Bìa cuốn "Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa" của nhà văn Lê Bầu.
Kết thúc những trang hồi ký về "Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa" của Lê Bầu là một câu chuyện hết sức cảm động: Buổi sáng hôm đi thi lấy mảnh bằng "Sơ học yếu lược", vừa bước ra cửa, cậu bé Bầu đã thấy một người đang chờ mình. Người ấy chính là bác Cấn, bạn cu ly kéo xe bò của bố cậu.
Bác Cấn "cúi xuống vén áo, móc trong chiếc ví bằng da sống, đeo bằng một sợi dây thừng ở thắt lưng, nằm bên trong vạt áo, móc ra một đồng hào bạc, đưa cho tôi và nói
- Đây, bác cho một hào để đi thi.
Bác đặt đồng hào vào giữa lòng tay tôi, nắm nó lại, nói:
- Cố gắng thi cho đỗ con nhé.
Rồi bác, một người hay quát mắng đe nẹt tôi nhất, nói bằng giọng rưng rưng, đẫm nước mắt:
- Thất học khổ lắm con ạ.
Nói xong, bác lùi lũi đi xuống phía cuối chợ Nứa.
Thất học khổ lắm… Thất học phải đi làm cu ly như bác Cấn, như bố Bầu. Phải đi bán kem như vợ chồng chú "Bính kem". Phải làm "cu ly bát-tê" (cửu vạn) như Tý Bủng. Đến như ông Ân, bề ngoài có vẻ bảnh bao chải chuốt, nhưng thực ra cũng chỉ là anh cu ly kéo xe nhà… Thất học góp phần tha hóa con người nhanh hơn cả. Vì thất học, chị em Bính lớn Bính con hết trộm cắp lại xoay sang lừa đảo. Cũng lừa đảo, nhưng mánh khóe làm hàng gian, hàng giả của vợ chồng Cả Mốc tinh vi hơn, có thể sánh ngang với dân lừa đảo thời bây giờ. Thất học nên có cảnh "chồng theo", "vợ nhặt", không cần cưới xin. Thất học phải chạy ăn từng bữa. Ngày hai bữa "cơm tấm Sè Gòn", với những thứ thức ăn thiu thối mua lại từ những sạp hàng ế ở "chợ đuổi" đã là "sự no đủ lớn lao, mát mặt rồi". Thất học cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết thê thảm của vợ Tý Bủng…
Cả một lớp người dưới đáy của Hà Nội xưa, trôi dạt từ muôn phương và quần tụ lại với nhau ngoài bãi Phúc Xá, thành "dân dưới bãi". Lớp người ấy, già có, trẻ có, lần lượt hiện ra qua từng trang hồi ức của Lê Bầu, lam lũ, cơ hàn đến cùng cực, nhưng cũng khao khát sống và đầy sức sống. Một đời sống có phần bất chấp và tự nhiên như cỏ dại. Những người lớn quen đầu tắt mặt tối lo từng miếng ăn, manh áo. Những đứa trẻ lớn lên, chơi đùa vô tư bên nhau. Trốn tìm, nhảy cừu, đánh khăng, đánh đáo. Đồ chơi của con nhà nghèo nhiều khi chỉ là một đoạn phim hỏng, những nắp chai bia bỏ đi, những quả pháo đất… Nhưng không thể nói tiếng cười của chúng kém vui hơn tiếng cười của những đứa trẻ ở bất cứ nơi nào khác. Và ngay cả với những người lớn, ẩn sâu bên trong những trái tim tưởng như đã hóa đá vì bần cùng kia, vẫn le lói những đốm lửa ấm áp của lương tâm, của tình người. Như Tý Bủng cầm roi dạy vợ vẫn không quên đào hố cho vợ úp cái bụng chửa xuống hố, "đánh vợ" mà không "đánh con". Như bà cụ Cau bán nước với món quà thơm thảo là những chiếc kẹo vừng kẹo bột. Hay như bác Cấn với đồng hào chắt chiu dành dụm cho đứa con người bạn ngày đi thi…
Lê Bầu kể chuyện chân thành và giản dị. Có cảm giác như ông nhớ gì kể nấy, dòng hồi ức của ông tuôn chảy từ chuyện này qua chuyện khác mà không hề bị ngắt quãng, đứt đoạn. Ông không bỏ phí bất cứ một chi tiết nào, dù là nhỏ, trong đời sống sinh hoạt thường ngày của những nhân vật xung quanh ông. Khi cần thiết, ông có thể miêu tả kỹ càng một trò chơi của lũ trẻ, một cuốc xe tay của người phu xe Hà Nội xưa, hay những món ăn đạm bạc của những người nghèo kiếm được từ những phiên chợ đuổi… Có phải vì thế không, mà với hơn trăm trang sách chỉ "ôn nghèo kể khổ", "Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa" vẫn không hề làm cho người đọc nản lòng. Mỗi trang sách của Lê Bầu như phập phồng hơi thở của đời sống.
Có thể có đôi chút ngậm ngùi, nhưng được soi vào quá khứ để thấy mình rõ hơn ngày hôm nay, bao giờ cũng đem lại nhiều thú vị, và dường như là nhu cầu của tất cả mọi người.
Trần Đức Tiến
(Theo vnca.cand.com.vn)