7 điều thú vị ở Việt Nam khiến khách nước ngoài 'há hốc mồm'
1. Xe máy đâu ra mà lắm thế?
Vừa mới đặt chân lên dải đất hình chữ S, không ít du khách phải “mắt tròn mắt dẹt” khi chứng kiến một lương xe máy khủng khiếp đang lưu thông trên đường.
Theo số liệu thống kê được thì số lượng xe máy ở Việt Nam chiếm đến hơn 1/3 dân số cả nước với 37 triệu chiếc xe mô tô trong tổng số 90 triệu người. Một con số thật khổng lồ! Bạn biết tại sao không?
Đơn giản là bởi vì người Việt Nam thích sự tự do, thoải mái, thích gần gũi với thiên nhiên hơn thay vì tự nhốt mình trong những “chiếc hộp” đấy. Cũng nhờ những chiếc xe máy mà con người Việt Nam gần gũi nhau hơn.
Đã bao giờ bạn đuổi theo một người lạ mặt để nhắc họ gạt chân chống lên chưa? Hay bạn đã từng tranh thủ lúc đèn đỏ để hỏi đường những người tốt bụng xung quanh chưa? Thử tưởng tượng xem nếu một ngày bạn tỉnh dậy và nhận ra trước mặt mình là những con đường nối dài ô tô, thật xa lạ phải không?
2. Việt Nam, nhìn đâu cũng ra tiền!
Có người cho rằng người Việt Nam thực dụng, mọi thứ đều có thể quy ra tiền, nhìn đâu cũng thấy tiền. Không ít du khách phải ngạc nhiên khi thấy vỉa hè cũng có thể là nơi kinh doanh buôn bán, công viên cũng có thể trở thành quán cà phê.
Ừ thì vậy nhưng không phải người Việt Nam rất thông minh và nhạy bén hay sao? Chính nhờ sự nhanh nhạy này mà Việt Nam đã tự tạo cho mình những nét đặc trưng vô cùng riêng biệt. Thử tìm trên bản đồ Thế Giới xem còn có quán cà phê nào to hơn “quán” cà phê Bệt ở Việt Nam không?
3. “Hế lô” ông Tây!
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết du khách sau khi đặt chân đến Việt Nam đều có chung một cảm nghĩ “người Việt Nam thật thân thiện, mến khách”.
Không phải lúc nào cũng “Hello, Madam”, “Good morning, Sir” như những quốc gia khác, người Việt Nam có cách đón tiếp bạn bè thế giới vô cùng đặc biệt và hài hước. Sẽ không khó để bạn bắt gặp cảnh một người bán hàng rong với gương mặt rạng rỡ vẫy tay chào một vị khách nước ngoài “Hế lô ông Tây!”
4. Văn hóa "bầy đàn"
Chẳng có nơi nào ngoài Việt Nam mà con người lại sống theo “văn hóa bầy đàn” mạnh mẽ như vậy! Chỉ cần có một vài người đang đứng tụm lại bên đường bàn tán cái gì đó thì vài phút sau chỗ đó bị kẹt đường ngay.
Hay hàng ngàn người hùa theo số đông click chuột ủng hộ các trang kiểu như “10k like để XYZ sống lại” mà không cần biết ý nghĩa của nó. Tuy vậy, bên cạnh những biểu hiện xấu này, đặc tính “bầy đàn”, hùa theo số đông lại giúp người Việt Nam tạo nên những làn sóng dư luận lớn khi cần.
5. Ăn uống ồn ào quá vậy?
Trái ngược với không gian yên tĩnh, sang trọng ở những quán ăn phổ biến ở nước ngoài; đa số các cửa hàng ăn, quá nhậu ở Việt Nam lại là nơi ồn ào, mất trật tự nhất. Đâu đâu trên đất nước Việt Nam du khách đều có thể bắt gặp âm thanh “1..2..3…dô” phát ra từ những quán nhậu trong nhà hay cả quán vỉa hè.
Có thể ồn ào, lộn xộn, bát nháo nhưng dường như đây đã trở thành nơi chứa đựng cuộc sống sôi động nhất mang trong mình nét văn hóa ăn uống đặc trưng của Việt Nam!
6. Khả năng uống bia của người Việt
Không ít du khách sẽ phải trợn tròn mắt khi chứng kiến đàn ông Việt Nam uống bia. Điều đó không có gì lạ khi Việt Nam luôn nằm trong top những nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới.
Có một điều đặc biệt là người Việt Nam có thể uống bia mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Vui cũng uống, buồn lại càng uống, đám cưới uống, đám giỗ cũng uống, gặp bạn bè uống mà gặp đối tác lại càng uống.
Và đặc biệt hơn nữa là họ phải uống đến khi nào không thể đứng dậy nữa mới thôi. Dường như bia đã trở thành một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam. Trong một số trường hợp sẽ thật khó để ký kết nên một bản hợp đồng nếu thiếu đi không khí thân mật, thoải mái với những lon bia trên bàn phải không nào?
7. Lịch sử Việt Nam
Thật đáng ngạc nhiên khi phần lớn học sinh Việt Nam tỏ ra vô cùng túng túng khi được hỏi về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhưng cũng chẳng thể phủ nhận vẫn có rất nhiều bạn trẻ đam mê lịch sử nước nhà và còn ham học hỏi, tìm hiểu lịch sử, văn hóa các nước bạn như ở Việt Nam.
Ở đâu cũng vậy, có cái tốt thì cũng phải có điều xấu, và không phải chỉ có những cái tốt mới làm nên nét đặc trưng của một vùng đất. Điều cần thiết hơn cả là chúng ta làm sao đừng để những ấn tượng xấu làm mờ đi mất những giá trị văn hóa đặc sắc của đất nươc mình. Dù sao đi nữa, Việt Nam vẫn thật đặc biệt theo cách rất riêng.
Lê Viên (Báo Đất Việt)
(thebox.vn)