Tuần qua là một tuần nghị trường sôi động. Rất nhiều vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội (QH) thẳng thắn nêu lên. Đó đều là những vấn đề được xã hội đang hết sức quan tâm. Từ việc có "bôi trơn” khi phải làm sổ đỏ ở Hà Nội hay không, cho đến chuyện nâng hay không nâng lương, có làm Sân bay Long Thành hay là không, nợ công đang ở mức nào, thu hẹp đối tượng người được ở nhà công vụ hay vẫn giữ như hiện nay…
Phí "bôi trơn” và chứng cứ
Trước khi kỳ họp bắt đầu, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã lên tiếng về việc phải "bôi trơn” với số tiền khá lớn thì mới làm được cuốn sổ đỏ sở hữu nhà tại Hà Nội. Cụ thể là tại Khu đô thị Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), phí "bôi trơn” sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không có biên lai, biên nhận. Ông Cương cũng cho biết, quy trình làm sổ đỏ mập mờ, gia đình nào chấp nhận chi tiền "bôi trơn” thì được nhận sổ đỏ sớm, gia đình nào không chịu nộp tiền thì tiếp tục... chờ. Ngay sau đó, đại biểu này bị "tố” ngược: Bằng chứng đâu? Và lãnh đạo Hà Nội trả lời là không có chuyện đó.
Sự việc đã thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như các đại biểu QH. Nói như ông Trương Minh Hoàng (Phó trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Cà Mau) thì nếu phía TP. Hà Nội nói hiện tượng đại biểu nêu là không đúng thì phải xử lý người đã phát ngôn. Nhưng thực tế bây giờ làm bất cứ việc gì đều phải qua "cửa” này, "cửa” nọ lòng vòng. Tồn tại đó có trong xã hội chứ không riêng gì ở Hà Nội. Ông Hoàng nói thêm rằng, nếu không có "bôi trơn” thì cũng có nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở.
Về việc đòi hỏi bằng chứng, bà Lê Thị Nga- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cơ quan công an phải vào cuộc điều tra. Qua nhiều kênh, đại biểu QH tiếp nhận thông tin và phản ánh nhưng người phản ánh với đại biểu họ cũng ngại bị đưa vào cuộc, bị liên lụy nên người ta không đưa chứng cứ. "Thêm nữa, đại biểu QH cũng không phải là người đi điều tra nên chỉ tiếp nhận phản ánh của dân. Nay yêu cầu phải cung cấp chứng cứ trong khi người đưa chứng cứ lại không được bảo vệ tốt. Thay vì việc yêu cầu như vậy thì hiện nay chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng như thanh tra, công an, phải thật khách quan tập trung định hướng điều tra theo dõi vào những lĩnh vực và những vụ việc cụ thể mà đại biểu và người dân phản ánh để xử lý”, bà Nga nói.
Như vậy, vấn đề ở đây là nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết hay là nhìn xéo đi. Thực tế cho thấy, nếu trong bất cứ trường hợp tiêu cực nào cũng đòi hỏi người tố cáo đưa ra bằng chứng là bất khả thi. Đó là công việc của cơ quan có quyền điều tra, bởi vì người tố cáo không thể có điều kiện để thu thập chứng cứ. Là đại biểu QH, ông Cương chỉ là người nói lên tiếng nói của dân, phản ánh những gì nghe được từ dân chứ không phải là một điều tra viên. Vì thế, tuy có vẻ như ông Cương "đuối lý” nhưng đã làm đúng chức phận là một đại biểu QH, được dư luận tán đồng.
Đại biểu phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hoàng Long
Vấn đề là phải nâng lương
Về chuyện có nâng lương (vào năm 2015) hay không nâng cũng được đại biểu QH nêu ý kiến thẳng thắn. Trong khi có không ít ý kiến phân tích "rất có lý” cho rằng, với tình hình này thì không thể nâng lương, hoặc có nâng thì cũng chỉ là nâng "chút xíu” và tốt nhất là lui thời hạn nâng lương; thì đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP. HCM) đặt vấn đề: "Lộ trình 2013 không tăng để lui lại 2014, giờ 2014 cũng không tăng để tiếp tục đến 2016. Vậy ai dám khẳng định năm 2016 sẽ tăng lương?”. Ông Minh cho rằng, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ công chức. "Muốn vậy thì phải tiết kiệm chi tiêu”, ông Minh mở rộng vấn đề. Theo ông Minh, nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng là rất lãng phí. Ông Minh cũng cho rằng, hiện chúng ta đang nuôi dưỡng một đội ngũ hưởng lương quá lớn nhưng người làm chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Vì thế, cùng với việc tăng lương thì phải tinh giản biên chế của khối hành chính sự nghiệp.
Đại biểu Trần Du Lịch cùng chung nỗi lo là nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi. Nhưng ông Lịch cũng cho rằng, không tăng lương thì cũng đừng bao giờ hy vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa. Mạnh mẽ hơn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm còn cho rằng, đã tăng thì phải tăng mạnh vì lương 3 triệu đồng 1 tháng thì không thể sống nổi. Theo bà Quyết Tâm, cần nâng mức lương cơ bản, lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa...
Như vậy, đa số đại biểu QH ủng hộ (hay có thể nói là đòi hỏi) việc nâng lương cơ bản cho người lao động. Ngân sách khó khăn thì phải tìm cách giải quyết, khắc phục, lấy chỗ nọ bù chỗ kia, rút vốn ở những công trình "bom tấn” để lấy tiền trả thêm lương cho người lao động. Tuy chưa ngã ngũ, nhưng ý kiến rõ ràng của các đại biểu QH về vấn đề này cũng làm cho người làm công ăn lương mát lòng mát dạ.
Nợ công, nợ xấu – cần nói cho rõ
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII (ngày 20-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước QH Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015. Thủ tướng cho biết, "nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10 của QH”, tuy nhiên bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ Chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ Chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.
Về vấn đề này, nhiều đại biểu QH cho rằng, dù nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng để giải quyết cần có các giải pháp đột phá, trong đó giải pháp lớn nhất là giảm bội chi ngân sách, tránh đầu tư những công trình kém hiệu quả, gây lãng phí. Trong phiên thảo luận sáng 21-10, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đã tỏ ra hết sức sốt ruột khi nợ công mấy năm nay liên tục tăng, hiện đã chạm ngưỡng mất an toàn. Trong khi đó nợ xấu cũng tăng trở lại và bội chi cũng liên tục tăng. Nếu nợ công tăng thế này thì an ninh tài chính là nghiêm trọng”, ông Đương lo lắng. Cùng chung tâm trạng, Trưởng đoàn đại biểu QH Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa nhận xét, "nợ công quá lớn và ngày càng tăng, năm nào ta cũng nói cái này và năm nay thấy rất đáng lo ngại”. Cùng đó, ông Nghĩa cũng đặt vấn đề về nợ xấu, theo đại biểu này "Nợ xấu hiện nay đúng là một quả bom nổ chậm”.
Vì sao chậm xử lý nợ xấu? Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ phải ra tay xử lý trong thời gian ngắn nhất vì càng kéo dài càng lây lan, chứ không thể chỉ xem là "chuyện của ngân hàng”. Nợ công và nợ xấu đều là gánh nặng trên vai quốc gia, mà cũng là nỗi âu lo của xã hội, vì nếu hai thứ nợ này không được giải quyết thì không thể lấy tiền đâu ra để phục vụ mục đích an sinh xã hội, cũng không thể xây dựng được những công trình công cộng mang tính phúc lợi xã hội. Kéo nợ công xuống, xử lý dứt điểm nợ xấu- đại biểu QH đã thay mặt nhân dân nói rõ ràng điều đó. Không phải cứ vay, cứ nợ rồi để lại cho con cháu trả. "Nhất tội, nhì nợ”, càng tránh cho xa càng tốt.
Nhà công vụ hay nhà ở xã hội?
Ngày 24-10, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu QH đã bày tỏ ý kiến không đồng tình về việc mở rộng diện đối tượng được ở nhà công vụ, cũng như tăng thêm quỹ đất dành cho xây dựng nhà công vụ. Vì rằng, người trong diện được ở nhà công vụ hiện đang hưởng nhiều ưu đãi, đã được hỗ trợ ngay trong lương, nếu Nhà nước tiếp tục dành thêm ưu đãi về nhà ở công vụ nữa là không công bằng.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, thay vì phát triển nhà công vụ thì nên xây dựng nhiều nhà ở xã hội phục vụ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo và cận nghèo. Tiếp ý kiến, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung thêm nhiều hình thức hỗ trợ cho các đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội.
Cũng từ việc này đã gây ra những ý kiến trái chiều, đó là có nên thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội? Phía đồng tình thì cho rằng, nên thành lập quỹ để hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo được mua nhà, sửa nhà và nên thành lập quỹ ở các địa phương. Số ý kiến không tán thành thì lo lắng sẽ lại phát sinh bộ máy quản lý quỹ, mà việc quản lý quỹ cũng không thể bằng các ngân hàng. Vả lại, không nên tạo thành tiền lệ, cứ có chính sách nào là lại lập quỹ. Như vậy, từ việc nhà công vụ đã chuyển tiếp sang nhà ở xã hội. Vì rằng, hai loại nhà này liên quan đến nhau. Nếu dành tiền xây dựng nhà công vụ nhiều (đối tượng thụ hưởng là cán bộ thu nhập cao, được nhiều ưu đãi) thì sẽ thiếu tiền xây nhà cho người dân (đối tượng thu nhập thấp, ít nhận được ưu đãi).
Cũng chính vì thế mà nhiều đại biểu QH đã lên tiếng đề nghị thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ. Theo đó, chỉ có các đối tượng như: cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; Giáo viên công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Các đối tượng còn lại thì chỉ nên hỗ trợ một khoản tiền để tự thuê nhà. Nói như đại biểu Trần Du Lịch thì đối tượng được thuê nhà công vụ quá lớn liệu chúng ta có kham nổi không? Ngân sách sẽ ra sao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Còn đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thẳng thắn cho rằng, chỉ nên bố trí nhà công vụ cho chức danh Bộ trưởng và tương đương trở lên.
Ở đây có thể thấy, đó là sự chọn lựa giữa việc phát triển loại hình nhà ưu đãi cho đối tượng này hoặc đối tượng kia. Túi tiền chỉ có vậy, nếu phát triển nhà công vụ thì nhà ở xã hội sẽ co hẹp, và ngược lại khi người lao động có cơ hội sở hữu nhà giá rẻ thì cán bộ sẽ bị giảm phần ưu ái. Giống như việc tăng lương cơ bản, trong vấn đề này nhiều đại biểu QH đã đứng về phía người lao động.
Một tuần của Kỳ họp QH đã trôi qua, một tuần với rất nhiều tiếng nói thẳng thắn, mạnh mẽ. Dư luận xã hội đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu QH. Vì rằng, đó cũng chính là tiếng nói của nhân dân. Vì thế, việc các vị đại biểu QH thẳng thắn nêu quan điểm được người dân tiếp tục kỳ vọng.
HÀ TRỌNG NGHĨA
(Theo daidoanket.vn)