Dấu ấn 35 năm Nhà xuất bản Hà Nội
Nhà xuất bản Hà Nội tiền thân là Phòng xuất bản thuộc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội, rồi Nhà xuất bản Thăng Long. Ngày 24/11/1979, Thường vụ Thành uỷ ra Nghị quyết số 1643 chuyển Nhà xuất bản Hà Nội thuộc Sở văn hoá Thông tin thành Nhà xuất bản Hà Nội do Thành uỷ trực tiếp lãnh đạo dưới sự quản lý thống nhất của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Kể từ đó, ngày 24/11 hàng năm chính thức được chọn làm ngày thành lập Nhà xuất bản Hà Nội. Ba mươi nhăm năm qua, trải qua những thăng trầm của đất nước và Thủ đô với những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố, cùng sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực của cán bộ công nhân viên, Nhà xuất bản Hà Nội đã vững vàng đi lên và đạt được những thành quả đáng tự hào.
Những năm đầu mới thành lập, Nhà xuất bản chỉ có nguồn vốn ít ỏi là 118.000 đồng và 15 tấn giấy địa phương, 3 tấn giấy Trung ương được cấp theo kế hoạch hàng năm, cùng với ngôi nhà 2 tầng op ẹp…. Cơ sở vật chất ban đầu tuy ít ỏi song đó cũng là nguồn động viên lớn cho toàn thể cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản trong thời kỳ khó khăn chung của cả nước. “Vạn sự khởi đầu nan”… Nhưng bằng sự linh hoạt, nhạy bén của Ban lãnh đạo cùng sự nhiệt tình công tác, lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ, công nhân viên đầu tiên đã đưa Nhà xuất bản vượt qua thời kỳ trứng nước, để trụ vững và khẳng định vị thế của Nhà xuất bản của Thủ đô. Nhà xuất bản Hà Nội khi đó là nơi tụ hội của nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khoa học của Thủ đô như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Trần Quốc Vượng, Hoàng Đạo Thuý, Vũ Tuấn Sán, Nguyễn Vinh Phúc…, đồng thời là nơi phát hiện và nâng đỡ các cây bút trẻ như: Nguyễn Thị Ngọc Tú, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ… Cũng chính nơi đây, những đứa con tinh thần” của nền văn hoá và tri thức Thủ đô đã được chắp cánh bay xa đến với độc giả Thủ đô và cả nước như: Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX; Người và cảnh Hà Nội, Chuyện cũ Hà Nội Hà Nội nghìn xưa, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Hà Nội - 60 ngày đêm khói lửa, Sống mãi với Thủ đô, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi… Cứ như thế, từng bước, từng bước, Nhà xuất bản đã vượt qua những khó khăn thời kỳ bao cấp, hoà nhập vào nền kinh tế thị trường với vô vàn thách thức để đi lên trong xu thế mới và vận hội mới của Thủ đô và đất nước. Sau những bỡ ngỡ và vấp váp khi bước vào cơ chế mới, lãnh đạo Nhà xuất bản đã đề ra phương hướng mới để tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng sách về mọi mặt, đặt chất lượng sách lên hàng đầu và coi đây là yếu tố để tạo dựng uy tín của Nhà xuất bản trên thị trường sách. Cùng với việc xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố, Nhà xuất bản đã chủ động xây dựng cơ cấu đề tài, xây dựng các dự án, đề án xuất bản sách phục vụ nhu cầu văn hoá, tư tưởng của Thủ đô như: Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Bộ giáo trình dành cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề của Thành phố; Bộ sách giáo khoa chương trình địa phương dành cho các cấp học bao gồm: Lịch sử Hà Nội, Một số chuyên đề về lịch sử văn hoá Thăng Long – Hà Nội, Bộ tài liệu chuyên đề giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội. Những đề án này đã được lãnh đạo Thành phố và các sở ban ngành của Thành phố quan tâm, ủng hộ. Sau khi xuất bản các ấn phẩm đã được đông đảo độc giả Thủ đô và cả nước hoan nghênh, đón nhận. Nhiều ấn phẩm đạt giải Sách hay, Sách đẹp như Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, Địa chí Cổ Loa, Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội, Kinh tế - xã hội, đô thị Thăng Long – Hà Nội… Đây là những kết quả đáng tự hào của Nhà xuất bản Hà Nội trong những nỗ lực vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế và thương hiệu trong ngành xuất bản. Đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và phát triển những giá trị lịch sử, văn hoá của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Hôm nay đây, khi ngày lễ trọng của Nhà xuất bản đang đến gần, không khí lao động hăng say, tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi kế hoạch, chỉ tiêu càng khẩn trương và rộn ràng hơn trong cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản. Tất cả đã và đang chung tay góp sức xây dựng Nhà xuất bản Hà Nội ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với thương hiệu là nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô.
Minh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội