Chuyện "năm không, ba có" ở Ðà Nẵng
 |
Lễ khởi công xây dựng 1.000 căn nhà ở
xã hội cho người có thu nhập thấp. |
Thành phố "năm không"
Ðà Nẵng hôm nay đang vươn vai phát triển hiện đại với nhiều dự án quy mô lớn, mang lại lợi ích nhiều mặt. Ðể có được những thành quả này, phải nhắc tới sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm khi lựa chọn phương châm hành động mang đậm tính nhân văn đối với nhân dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo thành phố. Bài học của Ðà Nẵng trong quá trình phát triển là sự đồng thuận cao, từ các cấp ủy Ðảng, chính quyền với toàn thể nhân dân.
Với điều kiện thực tế của địa phương, trong quá trình phát triển, lãnh đạo TP Ðà Nẵng đã từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị để sớm đưa Ðà Nẵng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hàng chục năm qua, nhiều chương trình kinh tế - xã hội đã được nghiên cứu, triển khai nhằm từng bước thay đổi bộ mặt đô thị, trong đó phải nói đến hai chương trình mang ý nghĩa văn hóa và tính nhân văn sâu sắc đó là: "Thành phố năm không: Không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người để cướp của", và "Thành phố ba có: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị".
Còn nhớ, chín năm trước, ngày 5-2-2000, UBND TP Ðà Nẵng quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình "Thành phố năm không". Khi vừa đưa ra chương trình này, nhiều ý kiến e ngại Ðà Nẵng không dễ làm được. Ðà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc để "đầu tư" cho một tương lai lâu dài, bền vững. Năm 2006, tổng kết năm năm thực hiện chương trình, Ðà Nẵng đã giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống chỉ còn khoảng 1%, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như phòng, chống mại dâm, ma túy, xóa bỏ hẳn tình trạng người lang thang xin ăn ở đô thị. Ðà Nẵng trở thành địa phương thứ hai trong cả nước hoàn thành việc phổ cập THCS. Và đến thời điểm này, các mục
tiêu đề ra của chương trình "Thành phố năm không" đã gặt hái được khá nhiều thành quả. Hiện nay, mỗi năm Ðà Nẵng giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, số người nghiện ma túy, số vụ giết người cướp của giảm hẳn. Ðặc biệt đến nay thành phố đã không còn hộ đói. Nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được, UBND thành phố Ðà Nẵng
tiếp tục điều chỉnh hai trong năm mục tiêu của chương trình "Thành phố năm không" giai đoạn 2009-2015 để phù hợp tình hình mới. Theo đó, mục tiêu "không có hộ đói" sẽ là "không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố"; mục tiêu "không có người mù chữ" sẽ là "không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS". Với Ðà Nẵng, sự phát triển và điều chỉnh kịp thời các mục tiêu phấn đấu đã đánh dấu một chặng đường phát triển, dựng xây và làm mới chính mình. Tất cả các chương trình hành động đều vì chất lượng cuộc sống người dân và vì một Ðà Nẵng không ngừng phát triển.
Và Thành phố "ba có"
Từ các thành quả bước đầu của chương trình "Thành phố năm không", Ðà Nẵng đã mạnh dạn đề ra chương trình "Thành phố ba có" với những mục tiêu thiết thực ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Ðề ra chủ trương đúng đã khó, nhưng triển khai thực hiện để có hiệu quả tốt càng khó hơn. Sau gần năm năm dồn sức cho nhiệm vụ song song với giai đoạn tiếp theo của chương trình "Thành phố năm không", thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ, với những kết quả đáng khích lệ: Năm 2008, Ðà Nẵng đã giải quyết việc làm cho 34 nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4,9%, xuất khẩu lao động cho 219 người. Ðối với chương trình "có nhà ở", đã có 78 chung cư với 3.340 căn hộ được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn có 318 căn nhà liền kề, diện tích trung bình 67,5 m2 đã đưa vào sử dụng. Cùng thời điểm này, Ðà Nẵng đã triển khai đề án xây dựng bảy nghìn căn hộ cho các đối tượng có thu nhập thấp nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho nhân dân thành phố. Qua đó, từng bước hoàn thành sớm hơn mục tiêu chương trình "có nhà ở", đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hưởng ứng chủ trương kích cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và kích cầu tiêu dùng. Hiện tại, Ðà Nẵng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về xóa nhà tạm cho gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng chính sách. Hiện nay TP Ðà Nẵng không có hộ chính sách nghèo.
Với tầm nhìn xa, cấp ủy và chính quyền TP Ðà Nẵng đang hướng tới một mục tiêu cao hơn là xây dựng thành phố thành đô thị kiểu mẫu mà tiêu chí quan trọng nhất là phải có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, giàu tính nhân văn, tích cực bảo vệ môi trường. Việc thay đổi các thói quen đã "ăn sâu, bám rễ" là khó, phải phấn đấu liên tục trong thời gian dài. Vì thế, ngoài sự cố gắng của chính quyền thành phố, cần phải có sự hưởng ứng đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Năm 2009 được Ðà Nẵng chọn là "Năm văn minh đô thị" cũng có nghĩa là năm thành phố tuyên chiến quyết liệt với nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán, xả rác bừa bãi, gây rối trật tự, vi phạm luật giao thông... Thành phố coi trọng các giải pháp để thiết lập lại trật tự văn hóa đô thị.
Với Ðà Nẵng lộ trình phát triển đã khẳng định rõ bằng nhiều công trình dân sinh, hệ thống cầu cống, điện, đường, trường, trạm, những con đường rộng mở, những khu đô thị sầm uất. Thành phố trẻ đang vươn tới tương lai là một Ðà Nẵng vững mạnh về mọi mặt, để xứng đáng là một thành phố hàng đầu về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền trung - Tây Nguyên và cả nước.
Theo Nhân Dân