng ta không xây dựng được kho kiến thức địa phương”.
Nhã Phương
(Theo daidoanket.vn)