Những năm kháng chiến, bảo vệ Bác Hồ, chở che cách mạng, không người dân xứ Tuyên nào biết chính xác những con đường Bác đã đi qua. Nhưng đất và người Tuyên Quang nặng đầy ân tình với Bác. Thì đây, những di tích lịch sử, như Núi Hồng, lán Nà Lừa, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, Kim Bình, Kim Quan…, rồi dòng sông Phó Đáy, sông Gâm, nơi nào cũng còn in dấu chân Bác, lưu giữ hình ảnh Người trong những năm kháng chiến gian nan.
Những người con xứ Tuyên từng vinh dự được gặp Bác Hồ, phục vụ Bác thì không bao giờ quên những tháng ngày gian khó. “Rau đắng, măng rừng, đến cái bát ăn cơm cũng làm từ cây rừng, chứ không được là sành sứ như bây giờ. Thương lắm!”. Ông Ma Kim Ngọc, ở thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, là con em một trong những gia đình được vinh dự phục vụ Bác Hồ thời kỳ đó bùi ngùi nhớ lại như vậy. Ông kể: “Năm 1947, Bác về làng Sảo, đến tại nhà anh tôi là Ma Xuân Hiến. Lúc ấy hai anh em tôi ở chung với nhau. Gia đình thì đi sơ tán hết. Lần đầu
tiên gặp Bác, Bác mặc bộ quần áo gụ, đi đôi dép cao su và chống một cái gậy nữa. Tôi rất phấn khởi. Tôi phục vụ Bác nước uống, quét nhà”.
Thời ấy, biết ông Ma Kim Ngọc làm Bí thư Đoàn xã, Bác dặn: “Chú làm công tác thanh niên thì phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”. Nghe theo lời Bác dạy, từ bấy đến nay, ông Ma Kim Ngọc luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, và động viên con cháu học tập, lao động sản xuất, đóng góp công sức xây dựng quê hương.
Không chỉ những người từng gặp Bác mới quyết tâm làm theo lời Người dạy. 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chính quyền các địa phương Tuyên Quang tích cực triển khai nhiều biện pháp giúp dân xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Nhiều năm qua, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá tập trung hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều cách. Những hộ đặc biệt khó khăn, xã hỗ trợ vốn và ngày công lao động. Những hộ nghèo, phải ở trong những căn nhà tạm dột nát, được hỗ trợ xây nhà mới. Trong lĩnh vực kinh tế, gần đây Kim Bình tạo bước đột phá bằng việc đưa vào trồng cây mía và chuối tây. Cây chuối tây phù hợp với đất rừng Kim Bình, 3-4 năm nay mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Có hộ thu nhập một vụ 20 triệu đồng từ trồng chuối tây. Nhờ vậy, từ chỗ toàn xã có hơn một nửa hộ dân đói nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Kim Bình chỉ còn 19%.
Ông Đào Ngọc Vang, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Bình cho biết: “Đối với Kim Bình thì thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng được Đảng, Bác Hồ chọn làm nơi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2. Hầu hết các cơ quan Trung ương đều nằm tại Kim Bình. Sau khi Đại hội thành công thì đến nay, bà con nhân dân Kim Bình vẫn giữ được truyền thống của cùng căn cứ địa cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, sau khi Khu di tích Kim Bình được công nhận, bà con rất tự hào, tham gia vào việc bảo vệ di tích”.
Ở huyện Sơn Dương, nơi được mệnh danh là thủ đô cách mạng, Đảng bộ, chính quyền thay đổi lề lối làm việc, cái gì cũng hỏi ý kiến dân, xuất phát từ dân nên xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cụ thể, từng bước phát huy được thế mạnh của địa phương. Ông Lê Quang Bích, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sơn Dương nói: “Kết quả lớn nhất của Sơn Dương trong thực hiện di chúc của Bác là phát triển kinh tế-xã hội có bước phát triển mạnh. Đời sống của nhân dân được cải thiện một cách rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến nay còn 14%”.
Nặng đầy nghĩa tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ Kim Bình, Tân Trào, Sơn Dương… mà các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đều tích cực thực hiện Di chúc Bác Hồ. Thạc sĩ Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đánh giá: “Thành công nhất của Tuyên Quang sau 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ là giáo dục cho nhân dân các dân tộc tự hào về truyền thống của quê hương. Trên cơ sở đó, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bộ mặt của tỉnh thay đổi rất nhiều, từ thành thị đến những vùng thôn bản xa xôi... Sắp tới đây, thị xã Tuyên Quang được nâng cấp lên thành thành phố. Nguồn nhân lực phát triển rất tốt. Hiện cán bộ xã của Tuyên Quang có hơn 30% tốt nghiệp đại học”.
Đến Tuyên Quang hôm nay nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo tỉnh còn không ít tâm tư: Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp thì có tới hơn 6 năm Bác Hồ ở Tuyên Quang. Không ít vùng đất, miền quê nơi đây ghi rất nhiều dấu ấn về Bác. Bà con các dân tộc trong tỉnh chia ngọt, sẻ bùi cùng Người, nghĩa tình sâu nặng. Nhưng theo thời gian, nhiều người chứng kiến những sự kiện lịch sử trước đây không còn. Một số ít cụ cao tuổi, lúc quên, lúc nhớ, nên việc giáo dục truyền thống cho lớp trẻ chắc chắn rồi đây, sẽ rất khó khăn.
Nhận thức được trách nhiệm lớn lao đó, tỉnh Tuyên Quang đang cố gắng bằng mọi cách phục hồi, tôn tạo và tu bổ các di tích lịch sử. Riêng khu vực cây đa Tân Trào, tỉnh trồng thêm 6 cây đa con lấy từ cây mẹ, tượng trưng cho 6 năm Bác Hồ sống và làm việc ở Tuyên Quang. Tâm nguyện của nhiều lãnh đạo tỉnh và bà con các tộc Tuyên Quang là để mai kia lớn lên, 6 cây đa con sẽ quyện vào cây đa mẹ, tạo thành một quần thể cây đa Tân Trào, khắc ghi mãi mãi những sự kiện lịch sử của dân tộc ở vùng thủ đô cách mạng, cũng là để thể hiện nghĩa tình của đất và người Tuyên Quang đối với Bác- vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam./.