Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 20/11/2014 10:54
35 NĂM NHÌN LẠI: CAO QUÝ NGHỀ XUẤT BẢN

Mỗi người sinh ra đều có một số phận và số phận ấy ít nhiều gắn với một nghề mà cuộc đời đeo đuổi. Hãy bằng lòng với câu phương ngôn: “Trót mang cái nghiệp vào thân/Thôi thì đừng trách trời gần, trời xa”.

 

Số phận xui khiến tôi đến với nghề xuất bản lúc nào tôi cũng không hay. Thời khó khăn học xong xin được việc làm, có tem phiếu và sổ gạo là may hơn nhiều người rồi. Tôi được nhận vào làm việc tại Công ty Phát hành sách, là nhân viên kho sách, hàng ngày phải xuất nhập nhiều tên sách, lao động vất vả nhưng được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học cổ điển, sách dịch từ các tác giả nổi tiếng cũng vơi đi nỗi nhọc nhằn thân xác. Tôi được đọc nhiều sách hay miễn phí, thời đó không phải ai cũng có sách mà đọc. Có tiền mua sách đã là cả vấn đề, có tiền rồi làm sao mua được sách hay còn nan giải hơn nữa. Thế mới thấy cái thời bao cấp giá trị con người cụ thể phụ thuộc vào cái nghề người đó làm như bán sách, bán thực phẩm, bán bách hóa… chứ giá trị một con người chưa chắc hình thành từ nhân cách cần có...


Sách của Nhà xuất bản đoạt giải thưởng Sách Việt Nam năm 2013. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Đến bây giờ, khi đã trải nghiệm với thời gian và nhiều công việc khác nhau, tôi vẫn thấy thời gian làm việc tại Công ty Phát hành sách là “mối tình đầu” đẹp làm sao với biết bao kỷ niệm. Sách đã cho tôi rất nhiều kiến thức, tôi luôn nghĩ mình được như ngày nay chính là nhờ những cuốn sách đã đọc. Từ lúc nào, tri thức, trí tuệ của bao bậc tài danh đã thấm vào tâm hồn tôi như một món ăn cần thiết cho sự sống của cơ thể vậy. Qua năm tháng, tôi yêu, trân trọng các cuốn sách, nó đã cho tôi vốn sống, tình yêu thương, sự căm giận, vị tha lẫn lòng tự hào.

Đã nói đến số phận e rằng phải nói nhiều về mình, nhưng sao trong tôi cứ trào dâng một ý nguyện phải nói thật nhiều về những gương mặt đã đi qua cuộc đời mình, về những nhân vật trong các tác phẩm mình đã đọc. Nhưng tôi chưa làm được. Thú thực khi làm việc tại báo Hànộimới tôi đã ấp ủ cho ra đời một cuốn sách, chỉ một cuốn sách thôi, tổng kết lại những gì tôi đã gặp, tôi đã nếm trải… mà mãi không xong, khó thật. Chỉ mong muốn đơn giản viết lại những gì đã chứng kiến, nhìn tận mắt mà sao không viết nổi. Có như thế mới thấy làm nhà văn, nhà thơ… đâu dễ. Những người sáng tác văn chương, chữ nghĩa, những người viết nên những tác phẩm về muôn mặt của cuộc sống và cả những người nâng đỡ, làm ra các ấn phẩm… cần phải được xã hội tôn vinh, trân trọng thì xã hội mới tiến bộ và văn minh được.

Như trên đã nói, số phận đưa đẩy tôi đến với nghề xuất bản ngoài ý muốn. Tôi đang làm việc yên ổn ở báo Hànộimới thì được Ban Tổ chức Thành ủy gặp thăm dò tâm tư nguyện vọng để chuẩn bị cho đợt luân chuyển cán bộ của Thành phố. Đảng ta thành công trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực tổ chức cán bộ phải nói là “tài tình” nghệ thuật, không muốn vẫn phải muốn, cần gì biết tâm tư? Mình là đảng viên, tổ chức phân công thì thực hiện thôi. Cuộc đời là vậy, chỉ có lực lượng siêu nhiên, vô hình nào đó tác động làm biến đổi tính toán của các nhà khoa học tổ chức, thì giá trị đích thực của mỗi người mới thấy rõ được.

Nhiều người biết tôi, quan tâm đến tôi qua ánh mắt, nụ cười muốn chia sẻ với tôi. Tôi hiểu và luôn thầm cảm ơn, nhưng thực lòng tôi không quá bận tâm về việc phải luân chuyển công tác. Đối với tôi đi “làm công ăn lương” ở đâu cũng vậy thôi, điều tôi trăn trở đó là nghề xuất bản hoàn toàn mới lạ mà tôi đã gần 60 tuổi. Nếu tôi cũng hiểu như một số cán bộ tầm cỡ rằng nhà xuất bản cũng giống như nhà in thì chắc cũng nhẹ lòng.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm gian trưng bày
của Nhà xuất bản Hà Nội tại Hội sách năm 2014.
Ảnh: Huỳnh Mai

Tôi cám ơn lãnh đạo thành phố đã cho tôi biết thêm một nghề trong cuộc đời, cho tôi hiểu, biết thêm giá trị của nhiều công sức làm ra một cuốn sách hữu ích đối với cuộc sống. Tôi tự vấn mình, đầy tự tin, không biết thì phải học và tôi đã học nghề một cách cần cù, chịu khó và nghiêm túc. Bạn bè gặp lại vui đùa có người nói: “Đúng là đảng viên làm gì cũng được”. Cũng nhờ công việc tôi có điều kiện đọc thêm sách thánh hiền để hiểu thêm về mình và người đời đầy thứ, loại. Có chuyển về Nhà xuất bản Hà Nội tôi mới hiểu được công việc của những người làm việc nơi đây. Thực lòng khi mới về tôi thấy ở đây không khí làm việc nghiêm trang trên mức cần thiết, ít thấy có tiếng cười rộn ràng trong trẻo, mọi người như sợ sệt, né tránh một điều gì đó mà mãi sau này tôi mới hiểu.

May mắn thay giữa trụ sở cơ quan có cây đa nhiều tuổi tỏa bóng mát làm dịu đi nhiều cơn nóng bức, tức tưởi của nhiều người… Càng làm việc tôi càng thấy cần chia sẻ với sự ngột ngạt, tất bật, đăm chiêu của mọi người trong cơ quan. Quy chế khoán đến sản phẩm cuối cùng ở đây gần giống khoán 10 cho nông dân cũng phần nào tạo ra phong cách làm việc mới của Nhà xuất bản, làm nhẹ gánh lo cho lãnh đạo về cơm áo gạo tiền của CBCNV, để còn lo việc to tát khác, đó cũng là một giai đoạn để mọi người nhớ về nghề xuất bản Thủ đô lúc thời tuổi 30 trẻ trung, mạnh mẽ... Có vào nghề, tâm huyết, gắn bó với công việc mới thấy được khó khăn của nghề. Theo ước đoán, ngành nghề này còn gặp vô vàn khó khăn bởi nhiều yếu tố trong đó quan trọng là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo với một ngành không làm lợi lớn về kinh tế cho “cá nhân, tập thể” như các ngành khác. Nghề nuôi dưỡng con chữ thật là đáng thương cảm!

Một điều nữa đáng nói ở đây là từ lý thuyết đến thực tế và trở thành nhận thức về sự phát triển của ngành xuất bản để đáp ứng được đòi hỏi của công việc xây dựng xã hội văn hóa con người văn hóa, giữ gìn truyền thống lịch sử dân tộc đang bị lợi dụng, giáo điều xa rời thực tiễn cuộc sống.

Chỉ thị 42-CT/BBT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ xuất bản là một ngành hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng chính trị của Đảng - xây dựng văn hóa dân tộc… Có thể nói Đảng ta coi ngành xuất bản là rất quan trọng, nhưng tại sao để cho ngành này yếu kém, bê bối thế? Lỗi do đâu? Ai chịu trách nhiệm về việc này? Văn hóa, đạo đức của một bộ phận xã hội xuống cấp nghiêm trọng ai chịu trách nhiệm? Nên chăng ngành xuất bản nhận phần trách nhiệm này?


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội
thăm khu trưng bày tư liệu của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trong Hội sách 2014.  Ảnh: Vũ Văn Chiến


Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội cùng các nhà khoa học, các vị khách mời và độc giả tham dự buổi tọa đàm
về bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê làm chủ biên - một hoạt động trong Hội sách 2014. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Những ngày tháng 10 này, mùa thu Hà Nội thật đẹp. Có một vẻ đẹp không văn chương tô điểm cho mùa thu đó là nét văn hóa từ những người Hà Nội đã đến cộng tác, làm việc, quan hệ công tác với một cơ quan làm công việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Đó là ngôi nhà số 4 phố Tống Duy Tân - trụ sở Nhà xuất bản Hà Nội - nơi đây đang vào tuổi 35 đầy sức sống, ưỡn ngực, vươn mình gánh vác trách nhiệm mà nghiệp, nghề không dành cho phần ưu ái.

Cơ quan này theo chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích, theo quan điểm của Đảng nếu được lãnh đạo Thành phố hiểu, quan tâm đầu tư, chỉ đạo sẽ có nhiều sản phẩm tốt cho xã hội, nâng tầm văn hóa Thủ đô, giữ gìn kho tàng lịch sử văn hóa truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chặng đường 35 năm chưa phải là dài nhưng so với một đời người đó là giai đoạn trưởng thành sung sức nhất. Chúng ta đã tự nhìn thấy mình, hiểu được nhân tình thế thái, có nhiều điều cần được xã hội và lãnh đạo nhìn nhận đúng. Đây đó có thể còn có người nhận thức chưa đúng về ngành này, còn nhiều tâm tư, trăn trở, chạnh lòng về nghề này… nhưng trên hết chúng ta có quyền ngẩng cao đầu, tự hào vì ta đã, đang đóng góp cho xã hội các sản phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa lịch sử và phát huy bản sắc dân tộc trong một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, theo suy nghĩ từ những người làm nghề xuất bản.


Như Albert Einstein nói:“Đọc sách cần cho trí tuệ chẳng khác gì rèn luyện cần cho cơ thể”.  Ảnh: Vũ Văn Chiến

Chỉ có người vô tình mới không nhớ những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa Thủ đô của những người làm công tác xuất bản. Riêng tôi khẳng định không ai quên và còn luôn nhắc đến công sức của các thế hệ CBCNV - BTV Nhà xuất bản Hà Nội trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô, có lúc bằng những từ ngữ hoa mỹ hơi quá.

Tôi hãnh diện, tự hào mình làm nghề xuất bản, nghề cao quý trong một số nghề cao quý giữ gìn và truyền bá văn hóa cho các thế hệ, hôm nay và tương lai của đất nước.
 
 
Mùa thu 2014
Nguyễn Kim Sơn
 
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)