Bộ Tư pháp phản bác Bộ Giao thông về đề nghị xử phạt
Trong văn bản nêu ý kiến thẩm định Dự
thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao
thông đường bộ, Bộ Tư pháp nêu rõ: “Điều 52, Hiến pháp quy định, mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng này đòi
hỏi cơ chế áp dụng luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một
hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại bị áp dụng quy định xử phạt khác
nhau”.
Ngoài lý do trên, Bộ Tư pháp còn cho
rằng, việc phân biệt mức phạt tiền khác nhau theo đề xuất của Bộ Giao
thông vận tải là không phù hợp vì Hà Nội và TP HCM hiện còn rất nhiều
người nghèo, thu nhập thấp. Đó là chưa kể số người ngoại tỉnh tham gia
giao thông ở hai thành phố này, nếu áp dụng mức xử phạt trên sẽ gây ra
sự bất bình đẳng, không khả thi.
 |
Bộ Tư pháp không đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông
vận tải về việc tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội
và TP HCM. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong dự thảo nghị định, Bộ Giao thông
cũng đề nghị khi ghi hình, quay camera vi phạm giao thông, nếu công an
không xác định được người điều khiển phương tiện thì chủ sở hữu phương
tiện sẽ bị xử phạt.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc xử phạt vi
phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có
hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm. Việc xác định trách nhiệm hành chính
phải dựa trên cơ sở hành vi vi phạm của một chủ thể nhất định, không
thể căn cứ vào phương tiện được sử dụng. Trong khi đó, chủ sở hữu
phương tiện chưa hẳn đã phải là người thực hiện hành vi phạm đó. Ngoài
ra, trên thực tế quy định trên cũng không khả thi, nhất là đối với
những phương tiện đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu mà không
làm thủ tục sang tên...
Về quy định xử phạt người điều khiển xe
máy, xe đạp điện chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm, Bộ
Tư pháp đồng ý với quy định xử phạt trên nhưng cho rằng ban soạn thảo
cần nghiên cứu bổ sung cách thức, trình tự xác định độ tuổi của trẻ,
nhằm quy định thống nhất và tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Nguyễn
Đăng Quang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc Bộ Tư pháp
"phản ứng" với một số quy định trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm
giao thông là có cơ sở.
"Tôi cũng không đồng tình với đề xuất cho phép 2
thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM được áp dụng mức phạt gấp đôi. Nếu
như thế không đảm bảo công bằng cho mọi người và trái với hiến pháp. Bộ
Giao thông không thể đưa ra các giải pháp tình thế, áp đặt để bắt mọi
người phải thực hiện", ông Quang nói.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất về việc
cho phép Hà Nội và TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc xử
phạt vi phạm giao thông bằng cách nâng mức phạt gấp đôi. Đây là một
trong những giải pháp được cho là nhằm khắc phục ùn tắc giao thông tại
các thành phố lớn.
Theo VnExpress