GS Nguyễn Minh Thuyết.
Thưa GS, GS đánh giá như thế nào về chủ trương một trương trình nhiều bộ SGK của Bộ GD&ĐT?
Từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề án này, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến phân vân về vấn đề một chương trình hay nhiều chương trình, một bộ sách hay nhiều bộ sách. Và nhiều sách như thế thì việc quản lý và lựa chọn phải giải quyết như thế nào.
Tuy nhiên những băn khoăn ấy chỉ chiếm số ít. Phần lớn là những ý kiến tán thành. Cá nhân tôi cũng tán thành bởi cần phải có một chương trình để thống nhất mức độ đào tạo, trình độ giáo dục trong toàn quốc. Chương trình ấy phải linh hoạt. Khi các nhóm tác giả viết sách sẽ thi đua với nhau và chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt.
Theo GS, ai là người đóng vai trò chính trong việc biên soạn những bộ sách ấy?
Tôi cho là khi đã có một chương trình khung hoàn chỉnh thì nên để cho các tổ chức cá nhân biên soạn. Nhưng tốt nhất đầu mối nên là các nhà xuất bản. Bởi theo Luật Xuất bản của Việt Nam, chỉ có nhà xuất bản mới có quyền in và xuất bản sách. Tốt nhất các nhà xuất bản nên đứng ra để tổ chức các nhóm tác giả viết sách.
Vậy vấn đề quản lý và thẩm định những bộ sách đó thì sao, thưa GS?
Sau khi đã có các bộ SGK rồi thì Bộ GD&ĐT phải tổ chức các hội đồng thẩm định thật chu đáo. Nhưng trước khi thẩm định cần có thời gian thực nghiệm bởi những bộ SGK hiện hành đã được thử nghiệm nhiều ở hàng trăm trường với hàng triệu giáo viên và học sinh vậy mà vẫn bị chê.
Nếu có nhiều bộ SGK được đưa vào sử dụng và chưa qua thử nghiệm thì tôi cho rằng khó có thể tin tưởng vào chất lượng của nó. Và sau khi thử nghiệm xong vẫn cần có những hội đồng chuyên môn thẩm định để đánh giá chất lượng. Tôi nghĩ đó là biện pháp quản lý hiệu quả.
Ai là người có quyền lựa chọn sử dụng SGK, thưa GS?
Tôi thấy đề án của Bộ đúng ở chỗ là giao cho trường học lựa chọn sách bởi vì nhà trường và giáo viên sẽ sâu sát học sinh, hiểu rõ trình độ đặc điểm học sinh của mình nhất. Họ sẽ biết những SGK nào phù hợp với học sinh của mình. Còn “trường” ở đây là ai, tôi nghĩ nếu giao cho ông Hiệu trưởng hay một bà Hiệu phó nào đó thì sẽ giống như câu chuyện giao cho các Sở Giáo dục quyết định mà thôi.
Bởi nếu chỉ 1 người có quyền lựa chọn thì không tránh khỏi tính chất chủ quan. Có những trường hợp do Nhà xuất bản tiếp thị quá nhiệt tình nên sự lựa chọn ấy thiếu khách quan đi. Hoặc trường hợp thay đổi lãnh đạo cũng có thể khiến nhà trường thay đổi bộ SGK đã lựa chọn. Theo tôi, tốt nhất nên dựa vào ý kiến thảo luận và quyết định của các tổ chuyên môn.
Tôi thấy các nước phát triện hiện đang làm theo cách giáo viên sẽ không dựa hẳn vào bất cứ một bộ SGK nào để “thiết kế” chương trình giảng dạy mà dựa vào nhu cầu, năng lực của học sinh, từ đó tự tạo ra cho mình một chương trình phù hợp và hiệu quả nhất. Để làm được như vậy cần có một chương trình giáo dục cụ thể, đội ngũ giáo viên giỏi, nhà trường cũng cần có tiềm lực kinh tế. Nhưng hiện nay chúng ta chưa thể làm được điều đó.
Theo đề án, mỗi trường chọn 1 bộ sách thì thực chất vẫn là một chương trình một bộ SGK, như vậy vẫn chưa thể phát huy được lợi thế của đề án này.
Thùy Linh (ghi)
(Theo baohaiquan.vn)