 |
TS Nguyễn Hồng Hà. (Ảnh HY) |
Trong khi đó, virus H1N1 vẫn nhỏ hơn rất nhiều, với kích thước khoảng 80 – 100 nanomet.
Tuy nhiên, virus không bao giờ phát tán tự do một mình mà luôn đi kèm với các hạt xuất tiết của đường hô hấp (đờm, nước bọt…) mỗi khi chúng ta ho, khạc nhổ, hắt xì…
Vì thế, khi virus chẳng may bắn vào người đối diện đang đeo khẩu trang thì những hạt nước bọt, đờm sẽ giữ virus đọng lại ở bề ngoài của khẩu trang. Như vậy, vi-rút dù nhỏ cũng không thể lọt qua lỗ lọc của khẩu trang mà chui vào bên trong được.
Như vậy, virus đọng lại ở khẩu trang, khi gặp hơi thở của người đeo khẩu trang, liệu độ ẩm trong hơi thở có giúp virus sinh sôi và phát triển hơn không?
Virus chỉ có thể sinh sôi, nảy nở khi nó tồn tại trong một tế bào sống nào đó. Độ ẩm từ hơi thở của chúng ta có thể khiến virus sống lâu hơn.
Đó chính là lí do chúng tôi khuyến cáo người dân khi đi từ vùng dịch về (bệnh viện, nơi có người nhiễm cúm…) phải vứt bỏ khẩu trang đã sử dụng, tuyệt đối không được đút khẩu trang vào túi, không dùng khẩu trang lau mồ hôi…
Khẩu trang diệt khuẩn: Chưa có!
Đã đành là lỗ lọc của khẩu trang luôn lớn hơn kích thước virus nhưng liệu những khẩu trang chuyên dụng có được tẩm chất nào đó diệt khuẩn không, thưa ông?
Người ta chia khẩu trang ra làm hai loại: Khẩu trang cơ học và khẩu trang hoạt tính.
Khẩu trang cơ học là những khẩu trang vải bình thường, chủ yếu bảo vệ con người trong môi trường ô nhiễm.
Khẩu trang hoạt tính chỉ có khả năng hấp thu và giữ lại một số chất độc hại có trong không khí. Tuy nhiên, hiện tượng hấp thụ này có tính chọn lọc và có giới hạn, không phải phân tử nào cũng bị hút và khi đã bão hoà thì vật liệu hết tác dụng.
Các nhà cung cấp khẩu trang cứ khuếch đại lên chứ thực tế thì trên thị trường chưa có loại khẩu trang nào có tẩm chất diệt khuẩn (tiêu diệt virus).
 |
Cận cảnh khẩu trang nano bạc. (ảnh: Bee) |
Ngay cả khẩu trang hoạt tính than – loại khẩu trang đang là chủ đạo trong mùa cúm cũng không thể tiêu diệt virus ư?
Than hoạt tính là chất hấp thụ chất độc hại. Khẩu trang hoạt tính than chỉ có khả năng hút mùi, khử độc chứ cũng không có khả năng khử khuẩn.
Tuy nhiên, nếu nói khẩu trang hoạt tính than vô tác dụng với H1N1 thì không phải. Nó cũng như những loại khẩu trang y tế, có khả năng ngăn ngừa virus nhờ các lớp màng lọc.
Một vài năm gần đây, giới nghiên cứu khoa học đã phát minh ra khẩu trang nano titan và nano bạc – hai loại khẩu trang được quảng cáo là có khả năng diệt khuẩn?
Khẩu trang nano titan có lớp bông phủ vật liệu nano oxit titan, có tác dụng tiêu diệt virus. Tuy nhiên, nó chỉ diệt khuẩn khi có tia tử ngoại, mà ánh sáng môi trường làm việc bình thường thiếu hoặc không có thành phần tia tử ngoại.
Còn khẩu trang nano bạc, từ xưa đến nay, bạc vẫn được coi là chất khử trùng tự nhiên. Tuy nhiên, với tư cách là người điều trị cho bệnh nhân chứ không phải là người nghiên cứu khoa học, tôi không dám khẳng định khẩu trang nano bạc có khả năng tiệt khuẩn khi mà chưa có chứng nhận của Bộ Y tế.
Khẩu trang hoạt tính: tốn tiền, hiệu quả không hơn!
Vậy thưa ông, người dân nên sử dụng khẩu trang nào để phòng cúm A/H1N1?
Về nguyên tắc, những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh như bác sĩ, y tá... thì mới cần phải sử dụng khẩu trang đặc tính như N95 (ngăn ngừa đươc 95% virus).
Khi đi vào vùng dịch, người dân cũng buộc phải đeo khẩu trang y tế (bằng bông mỏng, còn gọi là khẩu trang phẫu thuật ngoại khoa) hay cẩn thận hơn thì dùng khẩu trang N-95.
Còn khi ở cộng đồng, người dân chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế. Sử dụng khẩu trang hoạt tính vừa tốn tiền mà hiệu quả cũng không hơn.
Cần lưu ý rằng, độ an toàn khi đeo khẩu trang còn phụ thuộc vào độ chụp có vừa và khít hay không.
Hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra rằng có nên hay không nên đeo khẩu trang toàn cộng đồng.
Thậm chí, khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao, đeo khẩu trang quá nhiều (chẳng hạn như ngồi làm việc tại công sở và đeo khẩu trang suốt 8 tiếng…) có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nhất là đối với những người bị mụn mặt hay nhiễm trùng ở mặt.
Tuy nhiên, những người thường xuyên giao dịch nhiều như soát vé ở sân bay, cửa khẩu, nhà ga… thì cần thiết phải đeo khẩu trang.
Người đứng đầu Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ông Lý Ngọc Kính cho hay, ông chưa hay biết hai loại khẩu trang nano titan và nano bạc.
Việc kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng khẩu trang là trách nhiệm của Vụ Trang thiết bị công trình Y tế. Nếu Cục nhận được kết quả kiểm nghiệm và chứng nhận rằng khẩu trang nano titan và nano bạc có khả năng diệt virus cúm thì sẽ ngay lập tức thông báo các cơ sở y tế và người dân về việc này.
Ông Kính nói thêm, hiện trên thị trường chỉ có hai loại khẩu trang có tác dụng hiệu quả phòng lây nhiễm cúm, đó là khẩu trang N95 và khẩu trang y tế. |
|
(Theo Vietnamnet.vn)