Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 14/11/2014 09:43
Tượng đài người lính trong trường ca đương đại

Trước năm 1975, thể loại trường ca của chúng ta là sử thi gần như nguyên chất, nguyên khối. Sau năm 1975, chất sử thi có vơi nhạt đi chút ít để thay vào đó chất đời tư. Đến trường ca hôm nay, vang cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng của bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc mà trước đó không có. Phải có đủ một độ lùi thời gian nhất định, trường ca mới có thể nói đến những hy sinh mất mát mà dân tộc ta phải đánh đổi để giành độc lập tự do, trong chiến tranh người trực tiếp đón nhận những điều không mong muốn ấy trước hết là những người lính.

 

Đặt vấn đề như vậy để nói đến hình tượng trung tâm của trường ca đương đại: Người lính. Nếu hình tượng văn học này trước đây miêu tả còn đơn giản thì nay được cải tạo, đổi mới cấu trúc bên trong để tạo ra sự phức tạp và đa chiều hơn nhiều. Người lính trong trường ca thời chống Mỹ hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng, nay được miêu tả với bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhân vật hiện ra sống động, thật hơn. Một hình ảnh người lính hành quân mệt mỏi rã rời trong "Ngày đang mở sáng" của Trần Anh Thái: “Chân trời/ Vực thẳm/ Ba lô sập mắt/ Gió lặng hành quân”. Những ai đã từng là lính thời đánh Mỹ sẽ gặp lại kỷ niệm qua “ba lô sập mắt”. Anh bộ đội thời nay sẽ không có nhiều kỷ niệm này: Bộ đội đi hàng dọc qua đèo cao vực thẳm, mồ hôi túa ra, nhìn về phía trước chỉ thấy ba lô người đi trước sập vào mắt mình. Hay một số chi tiết đến độ ám ảnh: “Hành quân/ Mắt người hấp hối/ Cơm sắn, canh rừng/ Sống chết dửng dưng”. Phải là một người trong cuộc từng trải nghiệm và từng chứng kiến những “mắt người hấp hối” vì đói khát, vì chiến đấu triền miên, có khi cả tuần không được chợp mắt đến nỗi mi mắt bị căng cứng, mới có cách dùng từ “đắt” như thế.
 
 
Trường ca Trường Sơn (Nguyễn Anh Nông) tái hiện bước hành quân khó nhọc của người lính qua câu thơ hai chữ nhiều thanh sắc với âm vực cao: “Gió thốc/ Nắng xém/ Tóc cứng/ Miệng khát/ Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói…”. Và cái chết, có cách nói đến gai người, táo bạo nhưng có cơ sở: “Nếu nấm mộ nối hàng thay cây cột số/ Đường Trường Sơn sẽ dài gấp bao lần” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu)…
 
Trường ca hôm nay có xu hướng khái quát tìm ra, chỉ ra những cái được, mất của lịch sử thông qua số phận con người, số phận nhân dân. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn. Đời sống nội tâm của người lính với bao điều thầm kín riêng tư được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường. Đó là những gian khổ trong chiến tranh, những hy sinh, mất mát mà hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của người lính hướng về người thân nơi quê nhà. Đó là nỗi khát khao mãnh liệt tình yêu, hạnh phúc của người lính trẻ. Nhà thơ quan tâm đến số phận cá nhân và dường như thấu hiểu cả tâm tư, tình cảm, khát vọng của họ một cách chân thực nhất.
 
Hình tượng ấy lại được đặt vào thời hiện tại để bạn đọc chứng kiến cái bi kịch mà người lính phải đối diện: “Mồ côi mẹ thuở rừng sâu/ Khói bom nghi ngút trắng màu khăn tang/ Bước chân về tận đầu làng/ Vợ mình đã hoá vợ chàng đẩu đâu…” (Nhật ký dòng sông - Nguyễn Trọng Bính). Chỉ vì chiến tranh mà người lính phải đón nhận bao cái mất: Mất tuổi trẻ, mất mẹ, mất vợ… Anh giải quyết cái bi kịch ấy bằng lòng vị tha đáng quý trọng, xin nhận nỗi đau chung để vợ hạnh phúc với chồng mới… Và đó chỉ là một dạng nỗi đau hậu chiến. Còn một bi kịch đắng xót khác: “Người lính đi qua vùng bom hoá học/ Khói chiến tranh đen/ thấm vào máu anh hồng/ Con anh/ đứa chết tuổi lên ba/ đứa mang thương tật …” (Mở bàn tay gặp núi). Tưởng rằng tránh được cái chết trên chiến trường, nhưng chiến tranh lại nhẫn tâm muốn giết chết anh trong thời bình, chết trong bi kịch bố mang mầm bệnh, con tàn tật, cả hai cứ chết dần, chết trong nỗi đau thân xác và giằng xé tinh thần. Bi kịch ấy cứ như muốn thét lên: Hỡi nhân loại tiến bộ, hãy cảnh giác! Còn chiến tranh là sẽ còn những đau khổ như thế này!!!
 
Như vậy, có một sự đa dạng hoá trong cấu trúc hình tượng người lính, không chỉ nơi chiến trường mà có cả nơi hậu phương, cả trong và sau trận chiến. Ở không gian nào thì người lính cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn, ngoài chiến trường thì là sự sống chết. Ra khỏi chiến tranh thì đối mặt với cuộc sống bầm dập đời thường. Đó là những bi kịch tất yếu. Âm hưởng bi ca hòa vào âm hưởng tráng ca tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình, vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang...
 
Với đặc điểm dung lượng lớn, dài về câu chữ, phong phú về chi tiết, sự kiện nên trường ca phải luôn tìm tòi tới những điểm tựa. Nếu điểm tựa trữ tình là một câu chuyện, người viết sẽ men theo sườn cốt truyện để thể hiện ý tưởng. Đó có thể là câu chuyện về lịch sử của một vùng đất (Hà Nội của tôi - Vương Trọng, Dòng sông di sản - Lê Anh Dũng…), lịch sử của dân tộc (Đường tới mùa xuân - Lưu Xuân Tự…), có khi chỉ là câu chuyện của một người - người tù cộng sản (Tự khúc ánh sáng - Lê Thị Mây)… Nguyên tắc lấy lịch sử làm nền để xây tòa tháp trường ca này không mới, dễ biến trường ca thành diễn ca lịch sử nếu tác giả không phải là người thợ tài hoa. Các nhà thơ rất ý thức được điều này nên ngoài cảm hứng về lịch sử đã chú ý khai thác các yếu tố văn hóa, hòa trộn chất liệu văn hóa với ý nghĩa lịch sử, tạo ra một điểm tựa kép nâng đỡ thi phẩm. Đấy cũng là hai nguồn cảm hứng để tạo ra hai âm hưởng chủ đạo là âm hưởng tráng ca của lịch sử hào hùng và âm hưởng trữ tình văn hóa dân gian sâu lắng da diết, bổ sung cho nhau, tương hỗ nhau làm nên một giọng điệu riêng. Đọc Đất sóng (Vũ Đức Tân), bạn đọc thấy rõ hơn trong chiến thắng oanh liệt của hiện tại có sự tiếp sức của văn hoá lịch sử trong quá khứ. Trường ca Chiến tranh-chín khúc tưởng niệm cắt nghĩa chúng ta thắng giặc bởi xứ sở này là vùng đất sản sinh ra những người mẹ, người cha anh hùng...
 
Bàn về nghệ thuật của trường ca, không thể không nhắc đến các biểu tượng. Có cả một thế giới biểu tượng: Trường Sơn, Hà Nội, ngôi nhà, dòng sông, biển, cánh đồng, bầu trời, rừng cây, mặt trời, con đường... Những biểu tượng như thế luôn được dồn nén nhiều lượng thông tin thẩm mỹ, nhờ vậy mà câu thơ trở nên đa nghĩa, hấp dẫn mời gọi bạn đọc cùng khám phá, cùng sáng tạo. Một ngôi nhà khi trở thành biểu tượng thì không còn là một ngôi nhà vật lý thông thường mà đã được ký thác vào đó lung linh bao sắc thái tình cảm mới: “Ngôi nhà của mẹ/ Mái lợp tình thương/ Và lòng kính phục của đời/ Đất nền nhà từ ngàn xưa tổ tiên khai phá/…” (Ngôi nhà của mẹ - Hoài Quang Phương).
 
Thế giới trường ca hôm nay thật đa dạng, phong phú về cách biểu hiện. Có tác phẩm viết theo thể lục bát truyền thống (như Hành quân Trường Sơn của Nguyễn Minh Giang, dài 67 trang); có tác giả xen thể tự do với lục bát và thơ Đường luật; có người lại ưa thích thơ-văn xuôi, nhưng phần lớn dùng thể thơ tự do vì nó thích hợp với miêu tả, với sự chuyển tải cảm xúc, tâm trạng một cách phóng túng nhất. Có lẽ đặc điểm này tạo điều kiện cho một hệ quả: Trường ca đang cố gắng thay thế dần diễn ngôn sử thi bằng diễn ngôn đời thường, để đưa chất đời tư vào tác phẩm. Dĩ nhiên sử thi vẫn phải là một phẩm chất chủ đạo. Đây là sự đổi mới tích cực, hợp quy luật, vì theo lẽ thông thường càng xa chiến tranh thì “khoảng cách sử thi” càng rút ngắn, cuộc sống hằng ngày hiển hiện trước mặt. Biểu hiện của diễn ngôn đời thường là những câu hỏi, những lời cật vấn, những tâm trạng day dứt, băn khoăn… về cá nhân, về thân phận con người. Cật vấn trăn trở là một phương diện của trí tuệ, nhờ thế mà gia tăng cho trường ca một sắc thái triết lý, nếu đạt tới độ sắc sảo, nó như cứa vào lòng người, như: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi cho Tổ quốc?” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Giọng cật vấn hoài nghi được biểu hiện ra bên ngoài cú pháp là các dấu hỏi, rất nhiều câu hỏi: “Hòa bình bị phản bội/ Rồi sao?/ Lời hứa hẹn ngọt ngào chỉ là giả dối/ Hay sao?..." (Hà Nội của tôi - Vương Trọng).
 
Một đặc trưng ngôn từ trong bản chất cấu trúc trường ca là tính đối thoại. Đối thoại luôn tạo ra âm hưởng, nhiều bè giọng, nhiều sắc thái làm cơ sở góp phần cho trường ca đương đại trở thành một bản hòa xướng không chỉ có anh hùng ca, tụng ca, tình ca, hoan ca mà có cả bi ca. Đây là một trong những đổi mới cơ bản theo tinh thần dân chủ hóa rất đáng trân trọng.
 
Hai cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc ta đã góp phần khẳng định một giá trị văn hóa vĩnh hằng trong lịch sử tư tưởng nhân loại: Lòng yêu nước của những con người chính nghĩa sẽ làm nên sức mạnh thời đại. Trường ca sử thi hôm nay khẳng định giá trị đó bằng cách điêu khắc một tượng đài người lính kỳ vĩ, hoành tráng nhưng cũng đậm chất đời thường bằng một hệ hình ngôn ngữ mới.
 
 

 
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
 
(Theo qdnd.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)