Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 24/10/2014 10:49
Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại: Trò chuyện với ca nương Kiều Anh

Người mê ca trù có lẽ không còn xa lạ với tên tuổi của ca nương Nguyễn Kiều Anh. Người góp phần đem nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng.

 

Lục tìm trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Nhà xuất bản Hà Nội, tôi như mê mẩn trước cuốn “Ca Trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại”, công trình được nghiên cứu và biên soạn bởi TS. Nguyễn Đức Mậu – tác giả của nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về loại dân nhạc đặc biệt “Ca trù”. Sở hữu cuốn sách, tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này và thật bất ngờ khi tôi bắt gặp một ca nương thế hệ 9x không chỉ yêu say đắm mà cô còn đem đến một hơi thở mới cho môn nghệ thuật truyền thống này.
 
 
Sinh ra và lớn lên trong đại gia đình có truyền thống 7 đời tham gia giáo phường ca trù Thái Hà nổi tiếng đất Hà Thành, ngay từ khi còn rất bé, Nguyễn Kiều Anh đã mê loại hình nghệ thuật này. Ngay khi mới 6 tuổi, cô bé Nguyễn Kiều Anh đã được ông nội là Nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi và cô ruột Nghệ nhân Thúy Hòa truyền cho ngọn lửa nghệ thuật truyền thống với những câu hát ca trù đầu tiên. Đến nay, với 14 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cùng với sự nhạy bén của tuổi trẻ Kiều Anh đã tự tìm cho mình lối đi riêng, cô đã mạnh dạn kết hợp ca trù với nhạc WorldMusic, sự kết hợp độc đáo giữa hiện đại và cổ điển để tạo nên sự phá cách trong biểu diễn ca trù.
 
 
Kiều Anh thân mến! Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Có ông nội và cô ruột là nghệ nhân ca trù nổi tiếng đất Hà Thành. Vậy không biết yếu tố gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp ca hát của bạn?
 
Gia đình của Kiều Anh đóng góp một phần rất quan trọng trong sự nghiệp ca hát của Kiều Anh. Ngay từ đầu nếu không có gia đình thì chắc có lẽ Kiều Anh cũng không theo nghệ thuật ca hát đến bây giờ. Ông và cô là người định hướng cho Kiều Anh, lúc đầu theo học ca trù sau đó gia đình thấy mình có năng khiếu nên cho mình vào nhạc viện học đàn tranh. Từ đó mở ra cho Kiều Anh một hướng mới trong âm nhạc và cho đến nay thì mình đã theo đuổi nghệ thuật được 14 năm rồi.
 
Là một ca nương vừa trẻ tuổi đời cũng như tuổi nghề. Tuy nhiên Kiều Anh lại có được những giải thưởng lớn mà không phải một ca nương nào mới vào nghề cũng có thể đạt được. Vậy không biết những giải thưởng này có tạo cho bạn động lực để tiếp tục phát triển trên con đường nghệ thuật của mình?
 
Tất nhiên khi có được một giải thưởng nào đó thì bản thân mình cũng muốn cố gắng để sẽ có những thành công tiếp theo. Tuy nhiên Kiều Anh nghĩ rằng, ngoài yếu tố giải thưởng thì yếu tố gia đình, nghị lực bản thân và niềm đam mê là yếu tố quan trọng để tạo nên những động lực thúc đẩy bản thân tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Được biết Kiều Anh không chỉ tham gia biểu diễn nghệ thuật ca trù cùng với gia đình mình mà còn đang miệt mài theo đuổi một thể loại mới đó là WorldMusic. Mà đặc biệt là bạn đã thành công khi kết hợp thể loại nhạc này với ca trù khi tham gia chương trình Việt Nam Got talent. Có thể nói các tiết mục của bạn đã chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng và đặc biệt là được giới chuyên môn đánh giá cao. Làm cách nào bạn có thể kết hợp được hai thể loại hoàn toàn không liên quan gì tới nhau mà thành công như vậy?
 
Với những bản WorldMusic mà Kiều Anh đã biểu diễn có sự kết hợp giữa nhạc dân gian của Việt Nam với nhạc điện tử và thêm phần lời tiếng Anh nữa, thì WorldMusic mọi người có thể hiểu là thể loại nhạc không biên giới và mọi thể loại nhạc thì đều có thể kết hợp với nhau. Những bản nhạc WorldMusic mà mình biểu diễn trong Việt Nam Got talent đều là những tác phẩm của Nhạc sĩ Quốc Trung phối lại theo thể loại nhạc dân gian Việt Nam. May mắn cho Kiều Anh là được học ở Nhạc viện nên vừa hát vừa có thể chơi được nhạc, nên khi có những bản nhạc như thế thì chú Quốc Trung đã để cho Kiều Anh biểu diễn. Và Kiều Anh đã mang những tác phẩm đó đến với Việt Nam Got talent.
 
Ca trù cũng giống như các thể loại nhạc dân gian khác rất kén người nghe. Dường như lượng người nghe và cảm được dòng nhạc này không nhiều. Kiều Anh có những dự định gì trong tương lai để mang ca trù đến gần hơn với công chúng mà đặc biệt là giới trẻ?
 
Kiều Anh nghĩ là một người nghệ sĩ muốn đến gần được khán giả thì chỉ có thể là biểu diễn và cháy hết mình với niềm đam mê, mang đến cho công chúng những tác phẩm tốt nhất. Hiện tại thì mình vẫn cùng gia đình nhận những show biểu diễn ở trong và ngoài nước để giới thiệu tới công chúng loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, Kiều Anh cũng đang ấp ủ làm một album về thể loại nhạc WorldMusic để giúp ca trù dễ được các bạn trẻ chấp nhận hơn.
 
Chia tay ca nương Kiều Anh, tôi thấy vui hơn bởi sau bao năm bị quên lãng, thậm chí bị miệt thị thì giờ đây ca trù đang hồi sinh với sức sống hoàn toàn mới. Và một điều rất vui mừng là khi những công việc cuối cùng hoàn thiện bản thảo của cuốn “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại” thuộc Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà xuất bản Hà Nội chủ trì thì ca trù được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”. Cuốn sách ra mắt bạn đọc không chỉ có ý nghĩa to lớn về văn hóa mà còn góp phần chào mừng sự kiện ca trù được tôn vinh và đáp ứng yêu cầu bảo vệ khẩn cấp của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể này.

Thọ Trần
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)